Hai bến đò luôn chịu áp lực quá tải
Tại bến đò Xẻo Vạt, vào buổi sáng, lượng khách qua lại rất đông. Nhiều nhất là công nhân đi làm việc sớm.
Ông Phạm Văn Bé Nhỏ (50 tuổi, chủ đưa đò tại bến đò Xẻo Vạt) cho biết, hiện bến có 3 chiếc đò, có thể đưa khoảng 100 khách qua sông mỗi lượt.
Vào các giờ cao điểm sáng sớm và chiều tan tầm là khách đông nhất. Lúc này, đò huy động cả 3 chiếc mới đảm bảo phục vụ nhu cầu của người dân qua lại.
"Đa phần ở đây là công nhân bốc vác, sáng đi qua bên xã Tân Bình, huyện Châu Thành (Đồng Tháp) để làm việc và chiều về", ông Nhỏ cho biết.
Mỗi ngày, bến đò Xẻo Vạt có hơn 1.000 lượt khách qua lại, áp lực lưu thông rất lớn.
Ông Nhỏ nói: "Khách đi kèm xe máy thì đò thu 2.000 đồng/lượt. Bình quân doanh thu mỗi ngày hơn 2 triệu đồng. Lúc xe đông thì mình phải điều tiết, một số người phải đợi chuyến sau, như vậy mới đảm bảo an toàn".
Gần UBND và chợ xã nên bến đò ngang Tứ Phước (bến thứ 2) cũng chịu nhiều áp lực về lượng khách qua sông.
Bà Nguyễn Kim Chiều (61 tuổi, chủ đưa đò tại bến đò Tứ Phước) cho biết, khi học sinh nghỉ hè thì khách ít hơn. Riêng mấy ngày gần đây, lượng khách qua lại đông hơn nên việc đưa rước khách qua sông cũng bị áp lực.
Mỗi ngày, bến đò Tức Phước có khoảng 5.000 lượt khách qua lại, doanh thu 5 triệu đồng.
"Bến đò chỉ lấy tiền người dân qua lại, còn học sinh thì miễn phí. Lượng khách đông nhất là vào buổi sáng vì học sinh đi học, buổi chiều cũng nhiều nhưng không đông bằng buổi sáng", bà Chiều nói.
Lượng khách đông nên vào buổi sáng và buổi chiều, bà Chiều cho chạy toàn bộ 2 chiếc đò với tổng số 150 lượt khách/lượt.
Một bến tạm ngưng, dân tình mong mở lại
Bến đò Cò Chỏi là bến thứ 3 trong xã An Hiệp, trước đây có hoạt động nhưng hơn một năm nay nay lại dừng, khiến việc đi lại của nhiều hộ dân sống xung quanh khu vực gặp khó khăn.
Bà Nguyễn Thị Thu Hằng (54 tuổi, ấp An Thạnh, xã An Hiệp, huyện Châu Thành) cho biết, hơn 50 hộ dân sống ở đây đều nhờ bến đò Cò Chỏi đưa qua sông để lên QL80. Việc dừng hoạt động của bến đò này làm khó khăn cho sinh hoạt của người dân.
Bà dẫn chứng, kế bên nhà có người già, lúc trước muốn đi khám bệnh chỉ cần qua đò là tới nơi, nhưng bây giờ muốn đến được bác sĩ phải đi vòng 10km tính cả lượt đi và về, rất bất tiện.
"Tôi mong bến đò này sớm hoạt động trở lại. Ở đây không có cầu, việc đi lại của người dân chỉ trông cậy vào đò", bà Hằng nói.
Mong bến đò Cò Chỏi hoạt động trở lại nên nhiều người cũng... làm liều. Ông Lương Văn Vũ (55 tuổi, ấp An Thạnh, xã An Hiệp, huyện Châu Thành) nói: "Bữa có ông chú thấy người dân ở đây đi lại khó khăn nên đến vận động làm cầu đò để đưa qua sông. Được đâu chừng một tháng thì xã lại kêu dừng lại vì không đảm bảo an toàn".
Bà Nguyễn Thị Cẩm Vân (ấp An Thạnh, xã An Hiệp, huyện Châu Thành) cho biết, nhà có ba người, con trai út và con dâu sáng phải đi làm. Bà than vãn: "Năm nay đã 66 tuổi, trong người lại mắc bệnh rối loạn tiền đình, mỗi lần đi khám bệnh phải thuê xe ôm chở ra bến đò Tứ Phước, tính cả 2 lượt đi và về mất thêm 30.000 đồng".
"Trước đây, có bến đò Cò Chỏi, từ nhà lội bộ lại đò, qua đò là tới chỗ khám bệnh. Nay phải đi vòng rất tốn kém", bà Vân giãi bày.
Chính quyền vô can, người dân cứ đợi...
Về lý do buộc bến đò Cò Chỏi dừng hoạt động, ông Bùi Văn Bính, Chủ tịch UBND xã An Hiệp, huyện Châu Thành (Đồng Tháp) cho biết, bến đò này trước đây không đủ điều kiện đảm bảo đưa đón khách.
Ông cũng cho biết thêm: Trong những lần tiếp xúc cử tri, địa phương có nhận được phản ánh việc bến đò không hoạt động khiến việc đi lại của nhân dân, công nhân lao động và các em học sinh gặp nhiều khó khăn.
Từ phản ánh đó, UBND xã có thuê Trung tâm Dịch vụ đấu giá tỉnh Đồng Tháp thông báo đấu giá bến từ ngày 1/12/2021. Nhưng đến nay đã 2 lần, vẫn chưa tổ chức đấu giá khai thác bến đò Cò Chỏi.
Theo ông Bính, năm học 2023 - 2024 này vẫn chưa thể đưa bến đò vào hoạt động vì còn phải... xin phép các ngành liên quan.
"Sau phản ánh của người dân, UBND xã sẽ tổ chức họp về nhu cầu sử dụng bến đò Cò Chỏi. Khi tỉ lệ người dân cần thiết cao, UBND xã sẽ trình UBND huyện Châu Thành tập trung vận động các đơn vị khai thác bến đò. Và dĩ nhiên phải được Sở GTVT tỉnh cấp phép mở bến chứ UBND xã không có thẩm quyền", ông Bính trình bày.
Như vậy, thời gian này người dân xã đảo An Hiệp, huyện Châu Thành (Đồng Tháp) tiếp tục "lụy đò" trong tình trạng quá tải.
Người dân vùng hẻo lánh ở vùng ĐBSCL đã thiệt thòi vì thiếu cầu đường, nay đến cả bến đò cũng thiếu thốn làm đời sống càng thêm chật vật.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận