Thị trường

Hơn nửa triệu người mất việc, giảm việc: Tập trung hỗ trợ DN tìm đơn hàng

19/06/2023, 10:04

Số lao động trong doanh nghiệp bị ảnh hưởng việc làm là 509.903 người, Bộ LĐ, TB&XH kiến nghị tập trung hỗ trợ DN tìm đơn hàng mới.

Hơn nửa triệu lao động bị ảnh hưởng việc làm

Ban Nghiên cứu và phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về kết quả khảo sát tình hình người lao động (NLĐ) và một số đề xuất, tham mưu để hỗ trợ người lao động vượt qua khó khăn.

Theo Ban IV, kết quả khảo sát cho thấy, thị trường lao động đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi những biến động kinh tế gần đây.

Cụ thể, trong tổng số 8.343 NLĐ tham gia khảo sát trên cả nước, có 31% đang ở trong tình trạng không có việc làm.

Tỷ lệ này đã giảm so với bối cảnh Covid-19 (62% tại thời điểm tháng 8/2021 và 53% tại thời điểm tháng 10/2021), nhưng theo Ban IV, vẫn còn khá cao, cho thấy bối cảnh nhiều thách thức đối với thị trường lao động.

img

Khó khăn chủ yếu tập trung ở doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo ở một số ngành như dệt may, da giày, sản xuất và lắp ráp linh kiện điện tử, chế biến gỗ…(Ảnh minh hoạ - nguồn NLĐ)

Trao đổi với PV Báo Giao thông về con số trên, đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ, TB&XH) cho rằng, đó chỉ là một khảo sát độc lập trên ý kiến của người lao động. Còn về phía Bộ LĐ, TB&XH đã có những thống kê khá rõ từ các doanh nghiệp.

Cụ thể, trong 4 tháng đầu năm, số lao động trong doanh nghiệp bị ảnh hưởng việc làm là 509.903 người, tương đương khoảng 3,4% tổng số lao động trong doanh nghiệp.

Trong đó, số lao động thôi việc, mất việc làm là 279.409 người (chiếm 54,79% lao động bị ảnh hưởng); số lao động giảm giờ làm là 195.039 người (chiếm 38,25%); số lao động bị ngừng việc, nghỉ việc không lương là 17.003 người (chiếm 3,33%).

Về ngành nghề, số lao động thôi việc, mất việc ngành dệt may bị ảnh hưởng là 68.782 người, da giày 31.653 người, sản xuất linh kiện và sản phẩm điện tử là 45.075 người. Tập trung ở các tỉnh có khu công nghiệp, khu kinh tế lớn như Bình Dương (71.590 người), Đồng Nai (32.450 người), TP.HCM (44.890 người), Bắc Giang (27.500 người), Bắc Ninh (13.990 người), Hải Dương (16.020 người), Hà Nội (46.860 người).

Ngoài ra, số lao động giảm giờ làm là 195.039 người (chiếm 38,25% lao động bị ảnh hưởng); số lao động bị ngừng việc, nghỉ việc không lương là 17.003 người (chiếm 3,33% lao động bị ảnh hưởng).

Theo đại diện Bộ này, việc cắt giảm lao động trong các doanh nghiệp hiện nay chủ yếu là vì lý do kinh tế khó khăn.

“Chính sách tiền tệ thắt chặt nên sức mua sụt giảm, đặc biệt là nhu cầu về các mặt hàng thời trang quần áo, giày dép, thiết bị điện tử cá nhân... khiến nhiều doanh nghiệp trong nước gặp tình trạng hàng tồn kho nhiều không xuất được, không có đơn hàng mới; chi phí sản xuất tăng cao khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam không thể cạnh tranh được; một số thị trường lớn của Việt Nam đặt ra yêu cầu mới về tiêu chuẩn hàng hoá và có sự thay đổi quan điểm thị hiếu của người tiêu dùng nên các doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn để tổ chức, sắp xếp lại hoạt động sản xuất”, Bộ LĐ, TB&XH chỉ ra nguyên nhân.

Dẫn báo cáo xu hướng triển vọng việc làm và xã hội thế giới 2023 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) thì năm 2023 hầu hết các quốc gia sẽ không thể phục hồi hoàn toàn về mức trước đại dịch, việc làm toàn cầu được dự báo chỉ tăng 1%, giảm đáng kể so với tốc độ tăng việc làm 2,3% năm 2022, Bộ LĐ,TB&XH khẳng định, Việt Nam cũng không ngoại lệ tác động trong thời gian tới.

Ứng phó cách nào?

Về giải pháp hỗ trợ lao động và doanh nghiệp, Bộ LĐ,TB&XH cho biết, các chính sách đang thực hiện hỗ trợ NLĐ, doanh nghiệp như: chính sách đối với NLĐ thôi việc, mất việc làm; tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí; hỗ trợ học nghề; chính sách tín dụng ưu đãi tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm; chính sách hỗ trợ đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề cho NLĐ; chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất...

Bên cạnh các chính sách chung của Nhà nước, nhiều doanh nghiệp, tổ chức, địa phương còn có các chính sách hỗ trợ riêng, có lợi cho NLĐ.

“Doanh nghiệp thường có thêm chính sách hỗ trợ thôi việc cho NLĐ, trả lương ngừng việc cao hơn so với quy định; cơ quan lao động tại địa phương tập trung vào việc nắm bắt tình hình để hỗ trợ NLĐ tìm kiếm việc làm mới, đa dạng các hình thức để tăng hiệu quả kết nối cung - cầu lao động hoặc có địa phương căn cứ vào tình hình thực tế có chính sách hỗ trợ NLĐ riêng như Đồng Nai...”, Bộ LĐ, TB&XH cho hay.

Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc tạo việc làm cho người lao động hiện nay, Bộ này cho rằng, cần thúc đẩy các giải pháp để thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Các giải pháp cần tập trung vào hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường, tìm kiếm đơn hàng mới, giảm chi phí sản xuất, kinh doanh thông qua việc giảm lãi suất vay, hỗ trợ giảm thuế, giảm các khoản phí, lệ phí phải đóng.

Ban IV nhận định, để giải quyết các khó khăn, vướng mắc, gia tăng việc làm cho NLĐ, việc quan trọng nhất hiện nay vẫn là phải trợ lực cho doanh nghiệp để doanh nghiệp duy trì và phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh. Từ đó, sẽ hỗ trợ gián tiếp cho NLĐ.

Các nhóm giải pháp Ban IV nêu lên như: Kéo dài thời hạn giảm thuế giá trị gia tăng; giãn, hoãn, giảm các khoản phí liên quan đến bảo hiểm xã hội, kinh phí công đoàn, hay xem xét mức đóng thuế thu nhập cá nhân mới để phù hợp với bối cảnh mới.

Bên cạnh đó, tiếp tục giảm lãi suất ngân hàng và các chính sách về giãn, hoãn, khoanh nợ đồng thời cân nhắc các khoản vay ưu đãi như cho doanh nghiệp vay trả lương cho NLĐ hoặc để đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ tay nghề, giữ chân người lao động,…

Ban này lưu ý: Không ban hành thêm văn bản mới tạo thêm gánh nặng về thuế, phí, thủ tục hành chính cho cả doanh nghiệp và người lao động.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.