Phản ứng nhanh cứu siêu tàu
Cuối tháng 5, siêu tàu container Maersk Ensenada (Quốc tịch Panama) có chiều dài 366m, tổng trọng tải hơn 147.300 tấn rời cảng CMIT không xa đã chết máy đột ngột, mất khả năng điều động tại hạ lưu phao báo hiệu hàng hải số 21 luồng hàng hải Vũng Tàu - Thị Vải.
Tàu bị sự cố trên sông Cái Mép có bề rộng luồng hẹp, gần khúc cong và nguy cơ cao tàu bị trôi dạt, mắc cạn trên luồng gây ách tắc.
Tàu container Maersk Ensenada được cứu hộ kịp thời khi gặp sự cố trên luồng Cái Mép - Thị Vải. Ảnh: CVHHVT
Ngay sau khi nhận tin báo sự cố, Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu lập tức triển khai phương án ứng phó. Lực lượng chức năng có mặt điều phối giao thông, điều tiết lưu lượng tàu trên luồng và tạm thời dừng kế hoạch điều động tàu ra/vào một số cảng tại khu vực Cái Mép - Thị Vải.
Thống kê của Cục Hàng hải VN, trong 6 tháng đầu năm 2023 (tính từ ngày 15/12/2022), toàn quốc xảy ra 4 vụ tai nạn hàng hải. Số người chết và mất tích giảm 10 người so với cùng kỳ năm 2022. Đã có 26 phương tiện và 297 người được cứu và hỗ trợ. Đội tàu biển Việt Nam vẫn duy trì nằm trong Danh sách Trắng của Tokyo MOU.
Bảy tàu lai công suất lớn cũng được điều động khẩn cấp để kéo tàu Maersk Ensenada ra phao số 0. Sau hơn 4 tiếng, con tàu được cứu hộ thành công, hoàn thành sửa chữa máy chính và tiếp tục đi HongKong theo kế hoạch.
Trước Maersk Ensenada, nhiều siêu tàu từng gặp sự cố trên luồng Cái Mép - Thị Vải như tàu Maersk Algo (hơn 148.000 tấn), Cosco America (hơn 109.000 tấn), MSC Katrina (hơn 154.000 tấn)... cũng được cứu hộ an toàn, không để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.
Còn tại khu vực phía Bắc, tháng 4/2022, Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng từng phối hợp với các lực lượng liên quan, cứu hộ thành công tàu Outrivaling 3 (quốc tịch HongKong, dài 118m) gặp sự cố trên đường vào cảng Hoàng Diệu. Tàu bị trôi dạt và va vào khu vực kè chống cầu Hoàng Văn Thụ.
Bảy tàu lai đã được huy động tham gia cứu hộ, cố định vị trí tàu Outrivaling 3, sau đó di chuyển tàu về vị trí an toàn, không xảy ra va chạm với cầu Hoàng Văn Thụ.
Theo các chuyên gia, Việt Nam không có đơn vị cứu hộ hàng hải đủ mạnh và chuyên nghiệp như thế giới. Điều này khiến ngành hàng hải phải chủ động hơn trong việc nghiên cứu, xây dựng trước các phương án ứng phó để khi có sự cố là chủ động thực hiện các bài tập đã được tập luyện.
Trong đó việc phân tích và rút kinh nghiệm từ các vụ tàu Ever Given mắc cạn ở kênh đào Suez (2021) và tàu Ever Forward tại bờ Đông nước Mỹ (2022) là hết sức cần thiết.
Ông Bùi Nhật Truyền, Phó tổng giám đốc Công ty CP Hàng hải Đông Đô nhìn nhận, công tác đảm bảo an toàn hàng hải tại các cảng biển được kiểm soát khá chặt chẽ.
Nhiều sự cố xảy ra đều được xử lý kịp thời, không gây ra ách tắc luồng quá lâu. “Một số quy định của Việt Nam hiện còn chặt chẽ hơn các quốc gia khác, như ở ta tàu vào bắt buộc phải có hoa tiêu. Việc sử dụng tàu lai cũng được quy định rõ ràng để đảm bảo an toàn khi cập cầu”, ông Truyền chia sẻ.
Vẫn khó về kinh phí
Để có được những kết quả trên, Cục Hàng hải VN cho biết, ngay từ đầu năm, nhiều giải pháp đã được triển khai như ban hành kế hoạch hành động “Năm An toàn giao thông”.
Trong đó, chú trọng kiểm tra, trực, kịp thời chỉ đạo trong các tình huống xấu. Cùng đó, tổ chức tập huấn công tác điều tra tai nạn hàng hải, tai nạn lao động hàng hải, huấn luyện phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn.
Là cụm cảng lớn nhất miền Bắc, ông Nguyễn Anh Vũ, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng cho biết, tuyến luồng khu vực Hải Phòng bị sa bồi nhanh, lưu lượng tàu thuyền qua lại ngày càng tăng, hoạt động thi công xây dựng, nâng cấp cầu bến cảng, nạo vét, duy tu luồng, thủy diện cầu cảng, bến cảng và các công trình hàng hải khác diễn ra hết sức phức tạp.
“Ý thức chấp hành pháp luật, quy tắc hành hải của các phương tiện thủy nội địa hoạt động trong khu vực cảng biển còn nhiều hạn chế. Chưa kể phương tiện đánh bắt thủy hải sản đánh bắt trong luồng hàng hải, các khu neo đậu tàu, trên tuyến hành trình của tàu biển. Các phương tiện thủy nội địa, tàu cá chưa được lắp đặt thiết bị nhận dạng tự động AIS, thiết bị thông tin liên lạc VHF hoặc có lắp nhưng không sử dụng khiến công tác phối hợp tránh va trên luồng còn gặp khó khăn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn”, ông Vũ nhận định.
Trong khi đó, theo đại diện Cục Hàng hải VN, nguồn kinh phí cấp cho hoạt động bảo đảm trật tự ATGT hàng hải mấy năm qua ngày càng giảm. Không có kinh phí cho hoạt động diễn tập an ninh hàng hải và cho việc chủ động trục vớt, thanh thải chướng ngại vật để bảo đảm an toàn hoạt động tàu thuyền.
Theo Cục Hàng hải VN, bên cạnh nhiều giải pháp, việc nạo vét luồng lạch cũng tiến hành định kỳ để đảm bảo an toàn hàng hải.
Hệ thống quản lý hành hải tàu biển VTS (dựa trên nền hải đồ điện tử được tích hợp các thiết bị: Radar, AIS, Camera và VHF) cũng được đưa vào vận hành tại nhiều tuyến luồng, góp phần đảm bảo an toàn hành hải.
Năm 2023, Bộ GTVT dành hơn 1.500 tỷ đồng để duy tu, nạo vét, bảo trì kết cấu hạ tầng hàng hải.
Trong đó, giai đoạn 2022 - 2023, có 4 tuyến luồng hàng hải tiếp tục được duy tu, nạo vét gồm luồng Hải Phòng (đoạn Lạch Huyện), luồng Soài Rạp, Sài Gòn - Vũng Tàu, luồng hàng hải cho tàu biển trọng tải lớn sông Hậu.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận