Xã hội

Hải Phòng kiến tạo dữ liệu số để phát triển kinh tế, xã hội

27/12/2023, 16:51

Hưởng ứng Năm dữ liệu số quốc gia, Ngày chuyển đổi quốc gia, sáng 27/12, Diễn đàn chuyển đổi số Hải Phòng 2023 với chủ đề "Kiến tạo dữ liệu số - Nền tảng phát triển kinh tế, xã hội" đã khai mạc tại TP Hải Phòng.

Sự kiện trên do UBND TP Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) tổ chức, Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan bảo trợ.

Diễn đàn đã tạo cơ hội gặp gỡ, trao đổi về khả năng, nhu cầu, giải pháp và các chính sách nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trên các lĩnh vực và nâng cao nhận thức chuyển đổi số trong các cấp, các ngành, các địa phương.

Kết nối doanh nghiệp công nghệ và chính quyền thúc đẩy chuyển đổi số; giới thiệu và trải nghiệm công nghệ tiên tiến; trải nghiệm các ứng dụng và sản phẩm, giải pháp chuyển đổi số cho người dân và doanh nghiệp; thu hút đầu tư công nghệ số.

Hải Phòng: Kiến tạo dữ liệu số - Nền tảng phát triển kinh tế, xã hội.  - Ảnh 1.

Cắt băng khai mạc diễn đàn chuyển đổi số với chủ đề "Kiến tạo dữ liệu số - Nền tảng phát triển kinh tế, xã hội".

Phát biểu khai mạc, ông Hoàng Minh Cường, Phó chủ tịch UBND TP Hải Phòng cho biết, năm 2023 là năm thứ hai thành phố lựa chọn chủ đề "Đẩy mạnh chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị - Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu - Thực hiện chuyển đổi số", khẳng định sự quyết tâm của Thành ủy, HĐND, UBND TP Hải Phòng đối với công tác chuyển đổi số.

Thành phố đã ban hành kế hoạch về chuyển đổi số, trong đó có tổng số 75 nhiệm vụ giao cho 28 đơn vị với tổng kinh phí thường xuyên thực hiện gần 400 tỷ đồng.

Các nhiệm vụ được giao tập trung vào việc số hóa, phát triển dữ liệu chuyên ngành hỗ trợ trong quản lý, điều hành, giải quyết thủ tục hành chính; tiến tới xây dựng kho dữ liệu dùng chung, cổng dữ liệu mở.

Hải Phòng: Kiến tạo dữ liệu số - Nền tảng phát triển kinh tế, xã hội.  - Ảnh 2.

Ông Hoàng Minh Cường, Phó chủ tịch UBND TP Hải Phòng phát biểu khai mạc diễn đàn chuyển đổi số.

Trong thời gian vừa qua, thành phố đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong chuyển đổi số với 100% dịch vụ công trực tuyến đạt mức 4 (hơn 1.700 dịch vụ); xử lý hơn 956.000 hồ sơ trực tuyến (chiếm 90.7% tổng số hồ sơ); tỷ lệ thanh toán trực tuyến chiếm đến 50%; tỷ trọng gia tăng kinh tế số ICT/GRDP ước đạt 24,5%, đứng 4/63 tỉnh.

Hải Phòng đang là địa phương đi đầu cả nước thực hiện thành công một số lĩnh vực được Chính phủ lựa chọn thành phố triển khai thí điểm như xây dựng dữ liệu dân cư, hóa đơn điện tử, cấp đổi giấy phép lái xe.

Cơ sở dữ liệu đất đai đã có hơn 650.000 thửa đất có dữ liệu không gian, đạt hơn 50% và đã bắt đầu đưa vào khai thác. Cơ sở dữ liệu giáo dục đã có 800 cơ sở với trên 32.000 giáo viên, 521.000 học sinh. Học bạ điện tử và sổ điểm điện tử đã được triển khai toàn diện.

100% các bệnh viện đã triển khai phần mềm quản lý và liên thông dữ liệu với bảo hiểm xã hội. Hơn 2,6 triệu dữ liệu hộ tịch đã hoàn thành đạt 90%.

Thương mại điện tử đã kết nối được 250 mã sản phẩm nông sản, 179 sản phẩm OCOP. Cảng biển, logistics đang trong quá trình thử nghiệm liên thông dữ liệu giữa cảng vụ, hải quan và các doanh nghiệp.

Hải Phòng: Kiến tạo dữ liệu số - Nền tảng phát triển kinh tế, xã hội.  - Ảnh 3.

Nhiều gian hàng trưng bày tiện ích chuyển đổi số thu hút sự quan tâm của nhiều người.

Tại diễn đàn, ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch VINASA cho biết, Hải Phòng có vị thế đặc biệt quan trọng trong vùng kinh tế Bắc Bộ. Chuyển đổi số không chỉ tạo ra sự phát triển cho mình Hải Phòng mà còn là động lực, là sợi dây liên kết kéo theo sự phát triển của cả vùng kinh tế Bắc Bộ.

VINASA và các doanh nghiệp hội viên cam kết sẽ luôn sẵn sàng nỗ lực sát cánh cùng Hải Phòng chung tay xây dựng hạ tầng dữ liệu số tiên tiến, hiệu quả; xây dựng mô hình và hợp tác khai thác dữ liệu số nhằm đưa ra các mô hình quản trị, tạo ra những dịch vụ mới phục vụ người dân, doanh nghiệp, tạo ra những giá trị mới cho nền kinh tế - xã hội.

Tại sự kiện trên còn diễn ra Triển lãm "Thành tựu và giải pháp công nghệ" với 20 gian hàng trưng bày các tiện ích chuyển đổi số của Hải Phòng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.