Thời sự Quốc tế

Giữa căng thẳng, Philippines cắt đường dây nóng trên biển với Trung Quốc

Tuần duyên Philippines thông báo cắt đường dây nóng với Hải cảnh Trung Quốc vì cho rằng vô dụng.

“Chúng tôi không còn sử dụng đường dây nóng giữa Tuần duyên Philippines (PCG) với Hải cảnh Trung Quốc (CCG). Đường dây này đã không còn tồn tại”, ông Jay Tarriela - phát ngôn viên PCG thông báo cuối tuần trước.

Giải thích nguyên nhân, phát ngôn viên PCG cho hay, phía Philippines không nhận thấy lợi ích từ đường dây nóng này.

Trước đó, Philippines đã cố gắng liên lạc với Trung Quốc thông qua đường dây này khi xảy ra các sự cố hàng hải giữa hai quốc gia trong 6 năm qua, kể cả dưới thời cựu Tổng thống Rodrigo Duterte.

Tuy nhiên, Philippines không tìm được cơ hội để trao đổi với phía Trung Quốc qua đường dây này.

img

Tàu Hải cảnh Trung Quốc xịt vòi rồng về phía tàu tiếp tế Philippines đang tiếp cận bãi Cỏ Mây ngày 5/8 (Ảnh: PCG).

Đường dây nóng giữa PCG và CCG được thiết lập theo bản ghi nhớ mà cựu Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ký với phía Trung Quốc trong chuyến thăm Bắc Kinh năm 2016. Tuy nhiên, khi Tổng thống đương nhiệm của Philippines - ông Ferdinand Marcos Jr. thăm Bắc Kinh vào tháng 1, hai bên đã không gia hạn bản ghi nhớ.

Theo hãng tin CNN, sau quyết định trên của PCG, hiện Philippines chỉ còn đường dây liên lạc trực tiếp với Trung Quốc thông qua kênh ngoại giao hai nước.

Tuy vậy, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines Teresita Daza cho biết cơ quan này vô cùng thất vọng khi không thể liên lạc được với Bộ Ngoại giao Trung Quốc suốt nhiều giờ trong lúc đang xảy ra vụ tàu Hải cảnh Trung Quốc xịt vòi rồng vào tàu tiếp tế Philippines ở bãi Cỏ Mây hôm 5/8.

Bãi Cỏ Mây thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Năm 1999, Hải quân Philippines kéo tàu chiến BRP Sierra Madre có từ thời Thế chiến II lên bãi Cỏ Mây. Từ đó đến nay, một đơn vị thủy quân lục chiến của Philippines đồn trú trên tàu để duy trì hiện diện trái phép tại khu vực. Đơn vị này phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn tiếp tế từ đất liền.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.