Du lịch

Dự án đường cao tốc "kéo gần" các điểm đến du lịch ĐBSCL

18/03/2022, 13:02

Một số tuyến đường cao tốc được gấp rút triển khai rút ngắn thời gian di chuyển giữa các địa phương, nâng cao tính hấp dẫn của sản phẩm du lịch.

Đường cao tốc góp phần nâng cao tính hấp dẫn của sản phẩm du lịch

Ngày 18/3, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) phối hợp cùng với UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2022 “Chương trình Liên kết hợp tác phát triển du lịch TP.HCM - ĐBSCL” và phát động “Mở cửa lại du lịch trong điều kiện bình thường mới”.

Phát biểu tại hội nghị, ông Đoàn Văn Việt - Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL khẳng định, việc liên kết phát triển du lịch đã góp phần thúc đẩy đầu tư nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông giữa TP.HCM và các tỉnh ĐBSCL.

img

Các đại biểu nhấn nút phát động mở cửa du lịch trong điều kiện bình thường mới.

“Một số tuyến đường cao tốc đã được gấp rút triển khai góp phần rút ngắn thời gian di chuyển giữa các địa phương, nâng cao tính hấp dẫn của sản phẩm du lịch (điển hình là tuyến Trung Lương - Mỹ Thuận đã đưa vào sử dụng)”, ông Việt nói.

Với mong muốn liên kết phát triển du lịch TP.HCM và ĐBSCL tiếp tục phát huy vai trò, vị thế của mình, góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong những điểm đến có sức hút lớn đối với du khách, là lựa chọn du lịch hàng đầu hậu Covid-19, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt đề nghị các địa phương và doanh nghiệp tiếp tục đảm bảo điều kiện an toàn phòng chống, dịch.

Đồng thời, phát triển sản phẩm du lịch đáp ứng xu hướng mới của thị trường; nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật, tăng cường nhân lực du lịch; tăng cường liên kết truyền thông, xúc tiến quảng bá thu hút khách; thu hút đầu tư lĩnh vực du lịch; ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động du lịch; nâng cao năng lực cạnh tranh điểm đến.

img

Ông Phạm Văn Thiều - Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu khẳng định, việc liên kết giữa TP.HCM và các tỉnh ĐBSCL giúp ngành du lịch của các địa phương cùng nhau vượt qua khó khăn.

Theo Thứ trưởng Đoàn Văn Việt, kể từ ngày 15/3/2022, du lịch Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn phục hồi mới. Chính phủ đã cho phép mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch quốc tế và nội địa thông qua đường hàng không, đường bộ, đường biển đảm bảo an toàn, phù hợp với các quy định phòng, chống dịch Covid-19. Đây là điều đáng vui mừng của ngành du lịch Việt Nam.

Hợp tác phát triển, cùng nhau vượt khó

Ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu khẳng định, việc liên kết giữa TP.HCM và các tỉnh ĐBSCL giúp ngành du lịch của các địa phương cùng nhau vượt qua khó khăn.

“Việc liên kết này càng trở nên quan trọng hơn trong thời điểm hiện nay, khi mà vẫn còn tiềm ẩn những khó khăn, thách thức đan xen như: dịch bệnh, biến đổi khí hậu, tình hình an ninh - chính trị trên thế giới, khu vực còn nhiều diễn biến phức tạp…”, ông Thiều nhấn mạnh.

img

Các địa phương ký kết hợp tác phát triển du lịch.

Để tiếp tục tăng cường hiệu quả liên kết, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu kiến nghị Bộ VH-TT&DL sớm phối hợp với các Bộ, ngành liên quan kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tăng cường đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội cho khu vực ĐBSCL để tạo điều kiện phát triển kinh tế du lịch vùng.

“Bạc Liêu sẽ tiếp tục cùng với các địa phương xây dựng và hoàn thiện cơ chế liên kết, phối hợp trong việc hình thành chính sách thu hút và phân bổ đầu tư, đặc biệt là đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch”, ông Thiều cam kết.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cho biết, công tác phối hợp triển khai các nội dung hợp tác phát triển du lịch giữa các cơ quan quản lý du lịch trực thuộc 14 địa phương luôn thuận lợi.

img

Du khách tham quan tại Khu lưu niệm Nghệ thuật đờn ca tài tử và Nhạc sĩ Cao Văn Lầu.

“Nhiều nội dung cụ thể trong thỏa thuận hợp tác đa phương đã được phối hợp triển khai thực hiện, góp phần thúc đẩy du lịch vùng chuyển biến tích cực, thu hút sự tham gia hưởng ứng tích cực của cộng đồng doanh nghiệp, Hiệp hội Du lịch và người dân của 14 địa phương trong liên kết”, bà Hoa thông tin.

Cũng theo bà Hoa do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 nên một số nội dung dự kiến triển khai theo Kế hoạch phải tạm ngưng, hoặc chỉ triển khai trong phạm vi nhỏ…đã gây ảnh hưởng đến tiến độ, kết quả của một số hoạt động liên kết vùng theo kế hoạch đã đề ra.

“Do việc thành lập Hội đồng liên kết vùng là một vấn đề mới, chưa có tiền lệ nên việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng liên kết vùng chưa hoàn thiện theo tiến độ và đang thực hiện lấy ý kiến của 13 tỉnh, thành ĐBSCL”, bà Hoa nêu hạn chế.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.