Tài chính

Hái ra tiền từ quần áo cũ nhờ ý tưởng “độc”

10/08/2024, 06:31

Khéo léo sáng tạo trên những mẫu quần áo cũ tưởng bỏ đi, quán quân chương trình "Khi phụ nữ làm chủ" mùa đầu tiên đã tạo ra những sản phẩm túi xách, ba lô độc đáo giá tiền triệu.

Lợi nhuận từ ý tưởng "phi lợi nhuận"

Khởi sự từ niềm yêu thích, làm với mục tiêu "phi lợi nhuận", cô chủ thương hiệu RenewJeans Made in Hanoi khi ấy không ngờ công việc này sẽ mang lại cho mình nhiều lợi nhuận.

Hái ra tiền từ quần áo cũ nhờ ý tưởng “độc”- Ảnh 1.

Bà chủ Nguyễn Thị Kim Ngân tự tay may, thêu những sản phẩm có độ khó cao.

Từ năm 2019, với sở thích may vá quần áo, túi xách để dùng và tặng người thân, Nguyễn Thị Kim Ngân (SN 1988, ở quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội) nhận thấy một số chất liệu quần áo cũ như jeans rất bền, bỏ đi vừa phí lại ảnh hưởng môi trường. Vì thế, chị may thử những chiếc túi tote (dòng túi quai đơn giản) để đem tặng.

Sau đó, vì muốn thu thêm nhiều đồ cũ bỏ đi, chị nảy ra ý tưởng đổi 6 quần cũ lấy 1 túi tote mới. Người tìm đến ngày càng nhiều, làm không xuể nên ý định kinh doanh bắt đầu nhen nhóm.

Chị Ngân kể, ban đầu chị đăng sản phẩm lên các nhóm tái chế, tái sử dụng, cộng đồng tiêu dùng xanh: "Chiến lược đổi sản phẩm giống một cái phễu đưa khách hàng đến, dần tạo được những fan ruột".

Ngoài túi tote, RenewJeans làm thêm nhiều dòng túi cầu kỳ, nhiều kiểu dáng như túi tròn, túi trống, túi bao tử, túi hộp, túi xách du lịch, balo các loại… để thu hút khách hàng. Từ chỗ đổi hàng, RenewJeans tính sang chuyện phụ thêm tiền với những dòng túi mới, phức tạp vì phải làm mất nhiều thời gian và nguyên liệu hơn.

Sự chuyển đổi đó tạo ra một mô hình kinh doanh mới cho Renewjeans. Hiện, Renewjeans vừa duy trì mô hình đổi sản phẩm phụ tiền, vừa bán sản phẩm với giá niêm yết.

Thương hiệu jeans tái chế của Ngân hiện có một cửa hàng và hàng chục cửa hàng ký gửi tại các thành phố lớn và những điểm du lịch… đưa về cho RenewJeans mức doanh thu từ 150-200 triệu mỗi tháng.

Mỗi sản phẩm là một câu chuyện

Biết Ngân từ một người quen khi được giới thiệu cô chủ này có tài vẽ và thêu thùa từ nhỏ, chị Lan - một vị khách quen thuộc của RenewJeans ngắm nghía từng sản phẩm mẫu và quyết định gửi gắm những bộ quần áo của mẹ đã mất từ nước ngoài về Việt Nam để Ngân tái chế thành túi.

Chi phí vận chuyển rất đắt và khâu tái chế thành phẩm mất khá nhiều thời gian, công sức. Thế nhưng, nhìn những chiếc túi xinh xắn được Ngân may tỉ mỉ, tô điểm bằng những bông hoa thêu sinh động, chị Lan không khỏi xúc động.

Có rất nhiều khách hàng chọn cách tương tự để lưu giữ một kỷ niệm. Làm việc cùng Ngân nhiều năm nay, chị Hoa, một nhân viên của xưởng tái chế chia sẻ, ở đây mỗi sản phẩm như một câu chuyện qua bàn tay sáng tạo của cô chủ.

Có những người thích hoa cẩm tú cầu, hoa hướng dương, có người lại nhờ tư vấn từ ý tưởng; cũng có người muốn thể hiện tình cảm lên sản phẩm… Mọi yêu cầu đều được Ngân chăm chút từng mũi kim, sợi chỉ.

Chị Hoa nhận xét, có lẽ sự tâm huyết, đam mê của Ngân và tài sáng tạo đã đưa đến điểm khác biệt cho RenewJeans.

Điểm cộng cho thành công trong kinh doanh sản phẩm này cũng nhờ vào những khách hàng vì không muốn xả rác ra môi trường nên chọn tái chế, dù phải đợi cả tháng trời, chi phí tái chế cũng ngang ngửa với một sản phẩm mua mới. Nhưng họ cảm thấy yêu thích việc được nhìn món đồ cũ "sống" lại.

Không chỉ chất liệu jeans, hiện RenewJeans thực hiện với nhiều chất liệu vải khác nhau. Những mặt hàng ở đây cũng không cố định theo khuôn mẫu, bởi mỗi chiếc quần trước khi tái chế sẽ có hình dáng và điểm nhấn khác. Đây cũng là lý do các phiên bản túi xách làm ra là phiên bản duy nhất, cũng là điểm độc đáo thu hút khách hàng.

Những mẫu túi sẵn tại RenewJeans có giá từ 135-950 nghìn đồng tùy loại. Còn sản phẩm đặt riêng sẽ có mức giá tùy độ khó. Có sản phẩm được trả chi phí đến vài triệu.

Trăn trở mở rộng mô hình kinh doanh

RenewJeans đã gặt hái được thành công ban đầu khi có lượng khách nước ngoài chiếm thị phần 30%. Chị Ngân cũng trở nên nổi tiếng sau khi giành quán quân chương trình "Khi phụ nữ làm chủ" do Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức. Song, chị vẫn đang trăn trở với bài toán mở rộng xưởng và mô hình kinh doanh.

Hái ra tiền từ quần áo cũ nhờ ý tưởng “độc”- Ảnh 2.

Những chiếc quần jeans cũ được "biến" thành sản phẩm tiền triệu.

Bởi thực tế, với những sản phẩm đơn giản có thể làm trong một ngày. Còn những sản phẩm phức tạp và cần thêu thì cần đến ít nhất 3-5 ngày, thậm chí cả tuần.

"Gần như tất cả công đoạn đều phải chờ nhau. Từ lên ý tưởng, đến thêu, chuyển sang để tạo form; may lên túi, xong ship đến khách đều vậy", Ngân nói và cho biết, dù có 9 người thực hiện nhưng công đoạn nào cũng cần cô phải tham gia. Cái khó của nghề làm tái chế là quy trình không thể tự động hóa, không thể sản xuất nhanh, hàng loạt.

Hiện, đối tượng khách hàng mục tiêu của Renewjeans là trên 30 tuổi và có thu nhập từ 15 triệu đồng mỗi tháng trở lên, song chị Ngân cũng chủ động tiếp cận các kênh bán hàng hiện đại như livestream, TikTok từ rất sớm để tăng độ phủ cho thương hiệu.

"Thời mới bắt đầu, câu chuyện kinh doanh chỉ xoay quanh cá nhân làm thương hiệu. Thế nhưng trong tương lai, điều đó không thể kéo dài, mà nó phải là thương hiệu kinh doanh, vươn xa hơn", bà chủ RenewJeans chia sẻ.

Sản phẩm không chạy theo "trend"

Quán quân chương trình "Khi phụ nữ làm chủ" mùa đầu tiên - Nguyễn Thị Kim Ngân không chỉ được biết đến là một người khéo tay, nhiều ý tưởng sáng tạo mà chị còn thu hút khách hàng bởi lòng say mê tái chế những mẫu quần áo cũ.

"Là sản phẩm thuộc thị trường ngách không chạy theo "trend" nên những khách hàng đến với jeans tái chế cũng là những tính cách khá đặc biệt. Họ là những người có cá tính, có gu riêng nên giá trị của sản phẩm này nằm ở câu chuyện từ chính những yêu cầu của khách hàng", chị Ngân chia sẻ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.