Thế giới

Hồ sơ Panama: Đến lượt Mỹ, Triều Tiên

06/04/2016, 06:56

Công ty Mossack Fonseca đã giúp 33 cá nhân và công ty nằm trong “danh sách đen” của Mỹ lách luật.

 - Rò rỉ tài liệu trốn thuế ở Panama:

Hàng nghìn người Iceland biểu tình kêu gọi Thủ tướ

Hàng nghìn người Iceland biểu tình kêu gọi Thủ tướng từ chức vì những thông tin rò rỉ trong Tài liệu Panama

“Tiếp tiền” cho chương trình hạt nhân

Trong Tài liệu Panama, Mossack Fonseca không chỉ mở các công ty ma làm vỏ bọc cho chính giới, nghệ sĩ nổi tiếng, vận động viên “rửa tiền”, trốn thuế mà còn hợp tác với các cá nhân/ công ty bị Mỹ trừng phạt ở cấp độ quốc tế để kinh doanh “chui”.

Theo đó, Mossack Fonseca đã hợp tác với 33 cá nhân/ công ty bị Mỹ nghi ngờ ủng hộ tài chính cho khủng bố, tội phạm chiến tranh tại Trung Đông, những ông trùm buôn ma túy tại Mexico, Guatemala, Đông Âu, những cá nhân/ tổ chức liên quan tới chương trình vũ khí hạt nhân tại Iran, Triều Tiên, những kẻ buôn vũ khí tại Nam Phi...

Mossack Fonseca đã đăng ký thành lập các công ty nước ngoài cho các cá nhân/ tổ chức nói trên dưới tên của Mossack Fonseca để che giấu chủ nhân thực sự đứng sau các công ty đó. Nhiều doanh nghiệp đã được đăng ký thành lập trước khi các lệnh trừng phạt quốc tế có hiệu lực. Tuy nhiên, sau khi các công ty này bị Mỹ liệt vào “danh sách đen”, Mossack Fonseca vẫn duy trì mối quan hệ hợp tác.

Ví dụ, Tập đoàn tài chính DCB Finance được thành lập năm 2006 tại British Virgin Islands (BVI). Cùng năm, vì các hoạt động hạt nhân trái phép của Triều Tiên, Bộ Tài chính Mỹ đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với DCB Finance để chặn nguồn tiền “nuôi” các chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng. Tài liệu rò rỉ cho thấy chủ nhân thực sự của DCB Finance là quan chức Triều Tiên Kim Chol Sam cùng nhà tài chính Anh Nigel Cowie (ông này cũng là Giám đốc điều hành Ngân hàng Tín dụng Daedong đang bị Mỹ trừng phạt).

Tuy nhiên, Mossack Fonseca “làm như không hề hay biết” gì về mối quan hệ giữa chủ nhân và giám đốc của DCB Finance với Triều Tiên mãi đến khi công ty luật này bị giới chức British Virgin Islands triệu tập điều tra về một công ty khác mà Mossack Fonseca thành lập có ban giám đốc đến từ Triều Tiên. Sau đó, đến tháng 9/2010, Mossack Fonseca mới rút lui khỏi DCB Finance.

Hợp tác buôn nhiên liệu

Rà soát tài liệu của Mossack Fonseca, người ta cũng phát hiện cái tên Rami Makhlouf - cháu họ Tổng thống Syria Bashar al-Assad, có tài sản lên tới 5 tỷ USD.

Năm 2008, Bộ Tài chính Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt đối với Makhlouf vì cáo buộc người này là “tay trong của Chính phủ“, thao túng hệ thống lập pháp và sử dụng tình báo Syria để “dìm” các đối thủ kinh doanh. Sau khi lệnh trừng phạt có hiệu lực, Mossack Fonseca vẫn tiếp tục đứng tên cho 6 doanh nghiệp của Makhlouf, trong đó có Công ty Drex Technologies. Tài liệu cho thấy, chi nhánh Thụy Điển của Ngân hàng HSBC đã cung cấp các dịch vụ tài chính cho Drex Technologies. Các email trao đổi nội bộ giữa Mossack Fonseca với HSBC Thụy Điển từ tháng 2/2011 cho thấy, Công ty Panama này hoàn toàn biết Makhlouf là cháu Tổng thống Syria và khẳng định “không có gì phải lo ngại”. Song, đến tháng 9/2011, Mossack Fonseca đã cắt mọi mối liên hệ với Rami Makhlouf.

Các nước đang phát triển mấthàng nghìn tỷ USD

Trong một báo cáo công bố mới đây do Tổ chức Minh bạch Tài chính Toàn cầu (GFI) thực hiện, cho thấy, các nước đang phát triển đã “thất thoát 7,8 nghìn tỷ USD vì các hoạt động tài chính sai trái từ năm 2004-2013”.

Nhà kinh tế GFI Joseph Spanjers cho biết, khoảng 80% trong số hàng nghìn tỷ USD đó được giao dịch ngầm, “rửa tiền” thông qua gian lận thương mại.

Trong hơn 40 năm, Mossack Fonseca giúp khách hàng trốn thuế và rửa tiền qua 214.000 công ty ma. Có thể hiểu, Mossack Fonseca góp phần không nhỏ trong số 7,8 nghìn tỷ USD mà các nước đang phát triển bị mất trong 10 năm qua.

B.T

Ngoài ra, Mossack Fonseca cũng cung cấp các dịch vụ kinh doanh cho Công ty Pangates International Corporation Limited trong khi công ty này bị liệt vào “danh sách đen” của Mỹ từ năm 2014. Pangates bị trừng phạt vì cung cấp nhiên liệu cho Chính phủ Syria vận hành máy bay quân sự trong cuộc nội chiến tại nước này. 9 tháng sau đó, Mossack Fonseca vẫn hợp tác với công ty dầu mỏ này. Đến tháng 8/2015, Mossack Fonseca “mới thừa nhận” Công ty Pangates International Corporation Limited nằm trong "danh sách đen".  

Phản ứng về những thông tin trên, phía Mossack Fonseca khẳng định: “Không bao giờ có chuyện chúng tôi cho phép các cá nhân có quan hệ với Triều Tiên và Syria sử dụng công ty của chúng tôi. Chúng tôi có những thủ tục riêng để phát hiện các cá nhân này”. 

Tuy nhiên, hôm qua (5/4), đại diện văn phòng Công tố Panama thông báo mở cuộc điều tra hình sự liên quan đến các thông tin trong Tài liệu Panama nhằm xác minh các hình thức phạm tội, những đối tượng liên quan cũng như những thiệt hại tài chính tiềm tàng. Đồng thời, Tổng thống Panama Juan Carlos Varela khẳng định sẵn sàng hợp tác với bất cứ nước nào trong quá trình điều tra vụ bê bối này. “Chúng tôi là đất nước mở”, ông Juan Carlos Varela nói.

Hôm qua, Bộ Tư pháp Mỹ thông báo đang xem xét các báo cáo về các thỏa thuận và giao dịch tài chính trong "Tài liệu Panama" và nhấn mạnh sẽ đánh giá một cách cẩn trọng mọi cáo buộc nhằm xác định sự tồn tại của các bằng chứng cho thấy có hành vi tham nhũng trốn thuế và các hành vi khác vi phạm luật pháp Mỹ.

Đến chiều 5/4, phía Trung Quốc chưa có phản ứng gì về những thông tin cho rằng, người thân của Chủ tịch Tập Cận Bình cùng con cháu của nhiều quan chức/cựu quan chức cấp cao hợp tác với Mossack Fonseca thành lập các công ty ma. Song, các từ khóa liên quan tới Panama Papers (Tài liệu Panama) đã bị chặn trên mạng xã hội Trung Quốc.

Tại Iceland, hàng nghìn người xuống đường biểu tình yêu cầu Thủ tướng Iceland Sigmundur Gunnlaugsson từ chức sau khi thông tin từ Tài liệu Panama tiết lộ ông cùng vợ sở hữu Công ty Wintris và không báo cáo tài sản này khi chạy đua vào Quốc hội năm 2009.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.