Đằng sau các clip triệu view
Xuất phát từ đam mê ăn uống, cuối năm 2016, anh Nguyễn Duy Long, 30 tuổi, quyết định bỏ công việc sale trong lĩnh vực truyền thông, chuyển sang làm review ẩm thực qua kênh TikTok "Long ăn gì"?.
Hoạt động "startup" của anh Long xem ra khá đơn giản khi chỉ cần đi ăn và… quay lại video. Khởi động từ những cửa hàng nhỏ với những món ăn hết sức bình dị như đĩa trứng ngải cứu, cốc nhân trần, trà đá, anh Long đã bén duyên với nghề food review và gắn bó đến tận bây giờ.
Khác với công việc văn phòng "sáng cắp ô đi, tối cắp ô về" trước đó, anh Long cho biết một ngày làm việc của anh chủ yếu xoay quanh việc quay, dựng và đăng tải video trên các nền tảng.
Dù có thể chủ động thời gian, nội dung công việc, song cũng có những ngày reviewer này cũng phải ra đường từ tinh mơ và trở về nhà vào ban đêm. Bởi một số đối tượng review của anh, có khi là một gánh hàng ăn sáng, có lúc lại là một quán nhậu khuya.
Chung nghề, anh T, chủ một tài khoản TikTok chuyên review "món tủ" của Hà Nội chia sẻ: "Chuyện làm việc sớm tối là bình thường, bởi phụ thuộc vào dịch vụ mà mình review".
Anh Long, anh T là hai trong số hàng nghìn blogger mảng ẩm thực hiện đang hoạt động rầm rộ trên mạng xã hội. Công việc này thoạt đầu nghe có vẻ rất đơn giản, nhưng trên thực tế, trong cả "rừng" kênh review nói chung, review ẩm thực nói riêng, làm thế nào để có chỗ đứng là điều không dễ dàng.
Chủ kênh "Long ăn gì" chia sẻ, anh phải rèn luyện không ngừng kỹ năng từ xây dựng kịch bản, kỹ thuật quay, dựng video đến khả năng biểu đạt của bản thân bởi theo anh, "người xem không chỉ thu hút bởi hình ảnh, màu sắc, cách bài trí của món ăn, mà còn phải cảm nhận được cảm xúc của food blogger trong quá trình thưởng thức".
Một hot TikToker về ẩm thực khác, thì cho rằng, yếu tố người review ẩm thực cần có không phải là khẩu vị mà là kiến thức về ẩm thực. Một yêu cầu khác đặt ra cho các reviewer là phải không ngừng sáng tạo, nếu không người xem sẽ có cảm giác nhàm chán.
Chị Dương Thương, chủ tài khoản TikTok "Ăn vặt về đêm" cho biết, đôi khi những clip đạt triệu view đến một cách bất ngờ. Song sự tình cờ may mắn như vậy không nhiều, mà đòi hỏi hội tụ nhiều yếu tố như kiến thức, kinh nghiệm đến kịch bản.
Thu nhập cả chục triệu mỗi tháng
Sớm nắm bắt xu hướng marketing online mà kênh review ẩm thực là cách tiếp cận khách hàng hiệu quả, nhiều nhà hàng, quán ăn đã tìm đến các food blogger để booking (đặt hàng).
Chị Dương Thương chia sẻ, khi kênh "Ăn vặt về đêm" của chị đạt được hơn 100.000 người theo dõi thì bắt đầu nhận được booking.
Chủ kênh review về ẩm thực tại Hà Nội cho biết, nhiều người vẫn tò mò về chuyện các video sản xuất theo đơn đặt hàng hay do chủ kênh chủ động review để cung cấp thông tin cho người theo dõi.
"Tôi tự đặt ra quy tắc là cứ có 1 khách hàng booking thì sẽ tìm tòi, khám phá ra một nhà hàng, quán ăn mới . Như vậy mới có thể duy trì thu nhập, mà vẫn đảm bảo được chất lượng chuyên môn", anh T nói.
Anh Nguyễn Duy Long khẳng định, khi nhận booking sẽ cố gắng giữ bản thân ở vị trí trung lập: "Nếu cảm giác đồ ăn không hợp khẩu vị, tôi cũng sẽ chia sẻ thật nhưng chọn cách nói giảm, nói tránh".
Còn đối với anh T, nguyên tắc của anh rất đơn giản: "Ngon thì nhận, không ngon thì thôi".
Theo anh, chi phí booking phụ thuộc vào độ hot (lượng tương tác) của kênh, và đây cũng là nguồn thu nhập chính của các food blogger. Không tiết lộ chi phí cụ thể cho mỗi video, song anh cũng chia sẻ mức thu nhập chung: "Trừ chi phí chia lại về công ty, thu nhập của tôi rơi vào khoảng 20 triệu đồng/tháng".
Trong vai chủ một quán ăn vỉa hè, phóng viên liên hệ với 2 tài khoản TikTok có 200.000 người theo dõi để booking. Đại diện tài khoản này báo giá 2.900.000 đồng cho chi phí sản xuất 1 video và sau đó chia sẻ trên kênh TikTok. Ngoài ra, người này giới thiệu thêm gói dịch vụ 3.500.000 đồng bao gồm 1 video trên TikTok và bài review trên 2-3 group review đồ ăn.
Với kênh TikTok có 1,6 triệu người theo dõi , PV được báo giá 8.000.000 đồng cho 1 video kèm quyền lợi sử dụng hình ảnh trong vòng 1 tháng.
Khen chê sai sự thật đều bị xử lý
Đánh giá về hiệu quả marketing ẩm thực thông qua hình thức review, ông Lã Quốc Khánh, Tổng thư ký Hiệp hội Văn hoá Ẩm thực Việt Nam cho biết, đây là một phương thức marketing sáng tạo, "đánh" thẳng vào thị giác, cảm xúc của người tiêu dùng, hấp dẫn hơn so với quảng cáo truyền thống. Nhờ vậy, các nhà cung cấp dịch vụ ẩm thực đã có cơ hội tiếp cận hàng triệu khách hàng một cách nhanh chóng, hiệu quả.
Tuy nhiên, nghề reviewer cũng xuất hiện không ít những mặt trái cần được chấn chỉnh.
Bên cạnh những blogger nghiêm túc, trách nhiệm cũng có tình trạng nhận booking để "khen bất chấp", biến khách hàng thành nạn nhân của chiêu trò quảng cáo sai sự thật, lừa đảo.
Ở chiều ngược lại, một số blogger tự cho mình "quyền" phán xét, chê bai một cách cảm tính, khiến các chủ nhà hàng bị ảnh hưởng không nhỏ về doanh thu, lợi nhuận và uy tín.
Câu chuyện TikToker Nờ Ô Nô nhiều lần sử dụng lời lẽ, hành vi thô tục, phản cảm khi review đã trở thành nỗi ám ảnh của nhiều nhà hàng, quán ăn. Hay tài khoản TikTok "Cô gái có râu" cũng gây choáng cộng đồng mạng khi tung lên hàng loạt video có nhận xét tiêu cực, thái độ căng thẳng với quán chè Chang Hi.
Theo luật sư Trần Thanh Tùng, Trung tâm tư vấn pháp luật, Hội Luật gia tỉnh Quảng Ninh, review ẩm thực là một nghề mới, song quá trình hoạt động cũng phải tuân theo quy định của pháp luật hiện hành. Hành vi khen, chê không đúng sự thật đều có thể bị xử lý tùy theo tính chất, mức độ vi phạm.
"Quảng cáo khen quán ăn không đúng về chất lượng, số lượng thực tế là hành vi bị cấm trong hoạt động quảng cáo. Nếu chứng minh được hậu quả do hành vi review sai sự thật làm ảnh hưởng đến tài chính, sức khỏe của khách hàng, người tiêu dùng có quyền khởi kiện ra tòa để yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Trong trường hợp cá nhân cố tình nhận xét các quán ăn dưới góc nhìn tiêu cực, tạo tranh cãi làm mất uy tín sản phẩm, gây thiệt hại đến các cá nhân, tổ chức thì tùy theo tính chất, mức độ hành vi mà người xúc phạm có thể bị xử lý hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự", luật sư Tùng cho biết.
Luật sư Kiều Thị Thu Hương, Văn phòng Luật sư Trần Quốc Hùng cho biết, theo quy định, cá nhân có hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân thì có thể bị phạt hành chính từ 10.000.000 - 20.000.000 và buộc gỡ bỏ các thông tin sai sự thật đó.
Những hành vi xúc phạm nghiêm trọng còn có thể bị xử lý hình sự về tội "Vu khống người khác", mức phạt tù cao nhất lên đến 7 năm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận