Một biển báo vị trí chờ xe buýt không có tên xe tuyến số 75 nhưng chiếc xe này vẫn dừng đón, trả khách |
Tự ý dừng đỗ, tùy tiện đón khách
Những ngày cuối tháng 3, PV Báo Giao thông trực tiếp khảo sát nhiều tuyến buýt xã hội hóa (buýt không trợ giá) hoạt động trên các tuyến đường ngoại thành Hà Nội. Cảm nhận của hầu hết tuyến này, chất lượng dịch vụ ngày càng kém, không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ buýt công cộng. Trên QL21B, tuyến buýt 75 (bến xe Yên Nghĩa - Vân Đình - chùa Hương), dù là buýt nhưng xe vừa chạy, vừa mở cửa để phụ xe đón khách. Nhiều xe tùy tiện dừng đỗ, đón trả khách, hàng hóa. Thậm chí, trên đường Quang Trung (Hà Đông), không ít xe còn chạy vòng vo, dừng đỗ tại vị trí chờ xe buýt nhưng có tên của tuyến xe 75. Khi đi thực tế trên những chiếc xe BKS 30U - 9413, 30U-9201, 30U- 9507... nhân viên xe buýt thu tiền nhưng không phát vé cho khách, xe không bật điều hòa dù thời tiết khá nóng nực.
"Lượng khách sụt giảm nghiêm trọng, thu không đủ bù chi phí, không có tiền đầu tư, sửa chữa phương tiện nên buộc chúng tôi phải hoạt động cầm chừng và có nguy cơ đóng tuyến trong nay mai”. Từ trước khi có tuyến số 89, lượng khách đi tuyến 77 cũng đủ bù chi phí lương công nhân, xăng dầu. Khi hoạt động tuyến 77, công ty phải bỏ toàn bộ chi phí đầu tư phương tiện, điểm đỗ, khảo sát, vận hành... nên đương nhiên giá vé phải được tính toán kỹ để ít nhất thu đủ bù chi. Nhưng nay khi tuyến 89 được trợ giá đi vào hoạt động, nên giá rẻ hơn. Tuy nhiên, ngân sách thành phố phải bù tiền cho tuyến này”. Ông Nguyễn Quang Minh |
Các xe BKS 29B-055.07, 29B-076.89, 29B-056.06, 29B - 056.99... hoạt động trên QL21B nhưng thuộc tuyến buýt 78 (tuyến BX Mỹ Đình - Hà Đông - Tế Tiêu) cũng tùy tiện dừng đón, trả khách, không phát vé, không sử dụng điều hòa, khoang hành khách luôn trong tình trạng bụi bặm. Do cùng hoạt động trên tuyến QL21B với chiều dài khoảng 30km nên giữa các xe của tuyến buýt 78 và 75 thường xuyên chạy nhanh, bám đuổi nhau để tranh giành khách, gây mất trật tự ATGT trên tuyến.
Chất lượng dịch vụ kém khiến không ít người ngại đi xe buýt trên chặng đường trên vì sợ bị rơi vào cảnh chen chúc. Chị Lương Thị Thảo, trú tại phố Bạch Thái Bưởi, Phúc La, Hà Đông chia sẻ. “Thi thoảng có việc tôi phải đón xe buýt 78 từ đường Nguyễn Trãi, Hà Đông để về Vân Đình. Có hôm xe đã đông kín chỗ đứng nhưng cứ có khách là họ lại tống lên, xe lại không bật điều hòa nên đứng chen nhau đến ngộp thở. Chẳng bao giờ thấy ai kiểm tra bảo xe chở bao nhiêu người là đủ chỗ”.
Theo tìm hiểu của PV, tất cả xe buýt hoạt động trên tuyến buýt 78 đều là xe chở khách 24 chỗ, nhưng do hoạt động theo mô hình xe buýt nên được tăng sức chở lên 40 người (20 chỗ ngồi, 20 đứng). Tuy vậy, cách bố trí ghế ngồi vẫn giữ nguyên như thường thấy đối với xe khách chạy tuyến cố định, khiến khu vực dành cho khách đứng bị thu hẹp lại.
Xe buýt BKS 29B –048.98 cũng xuống cấp, sàn xe bụi bặm, ghế nhựa có nhiều chỗ cáu bẩn. Ở hàng ghế cuối, nhà xe để nguyên bộ cây lau sàn và chổi quét ở ngay trên airbag ngang với tầm đầu của hành khách. Nhưng điều khiến hành khách cảm giác bất bình nhất, chính là độ ồn quá lớn mỗi khi xe di chuyển. Ngồi trong xe, tiếng ồn từ buồng động cơ dội vào trong xe rất khó chịu. Hơn nữa, xe xóc lắc rất mạnh, giật cục mỗi lần tăng ga.
Nguy cơ đóng tuyến
Một trong những nguyên nhân khiến chất lượng dịch vụ xe buýt xã hội hóa xuống cấp nhưng chậm được chấn chỉnh, khắc phục do cơ chế vận hành tự quản. Đó là, việc doanh nghiệp, lái, phụ xe tự quản mà ít thấy sự kiểm tra, giám sát, xử lý của các đơn vị quản lý.
Trao đổi với Báo Giao thông, lãnh đạo bến xe Yên Nghĩa và Mỹ Đình đều cho biết, bến chỉ cho doanh nghiệp thuê địa điểm làm xe buýt đỗ, xuất phát, còn các vấn đề khác liên quan đến vận tải (thời gian xuất bến, số chuyến, lượt, giá vé...) do doanh nghiệp tự quản. Trường hợp có khách phản ánh về vi phạm của xe buýt trên đường, bến xe cũng không thể can thiệp.
Cũng chính vì cơ chế tự quản, nên khi PV liên hệ với Công ty CP Xe khách Hà Tây để tìm hiểu về cung cách quản lý vận hành tuyến buýt 75, giám đốc điều hành đơn vị này thẳng thừng từ chối làm việc.
Còn đại diện lãnh đạo Công ty Xe buýt Bảo Yến - đơn vị quản lý tuyến xe buýt số 57 cho biết, dù vận tải hành khách công cộng cho thành phố nhưng doanh nghiệp phải vay toàn bộ tiền đầu tư phương tiện bằng vốn thương mại, chứ không có ưu đãi nào. Trong khi lượng khách không nhiều, giá vé rẻ chủ yếu mang tính phục vụ nên hoạt động khá khó khăn, nguồn vốn để tái đầu tư phương tiện rất thấp, nếu không muốn nói là không có.
Sau 11 năm thực hiện, Hà Nội vẫn chỉ có 16 tuyến buýt xã hội hóa. Tuy nhiên, với tình hình hoạt động èo uột như hiện nay, nguy cơ đóng tuyến là hiện hữu. Thực trạng trên đang xảy ra tại tuyến buýt số 77 do Công ty CP ô tô vận tải Hà Tây quản lý.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Quang Minh, Tổng giám đốc Công ty CP ô tô vận tải Hà Tây cho biết, tuyến buýt xã hội hóa 77 từ bến xe Yên Nghĩa - Tản Lĩnh đến nay chỉ hoạt động cầm chừng do không có khách, dù đã đi vào hoạt động từ năm 2008 đến nay. Nguyên nhân do từ cuối năm 2016, tuyến buýt số 89 có trợ giá được đi vào hoạt động, có lộ trình trùng gần 70% với tuyến 77. Hơn nữa, do tuyến 89 được trợ giá nên giá vé rẻ hơn nhiều, chỉ 9.000 đồng/lượt, trong khi tuyến 77 có giá vé 15.000 đồng/lượt.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận