Đây là nhận định của Tổng giám đốc Hiệp hội Vận tải hàng không Quốc tế (IATA) Willie Walsh tại hội nghị mới diễn ra ở Dublin.
Cụ thể, theo ông Walsh, một trong những phương án tốt nhất để giảm tổng lượng carbon trong ngành hàng không là phát triển thêm nhiều loại nhiên liệu hàng không bền vững. Song hệ lụy từ đây là giá vé sẽ cao.
Ông Walsh ước tính, nếu các loại nhiên liệu hàng không bền vững được ứng dụng rộng rãi sẽ giúp giảm 65% trong tổng số lượng khí thải cần để ngành công nghiệp hàng không đạt được mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 tính đến năm 2050.
Tuy nhiên, chi phí nhiên liệu có thể cao hơn nhiều lần so với nhiên liệu máy bay tiêu chuẩn và chưa rõ ai sẽ là bên phải chịu số tiền này.
Ảnh minh họa
IATA ước tính, chi phí để giảm phát thải ngành hàng không trên toàn cầu sẽ tăng lên 1 nghìn tỷ USD. Và khả năng hành khách sẽ là bên phải chịu chi phí đó.
Do đó, theo ông Walsh, quan trọng nhất là cần phải có chính sách đúng đắn. Lấy ví dụ về cách thức triển khai, ông Walsh ca ngợi cách tiếp cận của Mỹ về việc sử dụng các chính sách ưu đãi để kích thích sản xuất nhiên liệu nhưng đánh giá chiến lược sử dụng quy định của châu Âu để quản lý là cứng rắn.
Còn theo ước tính của Hội đồng Giao thông sạch Quốc tế, dự báo các phương pháp giảm phát thải trong ngành hàng không sẽ khiến giá vé tăng lên 22% tính đến năm 2050.
Tổ chức Hàng không Bền vững của Anh cũng đánh giá, dù có dự báo, số lượng hành khách hàng không sẽ tăng lên gần 250 triệu lượt tính đến năm 2050 nhưng chi phí giảm phát thải hàng không sẽ ảnh hưởng mạnh tới nhu cầu của hành khách.
Bên cạnh đó, việc chuyển đổi sang năng lượng bền vững cũng kéo theo thêm nhiều thách thức khác.
Điển hình như hiện nay nhiên liệu dựa trên sinh khối là loại năng lượng bền vững duy nhất được sản xuất và mới chỉ có số lượng hạn chế. Bên cạnh đó, thế giới còn thiếu đất nông nghiệp để sản xuất các loại nguyên liệu cần cho năng lượng bền vững.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận