Ung dung ngồi nhà nộp phạt
Chiều 21/2, trao đổi với PV Báo Giao thông, Đại uý Đặng Thị Hà Thu, Tổ trưởng Tổ Xử lý, Đội CSGT đường bộ số 2 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) cho biết, hiện nay, lĩnh vực xử lý vi phạm giao thông đã được nâng lên dịch vụ công cấp độ 4 để tạo thuận tiện cho người dân.
Lực lượng CSGT Hà Nội đã tích cực đẩy mạnh ứng dụng dịch vụ này trong quá trình tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm để tạo thuận lợi nhất cho người dân, nhất là trong tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến căng thẳng.
Theo đó, thay vì phải đi lại nhiều lần để nộp phạt vi phạm giao thông, nay người dân chỉ cần ngồi nhà sử dụng điện thoại hoặc máy tính để hoàn tất mọi thủ tục trên Cổng dịch vụ công Quốc gia (DVCQG). Giấy tờ cũng có thể được chuyển về tận nhà thông qua bưu điện mà không cần phải đến cơ quan công an để lấy lại.
Tài xế xem lại hình ảnh vi phạm giao thông được hệ thống camera ghi lại trước đó tại Hà Nội
"Khi CSGT lập biên bản vi phạm tại hiện trường, sẽ hỏi người vi phạm có muốn nộp phạt online qua cổng dịch vụ công không. Nếu người vi phạm muốn nộp online sẽ khai báo số điện thoại, địa chỉ nhận các giấy tờ bị tạm giữ. Khi biên bản vi phạm chuyển về trụ sở, cán bộ CSGT sẽ nhập dữ liệu biên bản lên dịch vụ công trực tuyến để người vi phạm có thể truy cập vào thực hiện nộp phạt", Đại úy Hà Thu chia sẻ.
Với các vi phạm bị "phạt nguội", khi nhận được thông báo vi phạm hoặc tra cứu được vi phạm trên hệ thống cơ sở dữ liệu vi phạm giao thông, người vi phạm sẽ tự đăng nhập vào Cổng DVCQG để khai báo thông tin liên quan, số điện thoại, địa chỉ nhận giấy tờ... để được thực hiện nộp phạt online.
Còn theo Đại uý Đinh Thị Thanh Bình, Tổ Xử lý, Đội CSGT đường bộ số 5 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội), trước đây người vi phạm giao thông phải đến ngân hàng, kho bạc nộp phạt, rồi quay lại trụ sở CSGT nơi lập biên bản vi phạm hoàn tất thủ tục, lấy giấy tờ về thì hiện nay, người dân chỉ việc ngồi nhà thanh toán online và đợi bưu điện chuyển giấy tờ tới.
"Đây là cách nộp phạt hiệu quả, nhất là trong thời gian dịch bệnh, thời tiết khắc nghiệt như hiện nay", Đại uý Thanh Bình thông tin thêm.
Được biết, để thúc đẩy người vi phạm giao thông chọn cách nộp phạt qua cổng dịch vụ công quốc gia, lực lượng CSGT đang đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn qua các kênh thông tin, trong đó, chú trọng tuyên truyền khi lập biên bản vi phạm. Hiện riêng ở Hà Nội, CSGT đã thực hiện hàng nghìn quyết định xử phạt qua mạng.
Tổ xử lý Đội CSGT đường bộ số 2, Hà Nội nhập biên bản xi phạm giao thông lên cổng dịch vụ công
Tiện lợi, dễ thực hiện
Để thực hiện được việc nộp phạt trực tuyến vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, người dân cần đăng ký một tài khoản đăng nhập tại Cổng DVCQG, truy cập địa chỉ https://dichvucong.gov.vn/p/home/dvc-thanh-toan-vi-pham-giao-thong.html và thực hiện theo hướng dẫn.
Quy trình xử lí vi phạm giao thông qua Cổng DVCQG như sau:
Sau khi lực lượng CSGT lập biên bản vi phạm, biên bản được nhập vào hệ thống phần mềm xử lý vi phạm. Hệ thống sẽ tự động ra quyết định xử phạt vi phạm để người vi phạm có thể truy cập, tra cứu thông tin vi phạm của mình (gồm: Số quyết định xử phạt; tên cơ quan ra quyết định xử phạt; thông tin của người vi phạm (họ và tên, số GPLX, số điện thoại do người vi phạm cung cấp, số tiền nộp phạt); Kho bạc (ngân hàng) thu tiền xử phạt; hành vi vi phạm; thời gian vi phạm; địa điểm vi phạm; hình thức xử phạt bổ sung (thời gian tước quyền sử dụng GPLX). Các thông tin này sẽ được chuyển đến người vi phạm qua tin nhắn điện thoại (số điện thoại do người vi phạm cung cấp).
Kho bạc nhà nước (Ngân hàng) sẽ kết nối với Cổng DVCQG để tiến hành thủ tục nộp phạt cho người vi phạm, đồng thời phản hồi lại thông tin đã hoàn thành việc nộp phạt về Cổng.
Bưu điện sẽ kết nối với Cổng DVCQG để thực hiện việc chuyển phát giấy tờ do cơ quan CSGT đang tạm giữ về địa chỉ người vi phạm đăng ký để nhận lại sau khi đã chấp hành xong quyết định xử phạt.
Cổng DVCQG phản hồi lại thông tin người vi phạm đã hoàn thành việc nộp tiền phạt về Cục CSGT. Cục CSGT phản hồi lại thông tin này về các điểm xử lý vi phạm của Công an địa phương. Từ đó, Cơ quan CSGT qua dịch vụ bưu điện sẽ gửi giấy tờ đang tạm giữ về địa chỉ người vi phạm đã đăng ký.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận