Lợi nhuận giảm
Một trong những doanh nghiệp phải kể đến là Công ty Cổ phần Ngoại thương và Phát triển Đầu tư (Fideco, mã chứng khoán FDC). Nếu quý 4/2021 công ty này lãi nhẹ 14 tỷ đồng thì quý 4/2022 lỗ tới 200 tỷ đồng (giảm 1.528%).
Bộ Xây dựng cho biết, tỷ lệ doanh nghiệp bất động sản tăng lên 38%
Doanh thu của Fideco tăng nhẹ từ 3,4 tỷ đồng lên 4,5 tỷ đồng thì chi phí quản lý doanh nghiệp tăng đột biến từ 4,6 tỷ đồng lên 203,5 tỷ đồng, gấp 44 lần.
Theo giải trình của doanh nghiệp này, cùng kỳ năm trước, doanh nghiệp ghi nhận lãi thanh lý một số khoản đầu tư dài hạn, thì trong quý 4 năm 2022 không phát sinh.
Tương tự với Công ty cổ phần Tập đoàn Đất Xanh (Đất Xanh Group, mã chứng khoán DXG). Quý 4 năm trước, công ty này lãi trước thuế 361 tỷ đồng thì quý 4 năm/2022 lỗ 424 tỷ đồng.
Đất Xanh giải trình, việc lợi nhuận chuyển từ lãi sang lỗ do tình hình khó khăn chung của thị trường bất động sản dẫn đến doanh số bán hàng ở mảng dịch vụ sụt giảm trong khi công ty chưa kịp ghi nhận doanh thu, lợi nhuận từ các dự án do công ty làm chủ đầu tư và đã triển khai bán hàng thành công.
Công ty cổ phần Bất động sản Phát Đạt (mã chứng khoán PDR) cũng lỗ 297 tỷ đồng trong quý 4/2022.
Khó tiếp cận nguồn vốn
Trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp chịu lỗ vẫn còn có cơ hội xoay vần, bởi năm qua, thị trường chứng kiến tỷ lệ doanh nghiệp bất động sản phá sản, giải thể gia tăng. Theo thống kê của Bộ Xây dựng, năm 2022 số doanh nghiệp bất động sản tuyên bố phá sản, giải thể tăng khoảng 38,7% so với cùng kỳ năm trước.
Nguyên nhân được xác định là do doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng, phát hành trái phiếu và huy động vốn của khách hàng dẫn đến doanh nghiệp thiếu vốn phải giãn hoặc tạm dừng tiến độ thực hiện dự án.
Ngoài ra, doanh nghiệp còn đối diện với lãi suất cho vay, tỷ giá ngoại tệ, giá xăng dầu, giá vật liệu xây dựng tăng, dẫn đến chi phí tăng cao gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, khách hàng mua BĐS khó tiếp cận vốn vay của các tổ chức tín dụng gián tiếp ảnh hưởng đến thanh khoản các sản phẩm, dự án bất động sản dẫn đến các doanh nghiệp không bán được sản phẩm để thu hồi vốn và tái đầu tư.
Chuyên gia bất động sản Trần Khánh Quang cho hay, có đến 3 tháng doanh nghiệp bất động sản không bán được hàng, dẫn đến "hụt hơi" thanh khoản. Ông Quang kỳ vọng, năm 2023 sẽ có nhiều tín hiệu tốt hơn. Tuy nhiên thị trường bất động sản vẫn còn đối diện nhiều thách thức.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận