70 năm truyền thống ngành GTVT

Đông này, em không lạnh nữa...

22/01/2015, 13:39

Chiếc xe tải chở hàng quyên góp xuất phát từ 3h sáng, phải đến 13h mới tới Lóng Sập.

71
Chủ tịch Công đoàn VNR Mai Thành Phương trao quà cho người dân ở bản Pha Nhen

Những đứa trẻ ở Pha Nhen

Đến cao nguyên Mộc Châu đã quá trưa, cả đoàn ủng hộ từ thiện của Công đoàn Tổng Công ty Đường sắt VN (VNR) chỉ kịp ăn vội bữa cơm rồi lên đường vào Lóng Sập theo QL43. Tuy mang tiếng là quốc lộ nhưng phải mất khá nhiều thời gian đoàn mới vượt qua quãng đường hơn 25 km để tới trung tâm xã do đường đi hẹp, quanh co. Chiếc xe tải chở hàng quyên góp xuất phát từ 3h sáng, phải đến 13h mới tới Lóng Sập.

Lóng Sập là xã vùng 3, cao hơn 1.300 m so với mặt biển. Là xã vùng biên giới của huyện Mộc Châu, phía Tây giáp với nước bạn Lào. Cả xã có 14 bản người Mông, Thái và Khơ Mú. Ông Mong Văn Binh tâm sự, hầu hết các xã này đều “đứt bữa” vài tháng trong năm. Cơ sở hạ tầng vật chất của xã cũng thiếu thốn trăm bề nên đời sống kinh tế khó khăn lắm. Người dân trong xã chỉ trông vào cây ngô, cây lúa, tự cung tự cấp là chính.

Trong năm 2014, Công đoàn VNR trích gần 2,3 tỷ đồng để thăm hỏi và trợ cấp cho 317 cán bộ, công nhân viên lao động có hoàn cảnh khó khăn, xây dựng hai nhà tình nghĩa, sửa chữa bốn mái chống dột...

Tại lễ phát động ủng hộ “Nhịp cầu yêu thương” tối 17/1 vừa qua, VNR cũng quyết định ủng hộ xây dựng một cây cầu dân sinh trị giá khoảng 4 tỷ đồng.

Ở Lóng Sập, quốc lộ chỉ đến được trung tâm xã, còn lại đường vào các bản chỉ có thể đi lại vào mùa khô, còn mùa mưa lầy lội, gần như không thể đi lại.

Đại úy Trần Nam Hưng, Phó đồn trưởng Đồn biên phòng 469 cửa khẩu Lóng Sập dẫn chúng tôi đến điểm trường Pha Nhen chỉ cách trung tâm xã khoảng chục cây số.

“Hôm nay không mưa nên còn có thể đi được, chứ chỉ cần một trận mưa nhỏ là đường trơn lầy, nhiều khi phải tăng bo xe máy qua những vũng bùn nhão”, Đại úy Hưng nói.

Phải khó khăn lắm xe chúng tôi mới vượt qua được đoạn đường gồ ghề đất đỏ, một bên là núi, một bên là vực sâu. Dấu vết của những trận mưa cách đây mấy hôm vẫn còn in hằn trên đường, chỉ cần sơ sảy một chút là có thể lăn xuống vực bất cứ lúc nào.

Xe xóc liên tục, leo hết dốc này đến dốc khác. Đến điểm trường Pha Nhen, những đứa trẻ co ro trong những manh áo mỏng chạy theo chiếc xe chở hàng quyên góp. Mặt mũi đứa nào cũng lấm lem, nhưng hai má đỏ ửng do lạnh. Thấy khách đến, chúng xúm lại như đã quen lâu lắm.

Ông Yên, Phó Chủ tịch xã Lóng Sập hướng dẫn chúng tôi đi bộ lên trường. Cả xã có 14 bản thì đều khó khăn. Mỗi bản có một điểm trường tiểu học nghèo khó. Cả trường Pha Nhen chỉ có bốn lớp học. Gọi là lớp nhưng cơ sở hạ tầng xập xệ. Các lớp chia làm hai phòng học trên một bãi đất trống và cao ở giữa bản. Cả hai phòng học đều làm bằng phên nứa thông thống giữa núi đồi. Phòng bên trái ghép lớp 1 và 2. Phòng còn lại ghép lớp 3 và 4.

Mỗi lớp cũng chỉ chục em học sinh. Hôm chúng tôi đến thăm và tặng quà, nhìn lên bảng thấy các em đang học bài về danh tướng Trần Bình Trọng và một lớp đang học phép tính cộng. Tôi đố vui các em mấy phép tính, em nào cũng xung phong trả lời. Ở các lớp này, đa phần các em nói và hiểu được tiếng Kinh nên có thể giao tiếp được. Các cô giáo thường dạy luôn cả hai lớp một lúc. Các em rất ngoan và nghe lời cô giáo.

Thầy giáo Hoàng Công Trường, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Lóng Sập cho biết, sau khi học hết tiểu học, các em ra học THCS nội trú ở trung tâm xã. Do điều kiện địa hình ở xa nên một tuần các em mới về nhà một lần. Các thầy cô giáo thay nhau trực đêm để trông các em. Mỗi ngày các thầy cô cũng vượt mấy chục cây số từ thị trấn Mộc Châu vào đây dạy học, vất vả lắm.

So với điểm trường Pha Nhen, trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Lóng Sập có điều kiện cơ sở vật chất khang trang hơn. Hôm tôi đến, các em đang tự trồng cây trong khuôn viên trường, tự đi lấy tre về để làm hàng rào giữa sân trường với con dốc sau trường. Ngoài giờ lên lớp, các thầy cô đều hướng dẫn các em tự làm mọi thứ.

Những tấm áo nghĩa tình

Đã theo chân đoàn quyên góp từ thiện của Tổng công ty Đường sắt VN (VNR) mấy lần nên tôi cũng cảm nhận được nhiệt thành của các thành viên. Chỉ cần có “lệnh” quyên góp là gần như tất cả cán bộ công nhân viên các đơn vị thành viên sẵn sàng ủng hộ, hẹn ngày lên đường.

Ông Mai Thành Phương, Chủ tịch Công đoàn VNR cho biết, đợt này tổng số hàng quyên góp được khoảng trên 20 tấn gồm chăn, quần áo, nhu yếu phẩm cho bà con các vùng sâu, vùng xa. Công đoàn VNR và các đơn vị thành viên đã tổ chức hàng chục đoàn công tác đến với đồng bào vùng sâu, vùng xa tại các tỉnh Lào Cai, Lạng Sơn, Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Bình Định… Riêng ở Lóng Sập, cả đoàn đã quyên góp ủng hộ được khoảng 1,5 tấn hàng cho các học sinh, nhân dân trong xã.

Như vậy, sau gần hai tháng tích cực phát động phong trào quyên góp ủng hộ đồng bào vùng sâu, vùng xa, cán bộ công nhân viên đã ủng hộ hàng nghìn bộ quần áo ấm, hơn 1.500 tấm chăn mới, hơn 10 nghìn cuốn vở học sinh, nhiều thiết bị, phương tiện nghe nhìn, thiết bị lọc và đun nước...

Bà Dương Thị Mơ, Trưởng Ban nữ công Công đoàn VNR kể cho tôi nghe quá trình chuẩn bị cho chuyến đi một cách đầy hứng khởi. Ngay hôm phát động, Xí nghiệp Vận tải đường sắt Sài Gòn đã gửi ra khoảng 400 cái chăn. Dù chỉ là chăn cũ nhưng cũng được giặt sấy cẩn thận, đóng túi gọn gàng. Tất cả quần áo khác đều được anh em tổ chức phân loại cẩn thận từ hôm trước. Thú thật có lên những vùng cao mới thấy một cái chăn, một tấm áo khoác quý đến mức nào.

Ông Mong Văn Binh xúc động cho biết, mùa Đông này các em học sinh của Lóng Sập đã không còn lạnh nhờ vào các tấm lòng hảo tâm của cán bộ, công nhân viên VNR. Lóng Sập là một xã nghèo, có những bản mỗi năm thiếu ăn đến vài tháng. Vì vậy, hoạt động này rất có ý nghĩa, sẻ chia được một phần khó khăn cho xã.

Thiện Anh

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.