Cần dẹp ngay tour giá rẻ biến tướng câu kéo khách
Sau thời gian dài chờ đợi, Chính phủ Trung Quốc cuối cùng cũng đã ra quyết định đưa Việt Nam vào danh sách thí điểm mở cửa du lịch theo đoàn đợt 2, bắt đầu từ 15/3/2023. Vậy, Việt Nam cần làm gì để tận dụng tốt nhất cơ hội này?.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Phạm Hà, Chủ tịch Lux Group, một doanh nghiệp chuyên cung cấp các dịch vụ du lịch hạng sang bày tỏ, đây là tín hiệu tốt với du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, ông lưu ý, muốn tận dụng tốt cơ hội này, doanh nghiệp Việt cần chỉn chu ngay từ đầu.
Ông nhấn mạnh, thời gian khó khăn do Covid-19, nhiều doanh nghiệp đã tạo nên các tour giá rẻ để hút khách. Những tour này chỉ mang tính chất tình thế, có thể yếu về chất và lượng.
Vì thế, cơ hội mở cửa này, nếu chúng ta không làm mới, thay đổi lại sẽ tạo tiền lệ xấu và có thể tạo hiệu ứng ngược với du lịch Việt Nam.
Việc biến tướng thành tour giá rẻ sẽ làm mất hình ảnh Việt Nam trong mắt du khách. Ảnh: Hồng Hạnh
Đồng quan điểm, Chủ tịch HĐQT Vietravel Corporation Nguyễn Quốc Kỳ cho rằng, các doanh nghiệp cần sẵn sàng chuẩn bị, tránh "giẫm đạp lên nhau" hoặc biến tướng thành "tour 0 đồng" để câu kéo khách.
Mặc dù là thị trường du lịch lớn, chiếm gần 1/3 lượng khách quốc tế đến Việt Nam giai đoạn trước dịch, nhưng PGS.TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch thẳng thắn, trong quá trình đón du khách Trung Quốc đã tồn tại những bất cập như xuất hiện “tour 0 đồng” lừa đảo trong mua bán hàng hóa... ảnh hưởng đến hình ảnh thương hiệu du lịch Việt Nam, gây thiệt hại cho ngành du lịch.
Do đó, cơ quan quản lý phải quản lý rất chặt doanh nghiệp, không để lặp lại việc này.
Năm nay, Việt Nam đặt mục tiêu đón 8 triệu du khách quốc tế, nếu tính thị trường Trung Quốc tiếp tục chiếm khoảng 1/3 như trước dịch thì sẽ mong đón gần 3 triệu khách Trung Quốc.
Xác định rõ thị phần, chú trọng vào chất lượng
Để đón bắt cơ hội này, theo PGS.TS Phạm Trung Lương, Việt Nam cần rà soát tất cả những gì chưa phù hợp với đặc điểm thị trường Trung Quốc.
Từ đó cung cấp những dịch vụ, sản phẩm đón khách phù hợp hơn. Nói đơn giản, nếu khách ào ào qua nhưng chúng ta chưa chuẩn bị tốt, khai thác sẽ không hiệu quả.
“Phải thiết kế, xây dựng được sản phẩm, dịch vụ du khách họ cần. Chúng ta mong muốn đón bắt cơ hội này, bứt tốc thì không còn cách nào, phải chuẩn bị thật kỹ để “đón khách đến nhà”. Thái Lan, Indonesia, Singapore… là những đối thủ lớn, họ có nhiều lợi thế và sức cạnh tranh. Chúng ta không thể lơ là!”, ông Lương nói.
Ông Lương phân tích, thị trường Trung Quốc có rất nhiều phân khúc khách khác nhau. Các doanh nghiệp cần xác định nhắm tới phân khúc nào. Khi xác định rõ được vấn đề này thì sẽ có sự chuẩn bị phù hợp với phân khúc đó.
Cần xây dựng hình ảnh Việt Nam không phải điểm đến theo cách xô bồ, đa dạng hoá, chú trọng chất lượng... Ảnh: Hồng Hạnh
“Phần lớn du khách Trung Quốc đến Việt Nam ở phân khúc thấp và trung bình. Một mặt chúng ta rất chào mừng, nhưng mặt khác cũng cương quyết trong quản lý điểm đến, hạn chế các vấn đề tiêu cực từng được phản ánh”, ông Lương cho hay.
Một điểm khác mà vị chuyên gia đặc biệt lưu tâm là, cần xây dựng đa dạng dịch vụ sản phẩm để có thể đón khách quay lại nhiều lần.
Bên cạnh đó, cần tháo về visa, đi lại thuận tiện. Ông nói: "Trung Quốc cũng chưa phải là thị trường được miễn thị thực. Có thể cởi bỏ dần nút thắt này bằng cách miễn thị thực cho một số đối tượng, mở dần chứ không mở “toang”.
Ngoài ra, ông nhấn mạnh, muốn du lịch bền vững cần xây dựng hình ảnh Việt Nam không phải điểm đến theo cách xô bồ. Trong chiến lược phát triển du lịch, chúng ta nêu rõ việc quan tâm nhiều đến chất lượng.
Còn ông Nguyễn Quốc Kỳ lưu ý, chính phủ Trung Quốc chỉ cho phép mở tour, tức là tập trung vào khách đi theo đoàn, không phải mở hoàn toàn du lịch.
Do đó, về nguồn khách, hầu hết là các công ty du lịch tại nước sở tại đưa tới bằng các chuyến charter.
“Khách đi theo dạng charter sẽ "bật dậy" nhanh hơn, sớm hơn đối tượng khách đi theo các chuyến bay thương mại.
Vì thế, vấn đề của Việt Nam là phải chuẩn bị các công ty đủ năng lực để tiếp nhận và cung ứng sản phẩm, dịch vụ cho khách. Nếu không xác định rõ ràng thị phần, cứ nghĩ Trung Quốc mở cửa là tất cả mọi đơn vị ào ào "nhảy vào" khai thác sẽ dẫn đến lộn xộn thị trường”, ông Kỳ nhấn mạnh.
Cũng theo ông Kỳ, khách đi charter thì không gặp nhiều rào cản thủ tục, nhưng đòi hỏi năng lực tiếp nhận của các đơn vị nước sở tại. Điểm đến tiếp nhận, đối tác tiếp nhận, từ điều phối tại các sân bay đến hệ thống xuất nhập cảnh, y tế dự phòng, hệ thống khách sạn, nhà hàng...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận