Kinh tế

"Hải Hà có thể kiện ra tòa nếu BIDV không trả 270 tỷ cấn nợ từ quỹ bình ổn xăng dầu"

13/10/2023, 10:50

Nguyên phó chánh tòa hình sự TAND TP Hà Nội nhận định hành vi BIDV Long Biên cấn nợ gần 270 tỷ từ quỹ bình ổn xăng dầu là vi phạm pháp luật. Nếu ngân hàng không trả lại số tiền trên, doanh nghiệp có quyền khởi kiện.

Ngày 27/9/2023, từ nguồn tin độc quyền, Báo Giao thông đã phát hiện việc ngân hàng BIDV chi nhánh Long Biên cấn nợ doanh nghiệp xăng dầu trái quy định từ Quỹ bình ổn giá xăng dầu đặt tại tài khoản mang tên Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà.

Vụ việc trên cho thấy của ngân hàng này có dấu hiệu vi phạm hoạt động sử dụng Quỹ cũng như những lỗ hổng pháp lý trong việc quản lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc

Bài 1: BIDV Long Biên cấn nợ doanh nghiệp 270 tỷ từ Quỹ bình ổn xăng dầu

Bài 2: BIDV Long Biên chưa trả lại khoản tiền 270 tỷ cấn nợ từ Quỹ bình ổn xăng dầu

Bài 3: Đại biểu Quốc hội: "Đặt Quỹ bình ổn xăng dầu tại doanh nghiệp là rất khó hiểu"

Bài 5: Ngăn nguy cơ thất thoát Quỹ Bình ổn xăng dầu

Sau khi bị BIDV chi nhánh Long Biên cấn nợ gần 270 tỷ đồng trong tài khoản Quỹ bình ổn giá xăng dầu, Công ty Hải Hà và Bộ Tài chính đều có văn bản gửi ngân hàng này. Cả hai đều khẳng định số tiền bị cấn nợ thuộc tài khoản quỹ bình ổn xăng dầu, đồng thời yêu cầu BIDV chi nhánh Long Biên thực hiện nghiêm Nghị Định 95.

Tuy nhiên, đến nay, BIDV vẫn im lặng, không đưa ra bình luận về việc này. Nếu không được trả lại số tiền trên, Hải Hà cần làm gì?

Ông Trương Việt Toàn, nguyên Phó chánh tòa hình sự TAND TP Hà Nội, chia sẻ quan điểm dưới góc nhìn pháp lý.

Ngân hàng không được phép "động" vào quỹ bình ổn xăng dầu

- Từng giữ cương vị Phó chánh tòa hình sự TAND TP Hà Nội và tham gia xét xử nhiều vụ án kinh tế lớn như Oceanbank, AVG... ông đánh giá thế nào về việc BIDV chi nhánh Long Biên cấn nợ gần 270 tỷ của Công ty Hải Hà từ tài khoản mà công ty này khẳng định là quỹ bình ổn giá xăng dầu?

Quỹ bình ổn giá xăng dầu là tiền của người dân được thu qua giá bán lẻ xăng dầu nhằm mục tiêu bình ổn giá. Quỹ này hiện được điều chỉnh bởi quy định tại Thông tư 103/2021 của Bộ Tài chính. Thông tư này nêu rõ toàn bộ nguồn trích lập, chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu để tham gia điều tiết, hỗ trợ cho mục tiêu bình ổn giá xăng dầu trong nước theo điều hành giá xăng dầu của Bộ Công thương.

Việc chi sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu được thực hiện khi giá cơ sở cao hơn giá bán lẻ hiện hành, hoặc việc tăng giá xăng dầu ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân. Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu chỉ được chi sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu theo thông báo điều hành giá xăng dầu của Bộ Công thương.

"Hải Hà có thể kiện ra tòa nếu BIDV không trả 270 tỷ cấn nợ từ quỹ bình ổn xăng dầu"- Ảnh 1.

Ông Trương Việt Toàn, nguyên Phó chánh tòa hình sự TAND TP Hà Nội.

Khoản 26, Điều 1 Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu cũng đã nêu rõ nguyên tắc này. Cho nên tất cả việc sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu trái với quy định tại thông tư này đều là sử dụng sai mục đích.

Do vậy, việc ngân hàng BIDV phong toả tài khoản của quỹ bình ổn giá này của doanh nghiệp để cấn trừ nợ là hành vi vi phạm pháp luật.

- Ông nghĩ gì trước thông tin cho rằng ngân hàng thu nợ do không biết tài khoản có gần 270 tỷ đồng của Hải Hà là quỹ bình ổn giá xăng dầu?

Ngân hàng không thể không biết! Ngân hàng thu nợ ở tài khoản nào, số tiền bao nhiêu thì phải biết nội dung tiền đó là tiền gì. Không thể nào có chuyện ngân hàng thu nợ từ tài khoản mà lại không biết nguồn tiền rõ ràng. Nếu ngân hàng thu nợ từ nguồn tiền của tội phạm rửa tiền, tiền bất hợp pháp thì ngân hàng cũng bảo không biết hay sao.

Cho nên, khi cấn trừ tiền ở một tài khoản nào thì chắc chắn ngân hàng phải biết đó là dòng tiền từ đâu và như thế nào. Nếu ngân hàng nào nói không biết đó là tài khoản quỹ bình ổn giá xăng dầu thì chỉ là bao biện.

Nếu tài khoản đó đã được đăng ký với Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), Vụ thị trường trong nước (Bộ Công thương) như công ty Hải Hà đã nêu trong các công văn báo cáo liên Bộ thì ngân hàng càng không thể không biết.

Bởi vì dòng tiền vào - ra quỹ bình ổn giá xăng dầu đều phải thực hiện thường xuyên sau mỗi kỳ điều hành giá xăng dầu. Hàng tháng cũng phải báo cáo về cho hai bộ. Như vậy, ngân hàng hoàn toàn phải nắm được.

Còn trường hợp doanh nghiệp sử dụng quỹ bình ổn giá không đúng mục đích thì doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm, nhưng điều này không có nghĩa ngân hàng được phép "động" vào quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Thu hồi nợ xấu phải có sự thỏa thuận 2 bên

- Theo quy định pháp luật, nếu ngân hàng cấn nợ doanh nghiệp từ tài khoản quỹ bình ổn giá xăng dầu thì sẽ bị xử lý như thế nào, thưa ông?

Việc cấn trừ nợ từ tài khoản quỹ bình ổn giá xăng dầu không cấu thành một tội phạm hình sự cụ thể. Bởi vì, Bộ luật hình sự hiện hành chưa có quy định nào rõ ràng về một tội danh như thế.

Tôi cho rằng đây là một tranh chấp kinh tế, kinh doanh thương mại. Hai bên có thể đưa vấn đề ra tòa án để phân xử.

Mặt khác, liên Bộ Công thương - Tài chính cũng phải vào cuộc rốt ráo hơn để hoàn trả lại số tiền này về quỹ bình ổn giá xăng dầu. Nếu không làm được việc này, liên bộ cũng phải chịu trách nhiệm liên đới.

- Nếu phía ngân hàng không trả lại, doanh nghiệp cần làm gì để nhận lại số tiền ở tài khoản quỹ bình ổn xăng dầu đã bị cấn nợ?

Rõ ràng việc ngân hàng cấn nợ doanh nghiệp từ tài khoản quỹ bình ổn giá xăng dầu là sai.

"Hải Hà có thể kiện ra tòa nếu BIDV không trả 270 tỷ cấn nợ từ quỹ bình ổn xăng dầu"- Ảnh 2.

BIDV chi nhánh Long Biên.

Sự việc diễn ra tại ngân hàng BIDV chi nhánh Long Biên, vì thế, doanh nghiệp có thể làm đơn khiếu nại lên BIDV hội sở chính. Nếu hội sở chính không thống nhất được với quan điểm của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu mà vẫn giữ nguyên phán quyết của chi nhánh thì doanh nghiệp có quyền khởi kiện ra tòa.

Nói tóm lại, nếu BIDV không tự nguyện dở bỏ phong tỏa và trả lại số tiền thu từ quỹ bình ổn xăng dầu thì doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có quyền khởi kiện ra toà.

Pháp luật hiện hành chưa có quy định nào cho phép chủ nợ tự áp dụng biện pháp cưỡng chế đối với con nợ, trừ việc có sự thỏa thuận đối với bên vay.

Để thực hiện việc nhanh chóng thu hồi nợ xấu, Nghị quyết 42 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định các giải pháp tháo gỡ tình hình nợ xấu. Tuy nhiên, vẫn phải có sự thỏa thuận 2 bên là bên cho vay và bên đi vay.

Xin cám ơn ông!

Bộ Tài chính sẽ cung cấp tài liệu nếu tòa xét xử

Trao đổi với Giao thông về tình huống doanh nghiệp kiện ra toà nếu BIDV Long Biên không chủ động trả lại tiền, ông Phạm Văn Bình, Phó cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), cho biết về nguyên tắc, doanh nghiệp quản lý quỹ. Doanh nghiệp đang hoạt động nên chủ thể xử lý những tranh chấp liên quan là doanh nghiệp.

Trường hợp vụ việc được đưa ra tòa xét xử, Bộ Tài chính sẽ cung cấp tài liệu để minh chứng cho báo cáo của doanh nghiệp liên quan đến số tài khoản quỹ, thu - chi quỹ báo cáo hàng tháng.

Vụ cấn nợ diễn ra như thế nào?

Ngày 31/5/2023, BIDV - chi nhánh Long Biên tự động cấn nợ số tiền 269.770.000.000 đồng từ tài khoản mà Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà (Công ty Hải Hà) khẳng định là tài khoản Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Phát hiện sự việc, ngày 5/6/2023, Công ty Hải Hà đã gửi công văn đến BIDV Long Biên đề nghị ngân hàng này trả lời bằng văn bản về món tiền tự động trích thu.

Đến ngày 15/6, Công ty Hải Hà vẫn không nhận được phản hồi của BIDV Long Biên. Vì thế cùng ngày, doanh nghiệp lại có văn bản gửi BIDV Long Biên, không đồng tình với việc làm này của ngân hàng và gửi văn bản báo cáo Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính và Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương về sự việc. Hà khẳng định, có mối quan hệ lâu năm với BIDV Long Biên, không thể có chuyện ngân hàng không biết đó là tài khoản quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Ngày 31/8, Bộ Tài chính đã gửi công văn cho BIDV Long Biên đề nghị nghiêm túc thực hiện theo đúng quy định tại Nghị định 95.

Khoản 26, Điều 1 Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu đã nêu rõ: quỹ bình ổn giá xăng dầu là quỹ tài chính không nằm trong cân đối ngân sách nhà nước; toàn bộ nguồn trích lập, chi sử dụng để tham gia điều tiết, hỗ trợ cho mục tiêu bình ổn giá bán xăng dầu trong nước. Nghị định cũng quy định, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu chỉ được chi sử dụng quỹ bình ổn giá theo thông báo điều hành giá xăng dầu của Bộ Công thương, không được sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu cho các mục đích khác.

Bên lề cuộc họp báo ngày 5/10, lãnh đạo Bộ Tài chính cũng quả quyết: Ngân hàng phải trả lại tiền vào quỹ bình ổn giá xăng dầu, không thể khác được.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.