Tình hình cháy, nổ diễn biến phức tạp, khó lường
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm vừa ký báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội về kết quả thực hiện Nghị quyết 99 của Quốc hội tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả chính sách, pháp luật về phòng cháy và chữa cháy (PCCC) năm 2023.
Theo báo cáo, từ ngày 1/10/2022 đến 30/9/2023, cả nước xảy ra hơn 1.900 vụ cháy, làm chết 144 người, bị thương 113 người, thiệt hại về tài sản ước hơn 315 tỉ đồng và 306 ha rừng.
Trong đó, 93 vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng, làm chết 144 người, bị thương 67 người, thiệt hại về tài sản ước tính hơn 280 tỉ đồng. Các vụ cháy xảy ra chủ yếu trong khu dân cư, nhất là loại hình nhà ở riêng lẻ, nhà ở kết hợp với sản xuất kinh doanh.
Qua rà soát, cả nước có 5.805 cơ sở không bảo đảm yêu cầu về PCCC, hơn 8.000 công trình chưa được nghiệm thu về PCCC đã đưa vào sử dụng. Với các công trình này, công an các địa phương kiên quyết xử lý vi phạm, đình chỉ hoạt động và đăng tải công khai thông tin.
Trong công tác thanh tra, kiểm tra về PCCC và cứu hộ cứu nạn, năm 2023, Bộ Công an đã chỉ đạo kiểm tra hơn 510.000 cơ sở, phát hiện gần 250.000 tồn tại, thiếu sót.
Các cơ quan chức năng lập gần 30.000 biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCCC, xử phạt gần 9.000 trường hợp vi phạm hành chính với tổng tiền phạt gần 290 tỉ đồng. Đồng thời, tạm đình chỉ hoạt động gần 4.000 trường hợp và đình chỉ hơn 3.000 trường hợp.
Biến tướng chung cư mini gây nguy cơ mất an toàn rất cao
Theo Bộ trưởng Bộ Công an, hiện bộ chỉ đạo lực lượng công an cả nước chủ trì, phối hợp với các sở, ngành tổng rà soát, kiểm tra an toàn PCCC tại các chung cư, nhà ở nhiều căn hộ, cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ có mật độ người ở cao…
Việc này nhằm đánh giá thực trạng, có ngay các giải pháp hạn chế cháy, nổ và sẽ hoàn thành trước ngày 15/11 để tập hợp báo cáo.
Chính phủ cho hay, tại nhiều địa phương, nhất là đô thị lớn, các hộ gia đình tự ý chuyển đổi công năng từ nhà ở sang nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh chưa được sự cho phép của cơ quan quản lý của Nhà nước.
Một số chủ đầu tư không chấp hành quy định về PCCC, còn nhiều công trình chưa được cấp văn bản nghiệm thu về PCCC đã đưa vào sử dụng.
Trong những nguyên nhân chủ quan được đề cập, Chính phủ cho rằng, nhận thức, ý thức trách nhiệm của địa phương, người đứng đầu các cơ quan về PCCC còn hạn chế.
Một số nơi còn tình trạng buông lỏng quản lý hoạt động xây dựng. Tình trạng xây dựng không phép, sai phép, trái phép xảy ra ở nhiều địa bàn, nhất là các thành phố lớn.
Nhiều loại hình nhà ở riêng lẻ bị người dân tự ý chuyển đổi công năng thành nhà ở nhiều căn hộ (thường gọi chung cư mini), nhà trọ với mật độ người ở cao, nhà kết hợp sản xuất kinh doanh...
Báo cáo chỉ rõ các loại hình "biến tướng" này chưa được pháp luật điều chỉnh cụ thể nên gây khó khăn cho cơ quan quản lý do không được xem xét, cấp phép thiết kế các điều kiện an toàn trước khi đưa vào sử dụng, gây nguy cơ mất an toàn rất cao.
Từ đó, Chính phủ đề nghị, Quốc hội chỉ đạo hoàn thiện hành lang pháp lý cho công tác PCCC. Tăng cường giám sát nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị.
Bên cạnh đó, Chính phủ đề xuất Quốc hội ưu tiên bố trí nguồn vốn cho các dự án đầu tư trong lĩnh vực PCCC, cứu nạn cứu hộ khi xem xét, quyết định việc phân bổ kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn và hàng năm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận