Hãng tin RT của Nga cho biết, toàn bộ các nghị sĩ Đảng Cộng hòa và 42 nghị sĩ Đảng Dân chủ ủng hộ Israel đã bỏ phiếu tán thành. Số còn lại trong Đảng Dân chủ của Tổng thống Mỹ Joe Biden bỏ phiếu chống bởi dự luật trừng phạt này do Đảng Cộng hòa đề xuất.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson tuyên bố: "Việc ICC ra lệnh bắt Thủ tướng và Bộ trưởng Quốc phòng Israel trong thời điểm họ đang phải chiến đấu vì sự sinh tồn của quốc gia chống lại Hamas - lực lượng ủy nhiệm của Iran là điều không thể hiểu được. Như tôi đã nói vài tuần trước, ICC phải bị trừng phạt cho hành động đó".
Cụ thể, dự luật trừng phạt ICC do nghị sĩ Đảng Cộng hòa bang Texas Chip Roy bảo trợ sẽ bao gồm việc Mỹ áp đặt lệnh cấm đi lại và trừng phạt về tài chính đối với các quan chức ICC.
Dự luật này cũng cho phép Tổng thống Mỹ dừng các lệnh trừng phạt nếu ICC ngừng hoạt động điều tra người dân Mỹ và các đồng minh của họ hoặc chấm dứt vĩnh viễn các cuộc điều tra liên quan đến các cá nhân được bảo hộ.
Nhiều nghị sĩ Đảng Dân chủ đã cảnh báo các lệnh trừng phạt như vậy sẽ gây tác động đến một số đồng minh của Mỹ từng đặt bút ký phê chuẩn Quy chế Rome và chấp nhận phán quyết của ICC.
"ICC có thể áp đặt lệnh trừng phạt lên lãnh đạo của một số quốc gia là đồng minh thân cận nhất của Mỹ như Anh, Italy, Đức, Nhật Bản. Quy mô của nó là quá lớn và quá nguy hại cho chúng tô", Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ Gregory Meeks tuyên bố.
Trong khi đó, những nghị sĩ ủng hộ dự luật này ở cả lưỡng đảng Mỹ cho rằng, dự luật sẽ gửi đi một thông điệp quan trọng với thế giới rằng Mỹ luôn sát cánh cùng Israel. Tuy nhiên, dự luật này khó có khả năng trở thành luật nếu không có sự ủng hộ của Thượng viện do Đảng Dân chủ chiếm đa số và sự phê chuẩn của Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Phản ứng của Mỹ trước khả năng ICC xét xử các nhà lãnh đạo Israel đã vấp phải nhiều chỉ trích vì trước đó, năm 2023 chính Mỹ đã hoan nghênh ICC ra lệnh bắt giữ Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận