Trái Đất đang ngày càng trở nên độc hại vì thói quen tiêu dùng của con người - ảnh chỉ có tính chất minh họa, nguồn Sputnik/Fotolia.
Ngày 16/1, hãng thông tấn Sputnik (Nga) dẫn kết quả công trình nghiên cứu của một nhóm tác giả, được công bố trên tạp chí khoa học Frontiers in Conservation Science cho rằng, Trái Đất đã bước vào kỷ nguyên đại tuyệt chủng lần thứ 6.
Nguyên nhân chính là vì môi trường. Đây là vấn đề mà chúng ta đã biết từ rất lâu nhưng vẫn còn thờ ơ và xem nhẹ. Nhóm nghiên cứu bao gồm 17 nhà sinh thái học, khí hậu học hàng đầu thế giới đã nghiên cứu khoảng 150 công trình từ các trường đại học hàng đầu thế giới về biến đổi môi trường và nhận thấy phải nâng cao mức dự báo về thảm hoạ nhân tạo, khí hậu sắp xảy ra.
Các nhà khoa học cho rằng việc Trái Đất đã đi trên con đường đại tuyệt chủng lần thứ 6 là điều không thể chối cãi về khoa học. Điều kiện thế giới biến đổi theo hướng nguy hiểm hơn nhiều so với những gì chúng ta tưởng, do đó chỉ trong vài thập kỷ tới, có khoảng 20% tổng số loài sẽ bị đe doạ tuyệt chủng.
Theo một trong số các nhà khoa học là Giáo sư Corey Bradshaw của Đại học Flinders ở Australia, quy mô đe dọa với sinh quyển và tất cả các dạng sống của nó lớn đến mức mọi người không thể nhận thức được toàn bộ chiều sâu của vấn đề hiện tại, kể cả với các chuyên gia nắm giữ nhiều thông tin.
Giới chuyên gia chỉ ra một số nguyên nhân: do sự suy thoái đất vì dân số tiếp tục tăng lên, xu hướng gia tăng sử dụng các hợp chất tổng hợp và nhựa dùng một lần nguy hại, khiến tình trạng độc hại của Trái đất càng trầm trọng.
Qua đây, các nhà nghiên cứu kêu gọi các nước trên thế giới cần phải giảm bớt những quan điểm phải tăng trưởng kinh tế liên tục, đánh giá đúng những yếu tố môi trường bên ngoài, hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch…
Nếu không, người dân trên Trái Đất sẽ phải đối mặt với "một tương lai khủng khiếp do tuyệt chủng hàng loạt, suy giảm sức khỏe và nhiều cú sốc khác do biến đổi khí hậu” – nhóm khoa học về môi trường cảnh báo.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận