Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp vừa có báo cáo gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình thực hiện Nghị quyết 01 và tình hình kinh tế tháng 5.
Theo đó, về lĩnh vực vận tải, ước tính đến hết tháng 5, tình hình vận chuyển hành khách và hàng hóa nhận được nhiều tín hiệu khả quan.
Cụ thể, với lĩnh vực đường sắt, vận chuyển hành khách ước đạt 2.815.378 lượt khách, bằng 114,0% so với cùng kỳ; vận chuyển hàng hóa ước đạt 2.084,7 nghìn tấn xếp, bằng 114,7% so với cùng kỳ.
Lĩnh vực đường bộ (qua các tuyến đường cao tốc do VEC quản lý): tổng lưu lượng xe lưu thông tháng 5 trên các tuyến cao tốc đã đưa vào khai thác ước đạt 5,1 triệu lượt xe, tăng 4,4% so với cùng kỳ. Tính đến hết tháng 5, ước đạt 27,5 triệu lượt xe, tăng 11,3% so với cùng kỳ 2023.
Tổng doanh thu thu phí (bao gồm VAT) trong tháng 5 ước đạt 504 tỷ đồng, tăng 15,8% so với cùng kỳ; tính đến hết tháng 5, ước đạt 2.556 tỷ đồng, tăng 13,8% so với cùng kỳ, đạt 48,1% kế hoạch năm.
Với lĩnh vực hàng không, tính đến hết tháng 5, thông qua toàn bộ mạng lưới cảng hàng không của ACV, sản lượng vận chuyển hành khách ước đạt 45,6 triệu khách, bằng 38,7% kế hoạch năm và bằng 99% so với cùng kỳ.
Còn sản lượng vận chuyển hàng hóa bưu kiện ước đạt 584 nghìn tấn, bằng 43,8% kế hoạch năm và bằng 121% so với cùng kỳ.
Sản lượng vận chuyển hành khách của Vietnam Airlines ước đạt 9,3 triệu khách, bằng 40,8% kế hoạch năm và bằng 112,3% so với cùng kỳ; sản lượng vận chuyển hàng hóa ước đạt 114,7 nghìn tấn, bằng 41,9% kế hoạch năm và bằng 138,1% so với cùng kỳ.
Sản lượng hàng thông qua cảng biển cũng bằng 124% so với cùng kỳ, ước đạt 57,2 triệu tấn (bằng 46% kế hoạch năm). Trong đó, sản lượng vận tải biển ước đạt 7,8 triệu tấn, bằng 49% kế hoạch năm và bằng 97% so với cùng kỳ.
Định hướng cho phát triển đường sắt trong tương lai, giới chuyên môn đề xuất chuyển đổi xanh, điện khí hóa đường sắt.
Cục Đường sắt Việt Nam cho biết, lĩnh vực đường sắt phải thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26). Đến 2050 phải chuyển đổi 100% đầu máy và toa xe phát điện đường sắt đang sử dụng dầu diesel sang sử dụng nhiên liệu sạch, nhiên liệu tổng hợp (không phát thải khí nhà kính).
Nhu cầu này đặt đường sắt Việt Nam trước thách thức chuyển đổi năng lượng xanh.
Các chuyên gia gợi ý, Việt Nam có thể tập trung vào ba yếu tố quan trọng để khử cacbon, giảm phát thải, gồm: chuyển đổi, nhiên liệu và cải tiến.
Cụ thể, cần chuyển đổi vận tải sang các phương thức khác ít phát thải hơn, có thể là chuyển phương thức vận tải hàng hóa từ đường bộ sang đường sắt và/hoặc đường thủy nội địa và vận tải ven biển.
Khử cacbon từ nhiên liệu trong đường sắt là chuyển từ dầu diesel sang nhiên liệu phát thải thấp hơn hoặc sang điện (với cơ sở hạ tầng cố định hoặc bằng pin) hoặc hydro.
Cải tiến nghĩa là tăng hiệu quả sử dụng năng lượng của đường sắt…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận