Đất lên giá đã làm công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) trở thành nút thắt ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng công trình trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
Đường liên huyện Chư Prông - Chư Sê - Chư Pưh đang bị chậm GPMB tại thị trấn Nhơn Hoà (Chư Pưh) do giá đất tăng tăng cao
GPMB chạy theo giá đất
Tháng 3/2021, dự án đường liên huyện Chư Prông-Chư Sê-Chư Pưh (Gia Lai) do Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh Gia Lai làm chủ đầu tư có tổng chiều dài toàn tuyến là 32,75 km đi qua địa bàn các huyện: Chư Sê (dài 5,8 km), Chư Pưh (25 km), Chư Prông (1,95 km). Công trình dự kiến hoàn thành vào thời điểm tháng 12/2022.
Toàn tuyến có 22,1 km được tỉnh giao các huyện làm chủ đầu tư công tác bồi thường, GPMB. Tuy nhiên, đến thời điểm tháng 8/2022, việc GPMB tại đoạn qua huyện Chư Pưh vẫn chưa hoàn thành. Người dân tại khu vực thị trấn huyện Chư Pưh vẫn chưa đồng ý với giá đất hỗ trợ của huyện. Việc GPMB này đã được tiến hành nhiều tháng nhưng vẫn chưa thể "chốt" mức giá do người dân đề ra.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Minh Tứ - Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh cho biết: Vừa qua, thị trường bất động sản sốt lên. Người dân không đồng ý theo giá đền bù của Nhà nước mà “đòi” theo giá thị trường. “Thời gian qua tại huyện xảy ra tình trạng "sốt" đất. Các hộ dân đòi giá đất 150 triệu đồng/m đất, trong khi đó đất nông nghiệp mà người dân đòi quá cao khiến cho huyện rất khó giải quyết. Huyện đã nhiều lần đối thoại, tập trung vận động, thỏa thuận phương án đền bù, hỗ trợ đối với các hộ dân”.
Còn tại dự án đường Nguyễn Chí Thanh, TP. Pleiku được khởi công tháng 12/2021, dự kiến hoàn thành tháng 11/2023. Dù công trình đã được bố trí đủ vốn trong năm 2022 là 185 tỷ đồng để triển khai nhưng hiện nay, TP. Pleiku vẫn chậm trong GPMB.
Bà Đỗ Thị Ngọc Hạnh-Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Pleiku-cho biết: “Thời gian qua, nhiều hộ gia đình, cá nhân tự tháo dỡ, di dời vật kiến trúc vào đúng chỉ giới xây dựng. Tuy nhiên, đến nay còn 21 hộ dân vẫn chưa đồng ý để bàn giao mặt bằng thi công”.
Dự án đường Nguyễn Chí Thanh (TP. Pleiku) đang được triển khai.
Gấp rút tháo gỡ nút thắt
Nhằm sớm giải quyết khâu bồi thường, GPMB để bàn giao cho cho đơn vị thi công triển khai dự án, UBND huyện Chư Pưh thường xuyên kiểm tra hiện trường, làm việc với các đơn vị liên quan, đôn đốc việc thỏa thuận phương án bồi thường và các thủ tục kiểm kê tài sản, chi trả đền bù. “Hội đồng bồi thường huyện và các đơn vị liên quan sẽ tập trung đối thoại với các hộ dân để sớm tháo gỡ vướng mắc, nỗ lực hoàn thành phương án thỏa thuận bồi thường, hỗ trợ”, Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh Nguyễn Minh Tứ cho biết.
Cũng theo ông Tứ: “Hiện nay, địa phương đã thuê đơn vị tư vấn xác định giá đất bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất. Nhưng trong thời gian triển khai đền bù, giá giao dịch chuyển nhượng đất ở khu vực đền bù hiện nay cơ bản đã "đứng" nhưng bà con, người dân vẫn chưa đồng ý với giá đền bù, GPMB. "Trong cuộc đối thoại sáng ngày 10/8, qua đối thoại đã có 5 hộ dân cơ bản đồng ý phương án di dời, còn các hộ còn lại vẫn chưa đồng ý. Huyện vẫn tiếp tục và cố gắng để GPMB để bàn giao cho đơn vị chủ đầu tư để sớm hoàn thành dự án”, Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh nêu thực trạng.
Tương tự, tại TP. Pleiku, dự án đường Nguyễn Chí Thanh hiện nay đang được các ngành chức năng đôn đốc để GPMB. Ông Phạm Xuân Điệp, Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh Gia Lai cho biết: "Hiện nay công tác GPMB tại đường Nguyễn Chí Thanh cơ bản có nhiều thuận lợi. Trong đó, việc vận động người dân đồng thuận để di dời công trình, vật cảnh kiến trúc được người dân đồng thuận khá cao. Điều này phù hợp với mong mỏi người dân khi tuyến đường này nhiều năm qua đã xuống, người dân mong chờ được có một tuyến đường khang trang đẹp hơn".
Cũng theo ông Điệp, việc bàn giao mặt bằng chậm đã gây rất nhiều khó khăn trong vận chuyển vật liệu, phát sinh chi phí làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công. Sở sẽ cùng các sở ngành, địa phương liên quan tích cực triển khai công tác kiểm tra, giám sát, nắm bắt tình hình và chủ động phối hợp với các đơn vị chủ dự án đề ra các giải pháp cụ thể để thực hiện dự án; báo cáo cấp có thẩm quyền tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho từng công trình, dự án.
Đối với các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án cần xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng công trình, dự án. Trong đó nêu rõ mốc thời gian hoàn thành từng công đoạn từ lập chủ trương đầu tư đến khi thanh, quyết toán; kiên quyết xử lý nghiêm và kịp thời các nhà thầu vi phạm tiến độ xây dựng.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Hữu Quế, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Gia Lai cho biết: "Hiện nay, việc GPMB tại các công trình, dự án giao thông trên địa bàn tỉnh cơ bản "ổn". Cũng theo ông Quế, Sở đang chủ động phối hợp xử lý các vị trí còn vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành công trình, góp phần nâng cao tỷ lệ giải ngân vốn trong thời gian tới”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận