Chuyện dọc đường

Đừng kỳ thị, hãy động viên Hải Dương lúc này

19/02/2021, 11:29

Cách ly, hy sinh thu nhập, cuộc sống thường ngày để dịch bệnh Covid-19 không có nguy cơ lan rộng nhưng nhiều người Hải Dương lại bị kỳ thị.

img

Việc xét nghiệm trên diện rộng với hàng chục nghìn đối tượng nghi nghiễm là áp lực rất lớn với các nhân viên y tế ở Hải Dương

Những ngày này, khắp các tỉnh, thành phố đang truy vết, yêu cầu cách ly tất cả những người vừa trở về từ Hải Dương.

Thậm chí, một số tỉnh còn chỉ đạo trong thời gian tỉnh Hải Dương cách ly xã hội (từ ngày 16/2 đến ngày 2/3/2021) các doanh nghiệp trên địa bàn phải tạm dùng sử dụng lao động người Hải Dương.

Đây là việc làm quyết liệt, thận trọng trong thời điểm lịch sử để bảo đảm dịch bệnh không lan rộng, được nhiều người đồng tỉnh ủng hộ.

Sau khi được tuyên truyền, giải thích những người có liên quan đều chấp hành nghiêm.

Không chỉ người Hải Dương, nhiều người từng đi qua Hải Dương trong khoảng thời gian xảy ra dịch bệnh cũng chủ động khai báo, chấp hành yêu cầu cách ly theo chỉ đạo để phòng dịch, bảo vệ cộng đồng.

Nhiều người cho biết, thời gian cách ly, theo dõi y tế là 14 ngày không phải là quá dài nhưng với nhiều người, họ đang phải sống trong thời điểm khó khăn, khủng hoảng nhất.

Bởi lẽ, thay vì được kịp thời động viên, chia sẻ trong thời điểm khó khăn này vì mất thu nhập trong thời gian nghỉ làm sau Tết và cách ly phòng dịch, nhiều người còn bị cộng đồng dân cư kỳ thị, phân biệt đối xử với những lời đàm tiếu, dị nghị.

Thậm chí, nhiều người còn tụ tập gần khu vực cách ly để bàn tán, lớn tiếng nói bóng gió, gọi những người bị cách ly là “nguồn gây họa”, “kẻ chạy dịch”... khiến nhiều người rơi vào khủng hoảng tinh thần.

Trước tình cảnh bị ruồng bỏ, thay vì chấp hành chủ trương cách ly tại nơi cư trú để phòng dịch, có những người đã giấu không khai báo và lựa chọn trở về Hải Dương khiến việc giám sát dịch tễ càng khó khăn hơn.

Dịch bệnh lần này được đánh giá là phức tạp, virus có tốc độ lây lan nhanh, ổ dịch bùng phát đầu tiên ở Hải Dương có số F1, F2 lớn nhất từ trước đến nay, rất khó xử lý.

Vì vậy, thay vì thái độ kỳ thị, chì chiết, quy kết trách nhiệm, hơn lúc nào hết, chính quyền địa phương và các cộng đồng dân cư cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nêu cao tinh thần “tương thân, tương ái”, kịp thời hỗ trợ, động viên những người đang cách ly tại địa phương giúp họ vượt qua mặc cảm, chấp hành tốt quy định để bảo đảm phòng chống dịch bệnh tốt nhất.

Hải Dương lần này gặp khó khăn hơn rất nhiều Đà Nẵng khi nơi này bị phong tỏa nhưng có cảm giác họ đang thiếu đi sự sẻ chia từ cộng đồng.

Số ca cách ly lên tới hàng chục nghìn người, 135 nghìn người phải lấy mẫu xét nghiệm có nghĩa là khối lượng công việc của các ekip bác sỹ, y tá, CDC, an ninh, đội ngũ hậu cần đang ngày đêm "chiến đấu" ở tâm dịch Hải Dương cực lớn, hơn rất nhiều các địa phương khác.

Họ đang rất cần sự động viên kịp thời cả về vật chất và tinh thần.

Đội ngũ ở tuyến đầu chống dịch cũng như những người bị cách ly không thu hoạch được nông sản, hàng hóa của các doanh nghiệp bị tồn đọng hoặc bị chậm hợp đồng đang cần được "tiếp sức".

Một số tỉnh, thành như Hà Nội đã tuyên bố sẽ hỗ trợ địa phương thu mua hàng hóa, hỗ trợ kinh phí, nhân lực cho Hải Dương, đó là thứ Hải Dương cần nhất lúc này.

Bên cạnh đó, ngay cả tại các điểm không có dịch, khi chưa xác định được nguồn lây trong cộng đồng, người dân cũng cần nâng cao ý thức phòng dịch như tránh tụ tập đông người, thường xuyên đeo khẩu trang, thực hiện đầy đủ hướng dẫn phòng dịch của Bộ Y tế.

Chỉ có cùng nhau chống dịch chúng ta mới chiến thắng được virus Corona.

Bài học đó Việt Nam đã cho cả thế giới thấy sức mạnh đoàn kết dân tộc và lần này cũng thế.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.