Vận tải

Hậu trường “rơi nước mắt” tại sân bay Bata - Guinea Xích đạo

31/07/2020, 18:58

Khi máy bay chuẩn bị hạ cánh, chúng tôi chỉ thấy toàn rừng là rừng. Rồi hiển hiện trước mắt là một sân bay nhỏ, vắng lặng...

img
Khách lên máy bay Vietnam Airlines tại sân bay Bata (Guinea Xích đạo)

Trở về từ Vũ Hán, tiếp hành trình đến Guinea Xích đạo

Gần 6 tháng sau chuyến bay vào tâm dịch Vũ Hán đón người Việt về nước, anh Hoàng Trung Kiên (Đội phó đội Điều hành và quản trị cơ sở dữ liệu Trung tâm Kiểm soát tải Viags) lại vừa hoàn thành chuyến bay đặc biệt đưa 219 người Việt tại Guinea Xích đạo hồi hương.

Từ khu cách ly của Bệnh viện Nhiệt đới trung ương 2 tại Đông Anh, anh Kiên cho biết đang “rất yên tâm cách ly. Những lo lắng ban đầu về nguy cơ nhiễm dịch đã qua đi”.

“Thực ra là mình “quên” lo ngay khi nhìn thấy những hành khách đầu tiên”, anh Kiên nói và chia sẻ thêm: Khi máy bay bắt đầu đón khách, những khách âm tính sẽ đi bộ từ chỗ tập kết ra máy bay. Khi gần đến nơi, nhìn thấy mình là khách vẫy tay cười rạng rỡ, cảm giác như gặp lại người thân sau rất nhiều ngày.
“Tôi cảm thấy rõ sự vui mừng trong ánh mắt họ, cho dù vừa phải trải qua nhiều tiếng chờ đợi mệt mỏi do tàu bay phải mất nhiều thời gian tiếp dầu, chuyến bay bị chậm hơn 3 tiếng so với dự kiến”, anh Kiên cho hay.

img
Anh Hoàng Trung Kiên - Đội phó đội Điều hành và quản trị cơ sở dữ liệu Trung tâm Kiểm soát tải Viags

Cũng theo nam nhân viên đã có 20 năm gắn bó với Vietnam Airlines này, phản ứng của những hành khách được xác định dương tính với Covid-19 (đi theo xe riêng ra chân máy bay) lại khác hẳn.

“Những hành khách đã nhiễm virus có phần rụt rè hơn. Khi thấy tôi, họ thậm chí có ý đi xa một chút. Những người sức khỏe yếu hơn thì được một, hai người đi cùng dìu. Bạn sẽ không thể hiểu được cảm xúc của tôi lúc đó đâu. Ánh mắt của họ, sự rụt rè của họ, cách họ dìu nhau lên máy bay... tất cả khiến mình lúc đó có cảm giác muốn che chở, bảo vệ. Ngay lúc đó, tôi thực sự cảm thấy mình không có một chút lo sợ nào vì việc nhiễm dịch, chỉ muốn hoàn thành nhanh nhất công việc để cùng phi hành đoàn đưa khách về”, anh Kiên tâm sự.

“Quang cảnh sân bay Bata lúc đó thực sự rất hiu hắt. Khi máy bay chuẩn bị hạ cánh, chúng tôi chỉ thấy toàn rừng là rừng. Rồi hiển hiện trước mắt là một sân bay nhỏ, vắng lặng với dăm ba chiếc máy bay nhỏ, đã cũ rỉ và hỏng hóc. Có duy nhất chiếc A350 dường như là “còn sống”. Giữa khung cảnh đó, hình ảnh đồng bào mình dắt díu nhau lên máy bay, thương lắm”, nam nhân viên tiếp lời.

img
Hành khách phải chờ đợi nhiều giờ đồng hồ tại khu vực tập kết trước khi được lên máy bay về nước

Trên máy bay, trong khoang phổ thông, nơi bố trí các hành khách trở về từ Guinea Xích đạo, chúng tôi đã chuẩn bị trước tại mỗi lưng ghế 5 khăn ướt tẩm cồn, 1 túi rác và 1 tờ hướng dẫn hành khách trên chuyến bay. Đồ ăn thức uống trong suốt chuyến bay cũng sẽ được đặt sẵn trong túi ghế phía trước hoặc đặt trên ghế trước khi hành khách lên máy bay.

“Hành khách không ăn uống nhiều. Họ cũng như chúng tôi, chỉ muốn được trở về thật nhanh. Và chúng tôi đã làm được. Chuyến bay đã hạ cánh an toàn tại sân bay Nội Bài, không có bất kỳ trục trặc nào xảy ra, hành khách trên chuyến bay cũng an toàn”, anh Kiên kể lại.

Nói về mong muốn lúc này, anh Kiên giản dị nói: Tôi chỉ mong mình và mọi người được khỏe mạnh, đủ sức khỏe để tiếp tục được tham gia những chuyến bay giải cứu bất cứ lúc nào khi tổ quốc gọi tên.

“Thấy được ưu ái vì được lựa chọn vào phi hành đoàn đi Bata”

img
Anh Vũ Linh (bên trái) cùng đồng nghiệp Nguyễn Tiến Hoàng khi chuẩn bị cho chuyến bay đi Guinea Xích đạo

Cùng trở về từ Guinea, anh Vũ Linh, một trong 2 thợ máy đi trên chuyến bay cũng đang “ngoan ngoãn cách ly” cùng phòng với anh Kiên tại Bệnh viện Nhiệt đới trung ương 2.

“Anh em cũng đã nghỉ ngơi và phục hồi được sức lực sau hơn 30 giờ đồng hồ tính từ khi cất cánh rời Việt Nam đến khi hạ cánh an toàn tại sân bay quốc tế Nội Bài. Các y bác sĩ ở đây rất tận tâm. Chúng tôi cũng thấy thoải mái. Điều kiện tại khu vực cách ly của Bệnh viện khá tốt”, anh Linh chia sẻ.

Nói về chuyến bay, anh Linh cho biết ai cũng biết chuyến bay rất đặc biệt. Bản thân chúng tôi, dù đã chuẩn bị tinh thần cho một chuyến bay khác hẳn các chuyến “giải cứu” trước đây, tuy nhiên, sau những gì trải qua, tôi tin là tôi và anh em trong phi hành đoàn đã có những trải nghiệm, những cảm xúc chưa từng có trong đời.

Vietnam Airlines đã thực hiện nhiều chuyến bay giải cứu đưa người Việt từ khắp nơi trên thế giới hồi hương, nhưng chưa có chuyến bay nào như chuyến bay này. Chưa đi đã biết có hơn một nửa khách dương tính với Covid-19.

“Lần đầu tiên Vietnam Airlines bay đến một sân bay nhỏ lại ở rất xa, tận Châu Phi do đó chúng tôi đã phải chuẩn bị hết sức kỹ càng cho chuyến bay này, từ việc chọn máy bay cho đến nhân lực, chuẩn bị vật tư phụ tùng, kỹ thuật… Vật tư phụ tùng mà chúng tôi chuẩn bị cho chuyến bay này thậm chí còn nhiều hơn cả chuyến bay chuyên cơ để có thể sẵn sàng cho mọi tình huống” anh Linh kể lại và lý giải thêm: Dù đã tìm hiểu thông tin nhưng chúng tôi cũng không biết cụ thể sân bay bạn có như thế nào, phục vụ được đến đâu. Thực tế, khi chúng tôi bay sang thì đúng như vậy. Hệ thống hỗ trợ phía bạn gần như không có gì.

Chia sẻ thêm, anh Linh cho biết ngay sau khi máy bay hạ cánh tại Bata, theo thông lệ, thợ máy sẽ xuống máy bay để kiểm tra điều kiện kỹ thuật. Tuy nhiên, với chuyến bay này, trước khi xuống, chúng tôi phải mặc thêm một bộ bảo hộ y tế nữa ra ngoài bộ bảo hộ y tế đang mặc trên người. Bộ đồ bên ngoài sẽ được cởi bỏ và cho vào túi nilon đưa cho bộ phận phục vụ mặt đất phía bạn trước khi tôi quay lại máy bay, đảm bảo không mang theo virus lên tàu bay.

“Trong hai bộ đồ bảo hộ, đi lại thôi đã khó chịu, chúng tôi phải thực hiện nhanh nhất có thể phần việc của mình. Tuy nhiên, do điều kiện phía bạn rất hạn chế như tôi đã nói ở trên, nên công việc đã không thể hoàn thành trong thời gian dự kiến”, anh Linh nói và dẫn ví dụ: Chỉ riêng việc nạp xăng dầu thôi, chúng tôi đã phải tốn thời gian gấp mấy lần, khiến thời gian bay về đã phải chậm hơn 3 tiếng so với dự kiến ban đầu.

Để đón được máy bay A350, sân bay Bata đã phải bổ sung thêm nguồn cấp nhiên liệu cho máy bay và một xe cứu hỏa đạt tiêu chuẩn cứu hỏa cấp 8 - cấp cần thiết để khai thác máy bay A350.

“Đến tận bây giờ, tôi vẫn cảm thấy biết ơn lãnh đạo Tổng công ty đã “ưu ái” cho tôi được phục vụ chuyến bay này. Những vất vả của phi hành đoàn so với khó khăn vất vả của hành khách không thấm vào đâu. Nếu các bạn là tôi, được nhìn thấy họ đứng túm tụm lại trong một hangar cách vị trí đỗ máy bay khoảng 100m, trông chờ được bay về, bạn sẽ cảm thấy mình phải sang đây đưa họ về là đúng, mình được tham gia vào chuyến bay này thực sự là một ưu ái”.

Được biết, trước chuyến bay, có 9 phi công, 125 tiếp viên (trong đó có 30 nữ) và 13 nhân viên kỹ thuật viết đơn tình nguyện tham gia chuyến bay đi Guinea Xích đạo.

Vietnam Airlines đã quyết định lựa chọn 5 phi công và 8 tiếp viên nam, 3 nhân viên kỹ thuật là thành viên tổ bay bằng máy thân rộng Airbus A350. Trong 5 phi công, có 3 cơ trưởng và 2 cơ phó.

Khi xung phong đi, tôi đã sẵn sàng cho tình huống xấu nhất là nhiễm bệnh

img
Tiếp viên trưởng Trương Anh Tú trước giờ cất cánh đi Guinea Xích đạo

Chia sẻ về hành trình quả cảm đến Guinea xích đạo, tiếp viên trưởng Trương Anh Tú - một trong hai tiếp viên tình nguyện phục vụ khu vực có hành khách dương tính với virus Sars-CoV-2 cho biết từ hôm về đến nay, anh chẳng thể nào quên được khoảnh khắc mà cảm xúc của 219 hành khách như cùng vỡ òa với những tiếng hô vang, vỗ tay “về nhà rồi, sống rồi” khi biết chắc rằng đã vượt qua "cửa tử".

Ngay khi nhận được thông tin về chuyến bay, tiếp viên trưởng Anh Tú đã đăng kí với ban lãnh đạo Đoàn Tiếp viên để có thể được thực hiện hành trình này và phục vụ tại khu vực hành khách nhiễm virus.

“Lúc đó tôi chỉ nghĩ tới những đồng bào, nhất là những người dương tính với virus đang sinh hoạt và làm việc trong điều kiện sinh hoạt không tốt tại Guinea Xích đạo. Tôi chỉ mong muốn chuyến bay được thực hiện càng sớm, thì đồng bào sẽ được về quê hương và được chăm sóc càng sớm”, anh Tú nói và cho biết: Chúng tôi được trang bị đồ bảo hộ theo tiêu chuẩn của Bộ Y Tế, thêm vào đó máy trợ thở mà đội ngũ y, bác sĩ mang theo có thể hạn chế tối đa việc lây nhiễm virus. Quy trình phục vụ của chuyến bay cũng được thay đổi phù hợp. Hai bữa ăn được đặt sẵn trên ghế, mỗi khoang khách đều được ngăn cách bởi tấm rèm nhựa và có phòng áp lực dương cho phi hành đoàn ngồi để ăn uống khi thực sự cần thiết. Chúng tôi được khuyến cáo hạn chế tối đa việc cởi bỏ khẩu trang, vì thế nên ngay cả việc ăn uống cũng không thể thoải mái được.

Trên chuyến bay "có một không hai" này, bên cạnh các biện pháp chống lây nhiễm virus, sự tập trung của phi hành đoàn hầu hết được dồn vào tình hình sức khỏe của các hành khách đã được xác định dương tính bị ảnh hưởng bởi thời gian bay khá dài. Tuy nhiên, thật may mắn là không có vấn đề nghiêm trọng xảy ra.

img
Hình ảnh hành khách trên chuyến bay

"Trong khu vực các khách dương tính, có trường hợp khó thở, đau ngực, một trường hợp đi ngoài, 10 trường hợp sốt cao. Ngay lập tức các bác sĩ đi xuống phối hợp cùng tiếp viên. Tiếp viên bật phát thanh cho toàn bộ khoang khách nghe. 3 tiếng trước khi đáp, bác sĩ động viên bệnh nhân khó thở, uống thuốc theo chỉ dẫn, cố gắng vì chỉ 3 tiếng nữa là chúng ta về nhà", TVT Anh Tú nhớ lại.

Khác với những chuyến bay trước đó, mỗi khoang đều được trang bị một điện thoại và được các TV hướng dẫn chi tiết để hành khách thông báo tới phi hành đoàn trong trường hợp cần hỗ trợ. Việc này đã được phi hành đoàn và bác sĩ thống nhất để hạn chế cao nhất tiếp xúc trực tiếp nhưng vẫn đảm bảo nắm bắt mọi thông tin sức khoẻ cho hành khách, đặc biệt tại khu vực khách nhiễm virus

Khi được hỏi rằng “sẽ ra sao nếu anh nhiễm bệnh”, TVT Anh Tú khẳng khái nói: Khi đã xung phong thực hiện chuyến bay, tôi cũng đã chuẩn bị tâm lý cho tình huống xấu nhất đó là có thể nhiễm bệnh. Nếu trường hợp đó xảy ra, tôi sẽ hoàn toàn tin tưởng vào trình độ, kinh nghiệm và sự tận tâm của các y bác sĩ. Và tôi sẽ không lo lắng gì, bởi vì tôi đang ở Việt Nam, tôi đang ở nhà”

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.