Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) - một thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới (WBG), sẽ triển khai chương trình tư vấn giúp Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank, mã chứng khoán SSB) phát triển danh mục cho vay cho doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, đẩy mạnh tài trợ khí hậu và nâng cao năng lực quản lý các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị (ESG).
Điều này sẽ góp phần gia tăng hiệu quả các chương trình tín dụng hướng tới phát triển bền vững và bình đẳng giới.
IFC đã tư vấn cho SeABank mở rộng cho vay cho doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ và doanh nghiệp xanh
Cụ thể, IFC sẽ tư vấn cho SeABank xây dựng chiến lược ngân hàng dành cho phụ nữ làm chủ bằng cách thu thập dữ liệu phân tách theo giới và xem xét giới là một phần quan trọng trong quá trình sàng lọc đầu tư và thẩm định, qua đó giúp thu hẹp mức thiếu hụt tài chính, đảm bảo sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) do phụ nữ làm chủ.
Bên cạnh đó, dự án sẽ giúp hỗ trợ nâng cao năng lực của SeABank để phát triển thị trường tài chính dành cho phụ nữ cũng như xây dựng các kế hoạch hành động và can thiệp thông minh về giới phù hợp với chiến lược tăng trưởng của ngân hàng.
Đồng thời, IFC cũng giúp SeABank tăng cường danh mục đầu tư khí hậu, nâng cao năng lực để giám sát và đánh giá hợp lý việc cấp vốn cho các lĩnh vực đó cũng như áp dụng các thủ tục cụ thể để sàng lọc các khoản vay khí hậu có rủi ro môi trường và xã hội cao.
Dự án sẽ xây dựng một hệ thống quản lý ESG tích hợp với mục đích giúp ngân hàng giải quyết các vấn đề ESG cụ thể, nâng cao nhận thức của ban giám đốc và quản lý cấp cao về ESG, hỗ trợ bộ phận kiểm toán nội bộ của ngân hàng đáp ứng các thông lệ quốc tế tốt nhất.
Từ đó, SeABank sẽ tài trợ nhiều hơn cho các công trình xanh và các dự án sử dụng tài nguyên hiệu quả để giúp giảm phát thải khí nhà kính…
Trước đó, cuối tháng 6/2021, IFC và SeABank đã ký kết thỏa thuận cung cấp gói tín dụng lên tới 150 triệu USD nhằm giúp DNNVV, đặc biệt doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ phục hồi và phát triển bền vững sau đại dịch Covid-19.
Gói tài trợ này sẽ gồm 80 triệu USD từ IFC và 50 triệu USD huy động từ các bên cho vay quốc tế, cùng hạn mức tài trợ thương mại 20 triệu USD.
Với mục tiêu bao trùm là gia tăng danh mục cho vay DNVVN của SeABank, tối thiểu 20 triệu USD sẽ được dành cho các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, với hỗ trợ của Quỹ Sáng kiến Tài chính dành cho Nữ Doanh nhân (We-Fi).
Theo đó, tài trợ của IFC sẽ giúp ngân hàng tăng gấp ba dư nợ cho vay DNNVV do phụ nữ làm chủ hiện tại, chiếm khoảng 25% tổng danh mục DNVVN của ngân hàng vào năm 2024.
Khoản đầu tư của IFC giúp SeABank mở rộng hỗ trợ cho nhiều doanh nghiệp hơn
Hạn mức bảo lãnh thương mại trị giá 20 triệu USD của IFC trong khuôn khổ Chương trình Tài trợ Thương mại Toàn cầu (GTFP) sẽ tăng cường năng lực tài trợ của SeABank cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu để giảm thiểu gián đoạn thương mại trước đại dịch hiện nay. Việc tham gia GTFP cho phép SeABank gia nhập mạng lưới trên 500 ngân hàng đối tác tại gần 100 thị trường mới nổi.
Chương trình tư vấn của IFC sẽ giúp tăng cường năng lực đánh giá và quản trị rủi ro môi trường và xã hội, hỗ trợ cho sự phát triển bền vững của SeABank cũng như xác định các khách hàng hiện có đang theo đuổi định hướng phát triển xanh, đánh giá tiềm năng thị trường về các cơ hội xanh trong các ngành chủ chốt.
Trước tình hình đại dịch phức tạp, khoản đầu tư cùng với những tư vấn kịp thời của IFC cho phép SeABank mở rộng hỗ trợ tối đa cho DNNVV cũng như doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, góp phần cho sự ổn định của thị trường tài chính Việt Nam nói chung và hướng đến sự phát triển bền vững, phát triển xanh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận