Cầu Moses còn được biết đến với tên gọi Loopgraafbrug (cầu hào) được xây dựng với mục đích rất cao cả đó là bảo vệ tính toàn vẹn của các di tích lịch sử như hào nước được mệnh danh là "Đường ranh giới nước West Brabant" và pháo đài Fort de Roovere - những công trình giúp Hà Lan chiến thắng trước quân xâm lược của Pháp và Tây Ban Nha.
Người Hà Lan đã vận dụng sức sáng tạo của mình để có thể xây dựng một cây cầu băng qua con hào mà không làm mất đi thẩm mỹ và bảo vệ được hình ảnh của con hào. Nhìn từ xa, cây cầu gần như biến mất tạo nên một hình ảnh độc đáo và hấp dẫn.
Thay vì xây dựng cây cầu bắc qua hào nước như bình thường, các nhà thiết kế đã hợp sức và tạo ra một kiệt tác kiến trúc - một cây cầu hào.
Cầu Moses được làm bằng gỗ nhưng bên ngoài được xử lý lại để chống thấm nước, chống ăn mòn và mục nát kể cả khi tiếp xúc với nước suốt hàng thập kỷ.
Để thiết kế được cây cầu đặc biệt này, đảm bảo cầu không bị thấm nước hay ăn mòn, các kiến trúc sư đã lựa chọn vật liệu hoàn toàn bằng gỗ Accoya với lá cao su chống thấm EPDM, đảm bảo không bị hư hỏng trong vòng 50 năm.
Accoya là loại gỗ đã qua biến đổi trong một quá trình gọi là acetyl hóa, một công nghệ tiên tiến đã được cấp bằng sáng chế, có tuổi thọ cao với những tính chất tuyệt vời như khả năng ổn định chiều cao, khả năng chống mục nát, mối mọt tấn công, kháng tia UV, cách nhiệt, âm thanh, thân thiện với môi trường.
Khi xây dựng các công trình trên mặt đất, gỗ Accoya có thể bền tới 50 năm và 25 năm khi nằm trong đất hoặc nước ngọt.
Tất cả những chi tiết này cho thấy sự tính toán và kỹ lưỡng của người Hà Lan trong quá trình xây dựng Cầu Moses.
Đặc biệt, để kiểm soát mực nước trong hào, các kiến trúc sư đã xây dựng thêm những con đập có thể điều chỉnh mực nước ở hai bên. Hơn nữa, khi có mưa lớn, một máy bơm dưới cầu sẽ hút nước, giữ cho cây cầu không bao giờ bị ngập nước.
Trong nhiều năm qua, cây cầu đặc biệt đã trở thành điểm thu hút khách du lịch nổi tiếng và là điểm đến ưa thích của những người đi bộ tại Hà Lan.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận