Vận tải

Khó khăn bủa vây vận tải khách, gỡ cách nào?

16/11/2021, 06:08

Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, cho vay mới... tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị kinh doanh vận tải bị ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Tâm lý người dân còn e ngại di chuyển khiến lượng khách đi xe rất vắng, dù được phép hoạt động nhưng lưu lượng phương tiện của doanh nghiệp đưa vào khai thác rất thấp…

Báo Giao thông trao đổi với bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh vận tải sớm thoát khỏi tình cảnh khó khăn hiện nay.

img

Bà Phan Thị Thu Hiền

Lượng khách vận chuyển thấp

Bà đánh giá thế nào sau gần 1 tháng mở lại hoạt động vận tải khách đường bộ gắn với nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 và bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội?

Ngay sau khi Bộ GTVT ban hành Quyết định 1812 ngày 16/10/2021 hướng dẫn tạm thời về tổ chức hoạt động vận tải của 5 lĩnh vực, Tổng cục Đường bộ VN đã có nhiều văn bản yêu cầu các sở GTVT triển khai thực hiện và báo cáo rõ những khó khăn, vướng mắc để kịp thời khắc phục.

Chúng tôi cũng đề nghị các tỉnh, thành phố tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động vận tải thông suốt mọi lúc, mọi nơi để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân cũng như nhu cầu sản xuất kinh doanh trên cả nước.

Đến thời điểm hiện nay, hoạt động vận tải đường bộ đang dần trở lại trạng thái bình thường mới.

Hiện nay, 100% Sở GTVT đã triển khai Quyết định 1812 của Bộ GTVT đến các đơn vị kinh doanh vận tải, các bến xe, trạm dừng nghỉ, các đơn vị có liên quan.

Vận tải hành khách nội tỉnh bằng xe buýt, taxi, xe hợp đồng, du lịch cũng được các tỉnh, thành phố cho phép hoạt động và các sở GTVT đã triển khai đưa các loại hình này tại địa phương vào hoạt động.

Phải khẳng định, Quyết định 1812 của Bộ GTVT giúp từng bước khôi phục lại vận tải khách liên tỉnh, phù hợp với công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Việc này cũng bảo đảm an toàn, thống nhất giữa các tỉnh, thành phố và kết nối hiệu quả giữa các phương thức vận tải, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế.

Thời gian qua doanh nghiệp phản ánh vẫn còn tình trạng các địa phương có cách kiểm soát dịch bệnh khác nhau, điều này tác động thế nào đến vận tải khách liên tỉnh, thưa bà?

Kể từ khi thực hiện theo Quyết định 1812, 100% Sở GTVT đã xây dựng phương án khai thác tuyến vận tải khách liên tỉnh, gửi lấy ý kiến của Sở đầu đối lưu để thống nhất, triển khai thực hiện và đã tổ chức khai thác tuyến.

Về kết quả cụ thể, từ ngày 16/10 - 7/11, đã có 58 Sở GTVT đưa các tuyến vận tải khách liên tỉnh vào hoạt động với tổng số tuyến đang khai thác hơn 3.200 tuyến, số chuyến xe hoạt động thực tế hơn 33.000.

Tổng số xe hoạt động hơn 9.600 xe với tổng số khách vận chuyển đạt gần 185.000 khách, bình quân hơn 8.000 khách. Riêng tỉnh Hà Giang đã dừng khai thác tuyến từ ngày 1/11 do dịch bùng phát mạnh trở lại.

Những con số bà vừa nêu ra cho thấy, số lượng khách vận chuyển còn khá thấp so với bình thường?

Đúng vậy, lưu lượng hành khách đi lại tại địa phương rất ít, chủ yếu những người dân còn mắc kẹt lại trong thời gian thực hiện giãn cách, đi từ các vùng dịch trở về.

Tình hình dịch Covid-19 tại một số tỉnh, thành phố vẫn còn diễn biến phức tạp, số ca mắc Covid-19 vẫn còn tăng hàng ngày. Người dân còn e ngại ra đường, lo ngại lây nhiễm từ cộng đồng khi đi phương tiện xe khách công cộng nên hoạt động vận tải bị ảnh hưởng lớn.

Hành khách vẫn còn lo sợ tình hình dịch bệnh Covid-19, chỉ đi lại khi thực sự cần thiết.

Việc khách ít khiến hoạt động của doanh nghiệp chưa hiệu quả. Do thời gian giãn cách dài, nhiều doanh nghiệp vẫn hoạt động kiểu thăm dò, chưa mạnh dạn xây dựng phương án để khai thác trở lại.

Một số đơn vị kinh doanh vận tải đã đăng ký nhưng vẫn chưa đưa phương tiện vào khai thác.

Do không đủ chi phí, nhiều đơn vị kinh doanh vận tải hành khách vẫn còn khá dè dặt tăng chuyến. Lượng phương tiện tham gia hoạt động vận tải không nhiều, doanh nghiệp vận tải chưa mạnh dạn đưa xe vào bến xe để hoạt động trở lại.

Chính vì vậy, khi được phép hoạt động một số tuyến, lưu lượng phương tiện vào bến rất thấp. Bên cạnh đó, tỷ lệ tiêm đủ liều vaccine của lái xe, nhân viên phục vụ trên xe tại địa bàn một số tỉnh còn thấp cũng ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của doanh nghiệp.

Thống nhất cấp độ dịch, đẩy nhanh hỗ trợ doanh nghiệp

img

Do không đủ chi phí, nhiều đơn vị kinh doanh vận tải hành khách vẫn còn khá dè dặt tăng chuyến (Trong ảnh: Cảnh vắng vẻ ở khu vực đón khách của bến xe Giáp Bát, Hà Nội) Ảnh: Tạ Hải

Theo bà, các biện pháp kiểm soát dịch khác nhau của các địa phương đang ảnh hưởng thế nào đến kết quả vận tải khách liên tỉnh?

Nhiều địa phương chưa đánh giá cấp độ dịch đến cấp xã/phường/thôn để đăng lên trang web của Sở Y tế. Việc cấp độ dịch tại các địa phương thay đổi thường xuyên cũng gây khó khăn trong việc kết nối lại các loại hình vận tải.

Cùng đó, hiện nhiều bến xe có tuyến liên tỉnh liên quan thuộc xã/phường đang ở cấp độ dịch thay đổi khó chủ động cho triển khai hoạt động lại tuyến vận tải.

Không những vậy, việc áp dụng biện pháp cách ly y tế đối với hành khách về từ vùng dịch tại các địa phương khác nhau nên rất khó khăn trong việc tổ chức vận tải.

Khi các đơn vị kinh doanh vận tải hoạt động tuyến đường dài, phương tiện di chuyển dừng, đỗ trả khách dọc đường cũng rất khó kiểm soát.

Hiện còn có tình trạng nhiều người dân bắt xe dọc đường, đi xe dù, bến cóc nên việc quản lý công dân từ các vùng có dịch về địa phương khó khăn.

Vậy theo bà, để vận tải khách vừa hoạt động trở lại bình thường vừa đảm bảo phòng, chống dịch an toàn, cần phải làm gì?

Tổng cục Đường bộ VN đã báo cáo Bộ GTVT kiến nghị Bộ Y tế chỉ đạo Sở Y tế địa phương đánh giá kịp thời cấp độ dịch đến cấp xã/phường/thôn tại các địa phương và đăng trên trang thông tin điện tử của Sở Y tế để Sở GTVT, các đơn vị kinh doanh vận tải, các bến xe tại địa phương tra cứu và thống nhất tổ chức hoạt động vận tải phù hợp theo quy định.

Chúng tôi cũng đề nghị các địa phương có kế hoạch tiếp tục tập trung phân bổ vaccine và khẩn trương tiêm cho lái xe, nhân viên phục vụ và cán bộ công nhân viên tại bến xe, trạm dừng nghỉ để đảm bảo nguồn lực tham gia hoạt động vận tải, gắn với công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Cùng đó, chúng tôi cũng kiến nghị Bộ Tài chính chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, tạm thời giữ nguyên nhóm nợ cho các đơn vị vận tải bị ảnh hưởng của dịch; đồng thời cho vay mới để ổn định sản xuất kinh doanh, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị kinh doanh vận tải bị ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Cảm ơn bà!

Hiện còn 5 Sở GTVT là Bình Phước, Kiên Giang, Quảng Nam, Sóc Trăng, Bạc Liêu căn cứ theo tình hình cấp độ dịch tại địa phương, dự kiến trước đây từ ngày 8/11 sẽ đưa phương án khai thác các tuyến vận tải liên tỉnh vào hoạt động. Tuy nhiên, do dịch bùng phát mạnh, cấp độ dịch công bố đã chuyển sang màu đỏ, màu cam ở một số khu vực nên các tỉnh này tạm dừng vận tải khách liên tỉnh.

img

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.