Vận tải

Gỡ vướng để doanh nghiệp chở hàng siêu trường không phải chạy chui

15/02/2023, 14:00

Việc không cấp phép đối với cự ly vận chuyển trên 300km và vướng mắc về thủ tục, buộc doanh nghiệp vận tải chở hàng siêu trường phải chạy chui.

Doanh nghiệp khó xin cấp phép

Nhiều ngày nay, ông Nguyễn Quốc Cường, Phó giám đốc Công ty CP Vận tải đa phương thức Vietranstimex phải chạy đôn chạy đáo nhiều lần từ Khu Quản lý đường bộ đến các Sở GTVT để xin cấp phép vận chuyển chuyến hàng siêu trường, siêu trọng có cự ly vận chuyển trên 300km.

Tuy nhiên, mọi cố gắng đều bất thành, nơi thì bảo “không đủ thẩm quyền”, nơi lại nói “không dám cấp phép”.

img

Hiện có tình trạng các Khu Quản lý đường bộ và các Sở GTVT chỉ cấp phép trong phạm vi tuyến đường mình quản lý, ngại cấp phép cho các chuyến hàng có cự ly vận chuyển lớn vì lo sợ rủi ro (Ảnh minh họa)

Theo ông Cường, lý do được các cơ quan cấp phép chối cấp phép đối với cự ly này xuất phát từ văn bản vừa được Cục Đường bộ VN gửi Hiệp hội Vận tải ô tô VN.

Tại văn bản này, Cục Đường bộ VN đề nghị hiệp hội này tuyên truyền đến các DN vận tải khi vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng khuyến khích sử dụng phương án vận tải bằng đường sắt, đường thủy nội địa, đường biển, kết hợp với vận tải đường bộ đối với các tuyến đường dài từ 300km trở lên.

“Khuyến cáo này đã làm các Sở GTVT, Khu Quản lý đường bộ được ủy quyền cấp phép hiểu theo hướng khống chế chỉ cấp phép vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng bằng đường bộ cho quãng đường dưới 300km”, ông Cường nói.

Phân tích cụ thể, ông Cường cho biết, đối với cự ly vận chuyển trên 300km, cơ quan cấp phép yêu cầu doanh nghiệp phải chứng minh không có phương án vận chuyển nào khác ngoài đường bộ.

Đây là điều bất hợp lý, không phù hợp với điều kiện hạ tầng cảng biển, đường sắt hiện nay. Nhiều tuyến vận chuyển có cự ly lên đến 500 - 700km không có đường sông, đường sắt như Bà Rịa - Vũng Tàu đi Tây Nguyên, Hà Nội đi Điện Biên, Sơn La. Cung đường có đường sông, đường sắt, đường vào các cảng bến thường nhỏ, xe siêu trường, siêu trọng không thể đi nổi.

Tương tự, ông Phí Kim Dũng, Giám đốc Công ty CP Vận tải Đa quốc gia cho biết, tuyến có đường sông nhưng hạ tầng vào cảng không đáp ứng yêu cầu. Nhiều cảng như Việt Trì, Vũng Áng hay ở Đồng Nai không có cẩu lớn.

Một số cảng nhỏ như Cửa Việt, Chân Mây tàu lớn không vào được. Bên cạnh đó, ngành đường sắt không vận chuyển được hàng siêu trường, siêu trọng vì trên tuyến có nhiều cầu yếu, đường vào ga đường sắt không đáp ứng yêu cầu.

Theo ông Đặng Văn Chung, Chủ tịch Chi hội Hàng siêu trường, siêu trọng (Hiệp hội Vận tải ô tô VN), vấn đề quan trọng nằm ở chỗ ai sẽ là người chứng minh không có phương thức vận chuyển nào khác, doanh nghiệp hay cơ quan cấp phép? Nếu doanh nghiệp làm thì cơ quan cấp phép không tin, còn thuê tư vấn độc lập thì doanh nghiệp lại mất thêm chi phí.

Theo ông Chung, hiện có tình trạng các Khu và các Sở GTVT chỉ cấp phép trong phạm vi tuyến đường mình quản lý, ngại cấp phép cho các chuyến hàng có cự ly vận chuyển lớn vì lo sợ rủi ro. Vì thế, doanh nghiệp chấp nhận chạy chui, chấp nhận chi tiêu cực phí trên đường.

Chỉ khuyến cáo doanh nghiệp lựa chọn

Lý giải về việc khó cấp phép lưu hành xe siêu trường, siêu trọng, Sở GTVT Hải Dương cho hay, Sở không có đủ thông tin các tuyến đường ngoài địa bàn quản lý để cấp phép lưu hành. Hệ thống dữ liệu tình trạng cầu, đường các tỉnh của Cục Đường bộ VN chưa đầy đủ, đa phần là dữ liệu của quốc lộ, chưa có dữ liệu về đường tỉnh nên không có cơ sở để cấp phép.

Cũng theo ông Đặng Văn Chung, việc giao cho các Khu Quản lý đường bộ, các Sở GTVT cấp phép lưu hành xe siêu trường, siêu trọng đã nảy sinh bất cập do không nắm bắt được hết tình trạng cầu đường, vận chuyển liên tỉnh.

Việc thiếu dữ liệu về tình trạng cầu đường trên hệ thống dữ liệu của Cục Đường bộ VN để các Sở tra cứu khiến các đơn vị có thẩm quyền không dám cấp phép vì lo ngại sẽ ảnh hưởng đến việc ngăn chặn xe quá tải.

Khi sửa đổi Thông tư 46, Cục Đường bộ VN sẽ đề xuất sửa theo hướng cho phép doanh nghiệp được sử dụng kết quả khảo sát cầu đường đã được thực hiện trước đó. Tại thời điểm, cùng khối lượng hàng hóa vận chuyển, phương tiện giống nhau, kết cấu hạ tầng không thể thay đổi mà cùng tuyến đường vận chuyển, có thể tận dụng kết quả khảo sát.

Ông Lê Hồng Điệp, Trưởng Phòng Quản lý bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông, Cục Đường bộ VN


Việc phân cấp về cho các Khu Quản lý đường bộ, các sở GTVT cấp phép nhưng các đơn vị này không có dữ liệu cầu đường ngoài phạm vi quản lý nên mỗi chuyến hàng doanh nghiệp đều phải đi khảo sát, chi phí khảo sát hàng trăm triệu đồng gây tốn kém cho doanh nghiệp.

“Cần khẩn trương sửa Thông tư 46 theo hướng hồ sơ khảo sát tình trạng cầu đường, thay vì chuyến nào cũng bắt doanh nghiệp khảo sát, cho phép sử dụng thời gian trong vòng 1 năm và được sử dụng kết quả đã khảo sát trước đó”, ông Chung đề xuất.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Lê Hồng Điệp, Trưởng Phòng Quản lý bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông, Cục Đường bộ VN khẳng định, không có chuyện không cấp giấy phép vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng đối với cự ly trên 300km.

“Cục đưa ra khuyến cáo các DN, đối với những chặng đường vận chuyển dài nên lựa chọn các hình thức vận chuyển khác ngoài đường bộ, những nơi có vận chuyển bằng đường sông, đường sắt hay đường biển. Việc này là để tránh tình trạng doanh nghiệp lạm dụng di chuyển bằng đường bộ, ngại di chuyển bằng đường thủy, đường sắt do họ không muốn mất chi phí bốc dỡ. Trách nhiệm cơ quan cấp phép vẫn phải cấp”, ông Điệp nói.

Đề cập đến dữ liệu tình trạng cầu đường, ông Điệp cho biết, khi có sự thay đổi về tải trọng, khổ giới hạn tuyến đường, Cục Đường bộ VN sẽ cập nhật và công bố ngay để các đơn vị cấp phép, doanh nghiệp biết.

Căn cứ vào dữ liệu này các Khu, sở GTVT cấp phép hàng siêu trường, siêu trọng. Tuy nhiên, dữ liệu cầu đường các tuyến đường tỉnh, hay đường vào công trường, dự án chưa thực hiện được.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.