Chất lượng sống

Không ăn hải sản tầng đáy trong vòng 20 hải lý

21/09/2016, 08:24

Hải sản 4 tỉnh miền Trung có phenol, bao gồm: Ghẹ, tôm, tôm tít, ốc, mực, cá đuối, cá đục, bạch tuộc, cua đá.

cabien-6842-1474336148
Không ăn hải sản tầng đáy trong vòng 20 hải lý (Ảnh minh họa)

Sáng 20/9, liên Bộ TN&MT, Y tế và NN&PTNT tổ chức công bố thông tin về môi trường biển và việc khai thác sử dụng hải sản tại vùng biển Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế...

Theo đó, Bộ TN&MT cho biết, việc kiểm soát chặt chẽ các nguồn phát thải từ Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh và do cơ chế làm sạch tự nhiên của môi trường, hàm lượng các chất ô nhiễm từ sự cố môi trường đã giảm theo thời gian. Kết quả quan trắc môi trường cho thấy, chất lượng môi trường nước biển tại tất cả các khu vực được quan trắc nằm trong giới hạn của quy chuẩn Việt Nam, đạt quy chuẩn đối với vùng bãi tắm, thể thao dưới nước, nuôi trồng thủy sản và bảo tồn thủy sinh.

Về chất lượng hải sản, Bộ Y tế thông tin, kết quả phân tích mẫu từ bốn tỉnh miền Trung và ba tỉnh nhóm chứng đều không phát hiện xyanua (chất được xác định là một trong những nguyên nhân gây cá chết hàng loạt). Ngoài ra, các chỉ số: Thủy ngân, cadimi, chì, crom, asen và sắt trong mẫu hải sản đều nằm trong giới hạn cho phép, đảm bảo an toàn theo quy định.

Tuy nhiên, Bộ Y tế cũng cho biết, vẫn phát hiện 132/1.040 mẫu hải sản của bốn tỉnh miền Trung có phenol, bao gồm: Ghẹ, tôm, tôm tít, ốc, mực, cá đuối, cá đục, bạch tuộc, cua đá (đây là những loài hải sản sống ở tầng đáy).

Tỷ lệ mẫu nhiễm cao nhất tại Hà Tĩnh, Quảng Bình và thấp nhất tại biển Lăng Cô (Thừa Thiên - Huế). Từ đây, Bộ Y tế kết luận tất cả hải sản như: Cá ngừ, cá thu, cá nục các loại, cá chỉ vàng, cá bạc má, cá hố, cá bò, cá cam, cá trích, cá đối, cá cơm và các loại hải sản khác sống ở tầng nổi, hải sản tại đầm nuôi của bốn tỉnh miền Trung đều đảm bảo an toàn để sử dụng làm thực phẩm. Các hải sản như: Ghẹ, tôm, tôm tít, ốc, mực, cá đuối, cá đục, bạch tuộc, cua đá là những loài hải sản sống ở tầng đáy trong vòng 13,5 hải lý chưa đảm bảo an toàn cho sử dụng làm thực phẩm.

Do đó, để đảm bảo an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng, Bộ Y tế đề nghị không sử dụng các loại hải sản vừa nêu và các loại hải sản khác sống ở tầng đáy trong vòng 20 hải lý. Thời gian tới, Bộ Y tế tiếp tục lấy mẫu các loại hải sản có phát hiện phenol và hải sản khác ở tầng đáy trong vòng 20 hải lý để tiến hành giám sát xét nghiệm.

Bộ NN&PTNT khuyến cáo ngư dân chưa khai thác tại ba khu vực biển: Hòn Sơn Dương, tỉnh Hà Tĩnh (cách bờ 1,5km với diện tích khoảng 300km2), cửa Nhật Lệ - Quảng Bình (diện tích khoảng 330km2), hòn Sơn Chà - Thừa Thiên - Huế (diện tích khoảng 160km2). Đồng thời, không sử dụng các nghề khai thác tầng đáy trong vùng biển 20 hải lý trở vào bờ thuộc các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.