Đường bộ

Giao thông ĐBSCL mở ra những chặng đường phát triển

27/12/2022, 15:45

Nhìn tổng thể giao thông ĐBSCL vẫn cần được tiếp tục quan tâm đặc biệt. Các nút thắt lớn là thiếu vốn, thi công chậm tiến độ…

Kỳ vọng vào những công trình, dự án

Ngày 1/1/2023 sắp tới, 12 dự thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 sẽ đồng loạt khởi công.

img

Các phương tiện lưu thông trên tuyến cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi.

Trong số này, có dự án thành phần Cần Thơ - Cà Mau có tổng chiều dài gần 110km. Quy mô giai đoạn 1 gồm 4 làn xe, tổng mức đầu tư hơn 27.500 tỷ đồng. Đơn vị chủ đầu tư thực hiện dự án là Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận...

Đây là tin vui trong đúng dịp Tết Dương lịch, cũng là cơ sở để nhìn lại bức tranh giao thông vùng ĐBSCL trong 1 năm qua với nhiều đột phá.

Đơn cử như trong năm 2022, tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã được vận hành thử trước khi hoàn tất công tác chuẩn bị để đưa vào khai thác.

Đây là dự án trọng điểm giảm tải cho QL1A. Đoạn cao tốc này là một trong những tuyến đường huyết mạch, kết nối vùng ĐBSCL với TP.HCM và khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam.

Dự án được đầu tư theo hình thức đối tác công tư (hợp đồng BOT), tổng mức đầu tư cho giai đoạn 1 là 12.668 tỷ đồng.

Tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận dài 51km, rộng 16m, gồm 4 làn xe, mỗi chiều bố trí 6 điểm dừng khẩn cấp. Giai đoạn mở rộng sẽ nâng lên 6 làn, gồm 2 làn dừng khẩn cấp. Dự án đã giúp cải thiện lớn năng lực vận tải liên vùng cho ĐBSCL.

ĐBSCL cũng có thêm 2 cây cầu quan trọng được khởi công xây dựng. Đó là cầu Rạch Miễu 2 vượt sông Tiền, nối tỉnh Tiền Giang với Bến Tre với mức vốn đầu tư 5.200 tỷ đồng.

Thứ 2 là cầu Châu Đốc vốn đầu tư 534 tỷ đồng, thay thế phà Châu Giang hiện hữu, thuộc Dự án Xây dựng tuyến đường liên kết vùng đoạn từ Tân Châu đến TP Châu Đốc, kết nối tỉnh An Giang với 2 tỉnh Kiên Giang và Đồng Tháp.

img

Thi công dự án cầu Mỹ Thuận 2.

Đặc biệt, đối với dự án cầu Mỹ Thuận 2, có 5 gói thầu xây lắp, đến nay đã có 1 gói thầu hoàn thành, các gói còn lại đang được triển khai đảm bảo tiến độ.

Ngoài ra, còn có dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ kết nối cầu Mỹ Thuận 2, kéo dài 23km đến cầu Cần Thơ, được đầu tư với quy mô giai đoạn 1 có 4 làn xe, bề rộng mặt đường 17m.

Tổng mức đầu tư dự án là hơn 4.826 tỷ đồng, khởi công năm 2021 và dự kiến hoàn thành năm 2023.

Hiện các công trình đang được nỗ lực thi công để đảm bảo tiến độ, hoàn thành trong thời gian sớm nhất.

Để giao thông trở thành đột phá

TS Trần Hữu Hiệp, chuyên gia kinh tế ĐBSCL cho rằng: "Nhiều năm qua, hạ tầng giao thông chính là điểm nghẽn của ĐBSCL. Nếu tháo được điểm nghẽn này thì hạ tầng giao thông sẽ trở thành đột phá".

img

Trong tương lai, giao thông sẽ là khâu đột phá, đưa ĐBSCL phát triển.

Theo ông Hiệp, giao thông là mạch máu, điều kiện vật chất, là yếu tố tạo ra không gian thông suốt để thực thi liên kết vùng và cũng chính là huyệt đạo của miền Tây.

Phát triển hạ tầng giao thông là mệnh lệnh phát triển vùng. Giao thông đồng bằng đang khởi sắc là mảng sáng đáng ghi nhận trong bức tranh phát triển vùng ĐBSCL từ sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Đến nay, giao thông ĐBSCL đã có bước phát triển đáng ghi nhận với nhiều dự án lớn đã hoàn thành.

Tuy nhiên, nhìn tổng thể giao thông vùng này vẫn cần được tiếp tục quan tâm đặc biệt. Các nút thắt lớn là thiếu vốn, thi công chậm tiến độ, đầu tư không đồng bộ theo kiểu “ngắt khúc”, thiếu kết nối khiến mạch máu giao thông vận tải của vùng chưa thông suốt.

Tình trạng đường chờ cầu nâng tải trọng, cảng chờ luồng thôi ách tắc, đường thủy vướng tĩnh không cầu vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi.

Vẫn đang tồn tại những “cổ chai” trên tuyến huyết mạch giao thông đường bộ như QL1 đoạn TP.HCM - Cần Thơ, nút thắt trên tuyến phía Đông khi cầu Rạch Miễu thường xảy ra tắc nghẽn.

Các tiểu vùng Đồng Tháp Mười, Tứ Giác Long Xuyên, bán đảo Cà Mau vẫn còn những vùng nguyên liệu nông sản trong tình trạng “khuất nẻo”.

Phát triển giao thông ĐBSCL cần được tiếp tục giải bài toán vốn ít - nhu cầu đầu tư lớn, khắc phục tình trạng tiến độ thi công chậm, kết nối phải hiệu quả.

img

Chuẩn bị địa điểm khởi công cao tốc Bắc - Nam tại huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang.

Nếu không có giải pháp đồng bộ, thì dù có xây dựng nhiều cầu mới, đường mới, thì các nút thắt giao thông ở đồng bằng hiện nay vẫn có thể từ điểm này sang điểm khác, từ tỉnh này sang tỉnh khác.

Việc phát triển giao thông phải gắn liền với yêu cầu phát triển hạ tầng logistics, kết nối với các công trình đầu tư phát triển khác của vùng và các địa phương.

Cần xác định quan điểm phát triển rõ ràng, tư duy hệ thống, đảm bảo yêu cầu tích hợp trong quy hoạch và thực hiện quy hoạch, không cục bộ địa phương.

Nên sắp xếp không gian và nguồn lực đầu tư phù hợp với yêu cầu phối hợp đồng bộ, hiệu quả, đảm bảo tiến độ thi công và chất lượng công trình…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.