Tại lễ ký kết Chương trình phối hợp về tăng cường vận động hiến tặng mô, bộ phận cơ thể người từ người hiến tặng sau khi chết hoặc chết não giai đoạn 2024-2027 vừa được tổ chức vào sáng 12/1, bà Nguyễn Thị Kim Tiến, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam, chia sẻ kỹ thuật ghép tạng đang được thực hiện ở nhiều cơ sở y tế trên cả nước. Các kỹ thuật ghép như ghép tim, ghép gan, ghép phổi… và ghép các bộ phận mô khác đã đạt trình độ quốc tế. Tuy nhiên, nguồn tạng hiến phục vụ cho việc ghép tạng cho người bệnh còn nhiều hạn chế.
Bà Tiến cho biết, nguồn tạng hiến từ người chết não chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong khi danh sách chờ ghép tạng ngày càng dài.
Ghi nhận thực tế, với hàng chục nghìn ca ghép tạng đã được thực hiện tại Việt Nam, trong đó nguồn tạng hiến từ người chết não mới chỉ có 156 ca, riêng tại BV Việt Đức là 107 ca.
Để việc tuyên truyền, vận động hiến tạng, đặc biệt từ nguồn người cho tạng là người chết hoặc chết não, một số bệnh viện có hoạt động ghép tạng đã chủ động tổ chức tổ vận động gia đình có người thân chết não hiến tạng để cứu người. Tuy nhiên, hiệu quả của hoạt động này vẫn còn nhiều hạn chế.
"Thời gian qua Hội Chữ thập đỏ và Ban vận động hiến máu đã làm rất tốt khi lan tỏa tinh thần hiến máu cứu người. Qua lễ ký kết này, chúng tôi mong muốn các đơn vị cùng phối hợp để đưa hoạt động vận động hiến mô, tạng lồng ghép trong vận động hiến máu. Việc làm này sẽ giúp thay đổi nhận thức cộng đồng về hiến tạng từ người chết não và giúp nhiều bệnh nhân chờ được hiến tạng có cơ hội được duy trì sự sống", bà Tiến chia sẻ.
Cũng trong lễ ký kết này, Bộ Y tế cùng Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người cũng đã trao tặng kỷ niệm chương Vì sức khỏe nhân dân cho 2 gia đình đã chấp thuận hiến tạng của người thân không may bị TNGT chết não, qua đó đã hồi sinh sự sống, mang lại ánh sáng cho nhiều người bệnh khác.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận