Trước hàng loạt ý kiến phản ánh khiếu nại về lộ trình hoạt động bất hợp lý gây ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các nhà xe, Công ty CP Bến xe Nghệ An đã phải tổ chức đối thoại với khách hàng.
Hàng loạt các nhà xe, doanh nghiệp vận tải khách cho rằng việc bố trí, sắp xếp lộ trình hoạt động giữa các bến như hiện nay là bất hợp lý
Ông Trần Minh Thành, Tổng giám đốc Công ty CP Bến xe Nghệ An cho biết: Thời gian gần đây, công ty liên tục nhận được các ý kiến phản ánh, khiếu nại từ các nhà xe, chủ doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô ở các tuyến ngoại tỉnh phía Bắc và tuyến huyện đi QL7, QL48 về các bất cập trong tổ chức vận tải trên địa bàn. Do hầu hết các doanh nghiệp, nhà xe này đang hoạt động ở Bến xe phía Bắc TP Vinh trực thuộc công ty nên để đảm bảo quyền lợi của khách hàng, công ty chúng tôi đã quyết định tổ chức hội nghị khách hàng để đối thoại với các doanh nghiệp, nhà xe.
Tại buổi đối thoại sáng 21/3, ông Phan Đình Ngọc, đại diện nhà xe Hùng Cúc cho biết: Các bến xe trên địa bàn hiện nay đều được đầu tư xây dựng theo hình thức xã hội hóa một cách khang trang hiện đại, có 4 bến ở Đông, Tây, Nam, Bắc. Thế nhưng, có điều phi lý là xe vẫn vào nội thành, lộ trình tuyến bố trí chồng chéo gây bức xúc cho các doanh nghiệp, nhà xe.
Buổi đối thoại ghi nhận các ý kiến kiến nghị từ phía các nhà xe, các doanh nghiệp vận tải diễn ra trong bối cảnh tỉnh Nghệ An chuẩn bị sắp xếp lại hoạt động vận tải vào cuối tháng 4/2023
Theo thống kê, ở Bến xe Bắc Vinh hiện có 15 tuyến vận tải hành khách liên tỉnh đi các tỉnh phía Bắc với 77 đầu xe, thuộc 25 đơn vị kinh doanh vận tải; 3 tuyến nội tỉnh đi các huyện, với 26 đầu xe, thuộc 6 đơn vị kinh doanh vận tải. Về cự ly, Bến xe phía Bắc chỉ cách Bến xe phía Đông 1,6km
Ông Ngọc nêu ví dụ: Bến xe Bắc Vinh rất đẹp, nằm ở cửa ngõ phía Bắc thành phố. Đường phía trước rộng thênh thang, thế nhưng để đảm bảo ATGT, tỉnh yêu cầu các xe khách đi từ bến này phải đi theo đường gom, chui qua gầm cầu, rồi vòng lại về đường 1 cũ mới ra Bắc. Khi về bến, chỉ được đi đến trước đèn xanh đèn đỏ trước cổng ở đường Thăng Long là phải rẽ vào bến trả khách. Trong khi đó, các xe hoạt động ở Bến xe phía Đông nằm trên QL46 ở gần trung tâm thành phố hơn, đường hẹp và khúc khuỷu hơn lại được cho đi ra theo QL46 rồi ra ngã ba Quán Bánh, rẽ theo đường Thăng Long, đi qua cổng bến xe phía Bắc rồi mới ra Bắc; khi về thì lặp lại hành trình kể trên. Việc bố trí như thế này tạo ra tình trạng tranh giành khách giữa các xe của 2 bến; tạo thói quen cho người dân đứng ngoài chờ bắt xe không vào bến. Rất bất cập.
Ông Nguyễn Văn Hưng, Công ty CP TM Hùng Cúc đặt câu hỏi: Tại sao Hà Nội và nhiều nơi có 4 bến xe Đông - Tây - Nam - Bắc vận hành rất tốt, không chồng chéo, mà Nghệ An không làm được. Theo tôi Nghệ An nên đi học các tỉnh rồi tổ chức phân bổ lại tuyến theo đúng định hướng “bến phía nào thì đi đường phía đó”. Ví như: Xe ở bến xe phía Đông thì không cho đi qua mặt bến xe phía Bắc, cho đi theo QL46, qua cầu vượt theo đường Đặng Thai Mai, ra đường tránh rồi ra Bắc; hoặc cho theo QL46 xuống Cửa Lò rồi ra Nam Cấm, sẽ hết chồng lấn, mâu thuẫn.
Ông Hưng cũng kiến nghị: Cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An cho xử lý phạt nguội thông qua hình ảnh người dân cung cấp để xử lý tình trạng xe ngoại tỉnh chạy xuyên thành phố, xe dừng đỗ bắt khách dọc đường, trước cổng bến xe.
Ông Trần Đình Trọng bức xúc vì doanh nghiệp càng chấp hành tốt các quy định càng thiệt thòi.
Ông Trần Đình Trọng - chủ xe Tứ Minh (thuộc HTX Huy Hải) bức xúc: Nghịch lý là cứ doanh nghiệp chấp hành tốt quy định thì thiệt thòi. Tới đây, điều chuyển tuyến ở bến xe Chợ Vinh ra phía Nam, đồng nghĩa không còn xe khách chạy vào trung tâm, vậy doanh nghiệp, chủ xe có bãi đỗ, có nhà trong thành phố thì xử lý như thế nào? Không lẽ cấm không cho đưa xe về nhà. Tỉnh cần có hướng dẫn rõ ràng trong quá trình thực hiện, tránh để doanh nghiệp vận tải phát sinh thêm chi phí trong bối cảnh khó khăn như hiện nay.
Một số doanh nghiệp và nhà xe kiến nghị cần phải xử lý triệt để tình trạng xe khách tuyến cố định tỉnh khác chạy xuyên trung tâm thành phố vào ban đêm. Xử lý xe chạy vượt tuyến từ Con Cuông, Tương Dương theo QL7 lên Kỳ Sơn tranh giành, đón trả khách. Kiến nghị tạo sự công bằng giữa xe buýt đi huyện và xe khách tuyến cố định đi các huyện (cùng dòng xe cùng tuyến nhưng xe buýt được chạy khắp thành phố đón trả khách, còn xe khách, không được bố trí bất cứ điểm dừng đón trả khách nào trên đường).
Bến xe Bắc Vinh nằm ở cửa ngõ phía Bắc TP Vinh với đường đi rất thuận lợi. Tuy nhiên, các xe khách của bến này không được đi theo tuyến đường Thăng Long trước mặt bến mà chỉ có xe thuộc bến xe phía Đông được đi đường này
Sau khi lắng nghe và tập hợp các ý kiến thành 6 nhóm vấn đề, Tổng giám đốc Công ty CP Bến xe Nghệ An - Trần Minh Thành cho biết: Các kiến nghị trước đây của doanh nghiệp, nhà xe mang tính nhỏ lẻ, thậm chí gửi vượt cấp nên không tạo hiệu quả. Lần này, Bến quyết định đứng ra làm cầu nối để tập hợp ý kiến, kiến nghị rồi làm báo cáo gửi lên UBND tỉnh Nghệ An, Sở GTVT và các cơ quan chức năng liên quan. Việc này nhằm tạo sự kết nối và môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng cho các nhà xe, doanh nghiệp kinh doanh vận tải. Nhất là khi Nghệ An chuẩn bị điều chuyển tất cả các xe khách đang hoạt động ở Bến xe Chợ Vinh sang Bến xe phía Nam vào 30/4 tới.
"Chúng tôi mong rằng khi đã điều chuyển xe khách ra ngoại ô, cơ quan chức năng sẽ cắm biển cấm xe khách tuyến cố định đi vào nội thành ở ngay đầu đường Thăng Long, khu vực bến xe Bắc Vinh và các cửa ngõ vào thành phố. Tổ chức sắp xếp luồng tuyến một cách hợp lý nhằm khắc phục các vấn đề còn tồn tại hiện nay", ông Thành đề nghị.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận