Ngày 23/12, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Quảng Ngãi (cơ quan quản lý tuyến kênh thủy lợi B3 đoạn qua xã Tịnh Trà, huyện Sơn Tịnh và Bình Chương, huyện Bình Sơn) cho biết, để đảm bảo nước tưới phục vụ sản xuất đông xuân 2022 - 2023 và khắc phục sự cố tuyến kênh thủy lợi bỗng dưng trồi lên khỏi mặt đất, đơn vị đã đào đất dọc 2 bên thành kênh.
Để xử lý sự cố kênh thủy lợi trồi lên khỏi mặt đất sau tiếng nổ lớn, cơ quan quản lý đã... đào đất hai bên thành kênh.
Theo đơn vị này, việc khắc phục này là nhằm giảm áp lực đất tác dụng lên thành kênh. Đồng thời, để “bảo vệ” tuyến kênh có dấu hiệu “nhảy múa”, đơn vị sẽ tổ chức tưới luân phiên các tuyên kênh lấy nước từ kênh B3, tăng cường nguồn nước từ kênh B7-3B để tiếp nước cho đoạn cuối kênh B3-2 và kênh B3-2-19 nhằm giảm áp lực lấy nước từ kênh B3. Về lâu dài sẽ đầu tư xây dựng lại công trình để đảm bảo công tác lưu dẫn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt.
Cũng theo Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Quảng Ngãi, sự cố đối với tuyến kênh B3 bỗng dưng trồi lên gần 0,5m sau tiếng nổ lớn xảy ra vào tháng 10/2022 là do ảnh hưởng của đợt mưa lũ từ ngày 10 - 11/10/2022 và hoàn lưu bão số 5 (từ 13 – 15/10/2022) đã làm tuyến kênh B3 (đoạn từ K2+450 - K5+950) bị đẩy nổi từ 10 - 25cm, riêng đoạn K3+968 - K4+158 bị đẩy nổi từ 30 - 50cm, gây mất an toàn công trình cũng như ảnh hưởng đến năng lực tải nước phục vụ dân sinh và sản xuất cho gần 1.700ha đất nông nghiệp của 10 xã thuộc 2 huyện Sơn Tịnh, Bình Sơn.
Trước đó, Báo Giao thông đã có phản ảnh một đoạn kênh bê tông thủy lợi Thạch Nham ở Quảng Ngãi qua địa bàn huyện Bình Sơn và Sơn Tịnh bỗng dưng trồi lên khỏi mặt đất 0,5m so với kết cấu thiết kế được xây dựng hoàn thiện nhiều năm trước sau tiếng nổ lớn dưới lòng đất khiến người dân hoang mang.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận