Showbiz

Khi cảnh sát làm nghệ sĩ "Vang mãi bản hùng ca"

18/07/2022, 09:55

Đêm nghệ thuật kỷ niệm 60 năm Ngày Truyền thống lực lượng Cảnh sát nhân dân và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh diễn ra khá hoành tráng.

“Vang mãi bản hùng ca – 60 năm Cảnh sát nhân dân Việt Nam” là chương trình nghệ thuật nằm trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát nhân dân Việt Nam (20/7/1962 – 20/7/2022). Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc; Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình; Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an… đã tới tham dự buổi lễ.

img

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, lực lượng CSND luôn dũng cảm chiến đấu, sẵn sàng hy sinh. Ảnh: VGP

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định trong cuộc kháng chiến chống đế quốc xâm lược, Cảnh sát nhân dân đã góp phần quan trọng để miền Bắc là hậu phương lớn vững chắc cho miền Nam, đập tan các cuộc chiến tranh phá hoại nhiều mặt của địch.

Hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ CSND tình nguyện lên đường, sẵn sàng xả thân chiến đấu "Vì miền Nam ruột thịt", cùng toàn quân, toàn dân làm nên những chiến công bất tử, những kỳ tích anh hùng, với đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giành thắng lợi vĩ đại giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

"Cách mạng thành công, lực lượng CSND khắp mọi miền của Tổ quốc đã tích cực tham gia tiếp quản, khắc phục hậu quả chiến tranh, triển khai quyết liệt công tác phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ cuộc sống bình yên cho Nhân dân, trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới, cùng quân và dân cả nước đã tiếp tục kiên cường chiến đấu, hy sinh bảo vệ vững chắc biên cương của Tổ quốc", Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.

Bản hùng ca có nốt trầm

Với 3 chương: Khúc quân hành vì bình yên cuộc sống, 60 mùa xuân – những dấu son rực rỡ và Vang mãi bản hùng ca, chương trình gợi nên hình ảnh của những người chiến sĩ cảnh sát luôn âm thầm, xuyên qua ngày đêm, mùa xuân qua mùa đông để gần dân, canh giấc ngủ cho người dân.

Đảm nhận vai trò Tổng đạo diễn, NSƯT Tuyết Minh thừa nhận bản thân áp lực với một chương trình mang tính chính trị, nhưng lại cần tính nghệ thuật. Chị cố gắng liên kết, dùng sự mềm mại của nghệ thuật kết hợp với tính cứng rắn của chính trị để có thể đạt hiệu quả cao nhất. Đặc biệt, nhấn mạnh nhân tố chính là những chiến sĩ cảnh sát.

img

Các nghệ sĩ tham gia chương trình có cả những chiến sĩ cảnh sát thực sự

Đó cũng là lý do đêm nghệ thuật không chỉ có sự tham gia của nhiều ca sĩ nổi tiếng như NSƯT Thanh Tâm, Khắc Tiệp, Lê Tuân, Thu Hường… mà những “nghệ sĩ” đặc biệt nhất chính là các chiến sĩ cảnh sát của Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động được “điều” đi tập biểu diễn trên sân khấu.

Biên đạo Tuyết Minh dí dỏm tiết lộ, các chiến sĩ thường mang tính tự hào về nghề rất cao. Trong quá trình tập luyện nắng nóng, họ vẫn kiến quyết mặc bộ đồng phục của mình. Do không phải những nghệ sĩ chuyên nghiệp nên quá trình tập luyện của các chiến sĩ cũng tốn nhiều thời gian, mất khoảng 1 tháng.

“Mọi người thường thấy các chiến sĩ cảnh sát, công an khá khó gần, khó tình cảm nhưng khi được nói chuyện trực tiếp với 12 đơn vị, tôi nhận thấy họ khác hoàn toàn với những gì mình nghĩ. Ở họ có sự hy sinh rất lớn, nhất là những lực lượng hình sự, phòng chống ma túy. Không ít chiến sĩ đã âm thầm hy sinh mà không ai biết”, biên đạo Tuyết Minh thổ lộ.

Cũng vì thế, chị quyết định dựng một trích đoạn kịch dựa trên câu chuyện có thật của liệt sĩ người Mông Thao Văn Súa. Anh đã hy sinh trong trận lũ tháng 8/2019 tại Thanh Hóa. Khi đang trên đường đi vận động nhân dân ở những khu vực nguy hiểm di dời đến những nơi an toàn để tránh thiệt hại về người và tài sản, anh đã gặp cơn lũ bất ngờ tràn về cuốn trôi và bị đất đá vùi lấp.

Ca khúc “Những bàn chân lặng lẽ” vang lên, như một nốt trầm trong bản hùng ca về lực lượng CSND. Không chỉ trong thời chiến mà ngay cả trong thời bình, máu của họ vẫn đổ, tạo nên độc lập hòa bình cùng sự đổi mới, bình yên cho đất nước.

Chiến sĩ làm… nghệ sĩ

Công nghệ là điểm nhấn đặc biệt trong đêm nghệ thuật này. Ban tổ chức khá “chịu chơi” khi sử dụng tới 3 công nghệ gồm tương tác lazer, hologram và maping để thể hiện 60 năm “dấu son” của lực lượng cảnh sát nhân dân, cũng như giới thiệu 12 lực lượng. Trong đó có cảnh sát giao thông, cảnh sát môi trường, cảnh sát kinh tế, cảnh sát trại giam…

img

Công nghệ là điểm nhấn của đêm nghệ thuật "Vang mãi bản hùng ca – 60 năm Cảnh sát nhân dân Việt Nam”

Đây là lần hiếm hoi, những chiến sĩ cảnh sát, thậm chí cả những vị tướng của Bộ Công An lên sân khấu và trở thành “nghệ sĩ” biểu diễn, để giới thiệu và tôn vinh những cống hiến của lực lượng cảnh sát nhân dân.

Đó là Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc và nhiều chiến sĩ khác đã không ngại vất vả để quay những hình ảnh phục vụ cho phần trình diễn bằng công nghệ thực tế ảo Hologram.

“Nhiều vị lãnh đạo trong ngành khi đến quay hình, cảm giác rất khó tính, nghiêm túc nhưng khi vào diễn lại rất “máu”. Các lãnh đạo còn hỏi xem họ đã diễn bằng Trần Nhượng chưa, nếu không để làm lại”, NSƯT Tuyết Minh kể.

Theo tiết lộ, phần ghi hình để phục vụ cho sử dụng công nghệ hologram khá kỳ công. Như để ghi hình lực lượng kỵ binh, thậm chí phải điều động xe từ Thái Nguyên chở ngựa xuống Hà Nội để phục vụ công việc dàn cảnh, quay hình. Các chiến sĩ cũng thực hiện đu dây thật cho phân cảnh đu dây từ trực thăng (tạo bằng công nghệ ảo) xuống sân khấu.

Lý giải việc lựa chọn nhiều loại hình công nghệ tốn kém cho chương trình, Tổng đạo diễn Tuyết Minh cho biết hiện nay trong thời kỳ công nghệ số. lực lượng cảnh sát cũng thể hiện rõ tính công nghệ và chuyển đổi số. Điển hình chiến dịch cấp thẻ căn cước gắn chip cho người dân cả nước.

Đảm nhận phần công nghệ, anh Trần Chương cho biết ê-kíp chỉ có 9 ngày để thực hiện toàn bộ phần công nghệ. Anh tâm sự, điều khó nhất là kết hợp 3 công nghệ với nhau sao cho ấn tượng nhất mà không bị rối. Mỗi nội dung sử dụng một phương thức công nghệ khác nhau để truyền đạt.

Trên sân khấu, phần đồ họa thực tế ảo của hologram kết hợp với những diễn viên múa thực tương tác với các nhân vật ảo tạo nên không gian khá lạ mắt.

“Tôi chỉ có hơn 1 tuần để giải quyết toàn bộ phần hình ảnh cho chương trình. Vì liên quan đến chính trị nên khi quay rất khó. Phải làm sao để đồ họa thị giác không làm chương trình bị chán hay khô cứng là một thách thức”, anh Chương bộc bạch.

Điều đó khiến anh Chương “mất ăn mất ngủ”. Anh cùng ê-kíp đã “cày” ngày đêm để có thể hoàn thiện toàn bộ phần thiết kế visual art cũng như phần hologram, tương tác lazer, maping, làm sao để 3 công nghệ kết hợp thể hiện rõ nhất ý tưởng kịch bản của chương trình.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.