Thế giới giao thông

Đường sắt Anh khủng hoảng, vì đâu nên nỗi?

05/11/2023, 08:00

Là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới phát triển đường sắt, nhưng nay Anh đang tụt lại so với thế giới và gặp nhiều vấn đề liên quan tới loại hình giao thông này.


Hàng loạt vấn đề

Khi dịp kỷ niệm 200 năm ra đời tuyến đường sắt công cộng đầu tiên trên thế giới, nối Stockton và Darlington ở phía Đông Bắc nước Anh vào năm 1825 đến gần, ngành đường sắt giàu lịch sử ở quốc gia này lại đang rơi vào tình trạng hỗn loạn.

Đường sắt Anh khủng hoảng, vì đâu nên nỗi?
 - Ảnh 1.

Người lao động ngành đường sắt Anh đình công khiến phòng vé có nguy cơ đóng cửa. Nguồn: PA Images.

Gần như ngày nào, thông tin về những vấn đề liên quan đến hệ thống đường sắt Anh cũng xuất hiện trên các bản tin thời sự. Từ các cuộc biểu tình của người lao động, cơ sở hạ tầng xuống cấp, chi phí vận hành tăng, đến việc đóng cửa phòng vé tại các nhà ga, thiếu nhân viên, tàu chạy trễ. Gần đây nhất là việc hủy bỏ dự án khổng lồ xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao 2 (HS2).

Do tắc nghẽn khi di chuyển, cơ sở hạ tầng đường sắt xuống cấp nghiêm trọng ở Victoria dẫn tới các cuộc đình công trong ngành liên tục diễn ra khiến người dân Anh ngày càng không có thiện cảm với dịch vụ đường sắt. Quyết định hủy bỏ dự án HS2 cũng đối mặt với rất nhiều tranh cãi.

Dự án HS2 ban đầu được khởi xướng để kết nối London với các thành phố phía Bắc như Birmingham, Manchester và Leeds với mục tiêu giảm khoảng cách phát triển giữa miền Bắc và miền Nam của Vương quốc Anh.

Thông báo trên cũng dấy lên phản ứng dữ dội từ các nhà lập pháp và lãnh đạo doanh nghiệp cùng nhiều người từ chính nội bộ Đảng Bảo thủ.

Từ quy mô ban đầu là một siêu dự án kết nối toàn nước Anh, hiện HS2 chỉ còn là một tuyến liên kết dài 140 dặm (225km), tổng mức đầu tư bị đội lên 108 tỷ USD và không cải thiện được tình hình di chuyển hiện tại.

Quá trình triển khai ý tưởng, HS2 vấp phải phản đối mạnh mẽ từ các cộng đồng dọc tuyến đường. Người dân phàn nàn về việc cảnh quan bị phá hủy và tình trạng gián đoạn di chuyển trong quá trình xây dựng. Những người ủng hộ môi trường cũng biểu tình rầm rộ nhằm kêu gọi bảo vệ những khu rừng cổ thụ và hệ sinh thái lân cận.

Trong khi đó, những người ủng hộ dự án này từ ban đầu hiện đang thất vọng vì sự cắt giảm quá mạnh.

Kỹ sư đường sắt Gareth Dennis cho biết: "Mục tiêu ban đầu là đưa vào vận hành 17 chuyến tàu mỗi giờ kết nối nhiều thành phố lớn nhất giờ đây bị giảm xuống chỉ còn một vài chuyến tàu nhanh mỗi giờ giữa London và Birmingham. Đó là một sự cắt giảm đáng kể".

"Cơn ác mộng" trên các chuyến tàu

Theo quan điểm của chính quyền Thủ tướng Sunak, quyết định cắt giảm dự án HS2 sẽ tiết kiệm 44 tỷ USD. Ông Sunak khẳng định, số tiền tiết kiệm sẽ được phân phối lại cho các chương trình giao thông khác trên khắp đất nước, bao gồm cả đường bộ và đường sắt.

Đường sắt Anh khủng hoảng, vì đâu nên nỗi?
 - Ảnh 2.

Tình trạng quá tải tại ga tàu Anh. Nguồn: AP.

"Tất cả vùng ngoại ô London sẽ nhanh chóng nhận được khoản đầu tư tương đương hoặc nhiều hơn so với dự án HS2", Thủ tướng Sunak nói.

Trong khi chờ đợi hành động từ phía chính phủ, nhiều hành khách đường sắt của Anh tiếp tục phải chịu đựng tình trạng di chuyển chậm mà nhiều người phải thốt lên "không thể chấp nhận được".

Gần đây, diễn viên hài James Nokise đã gây sốt sau khi đăng một bài bình luận trên Twitter về hành trình dài tới 11 giờ từ London đến Edinburgh. Theo đó, hàng trăm hành khách đã bị mắc kẹt trên hành trình đến Scotland sau khi một chuyến tàu bị hủy và các chuyến tàu sau đó nếu không chật kín khách thì cũng bị hủy.

Nguyên nhân sâu xa

Theo hãng tin CNN, một trong những nguyên nhân khiến đường sắt nước Anh gặp nhiều vấn đề như hiện tại xuất phát từ quá trình tư nhân hóa vội vã từ giữa những năm 1990.

Thời điểm đó, cơ quan đường sắt Anh British Rail thuộc sở hữu Nhà nước được chia thành 25 công ty khu vực và hàng nghìn nhà thầu tư nhân nhỏ hơn tham gia vào nhiều quá trình, từ bảo trì tàu đến dịch vụ sửa chữa đường ray hay vệ sinh.

Trong ba thập kỷ qua, mối quan hệ giữa các công ty này ngày càng phức tạp, tốn nhiều chi phí và khó quản lý, cuối cùng dẫn đến việc không biết quy trách nhiệm cho ai khi có sự cố xảy ra.

Trước khi đại dịch Covid-19 nổ ra, vấn đề hàng đầu đối với ngành đường sắt Anh vẫn là đáp ứng nhu cầu hành khách. Trên mạng lưới đường sắt cũ kỹ có niên đại từ thế kỷ 19, các công ty ra sức chạy thêm nhiều chuyến trong khi không đầu tư sửa chữa, kéo theo tình trạng thường xuyên chậm, muộn hoặc đôi khi phải hủy chuyến.

Sau đại dịch Covid-19, sụt giảm về số lượng hành khách do các biện pháp phong tỏa đã ảnh hưởng đến lợi nhuận và lần này, mối quan hệ hợp tác giữa các đơn vị tư nhân bị chia rẽ sâu sắc.

Theo Văn phòng Đường sắt và Đường bộ Anh (ORR), kể từ năm 2020, chính phủ Anh đã tái quốc hữu hóa hệ thống đường sắt, chi hơn 40 tỷ USD để duy trì hoạt động trong giai đoạn 2020 - 2022, tăng cao so với mức khoảng 13 tỷ USD/năm trong giai đoạn 2018 - 2020.

Trong khi đó, doanh thu bán vé lại giảm từ 150 - 200 triệu USD mỗi tháng do lượng người đi lại trong tuần giảm mạnh.

Chính phủ Anh đã đề xuất thành lập một cơ quan mới - Great British để quản lý ngành đường sắt quốc gia. Tuy nhiên, sau hai năm được đưa ra, ý tưởng này vẫn chưa thành hiện thực.

Trong cuộc khảo sát, lấy ý kiến người dân của chính phủ Anh về kế hoạch đóng cửa khoảng 860 địa điểm bán vé ở các nhà ga, đã có hơn 600.000 ý kiến phản đối. Tuy hiện nay phần lớn vé tàu hiện được bán trực tuyến nhưng các nhà vận động cho rằng việc đóng cửa các cơ sở bán vé sẽ ảnh hưởng đến khách du lịch, người lớn tuổi, người khuyết tật, người có thu nhập thấp và những người không có kỹ năng tiếp cận dịch vụ số.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.