Xã hội

Kịch bản ứng phó khi quá tải bệnh nhân Covid-19

21/07/2021, 14:00

TP.HCM quá tải hệ thống bệnh viện, bị động trong việc quản lý, sử dụng nguồn lực y tế thể hiện rõ khi nhiều trường hợp F0 có biến chứng nặng.

Cùng với TP.HCM, hàng loạt tỉnh, thành khác đang thực hiện giãn cách xã hội nhằm mục tiêu cắt đứt nguồn lây nhiễm Covid-19…

Trong khi đó, lãnh đạo Bộ Y tế nhận định, tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, dự kiến 5 - 7 ngày nữa tiếp tục gia tăng số ca mắc mới, số bệnh nhân nặng. Các địa phương sẵn sàng cho kịch bản “xấu và xấu hơn” thế nào?

img

Dịch Covid-19 lan rộng tại TP.HCM và nhiều tỉnh, thành phía Nam (Trong ảnh: Lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc Covid-19 tại TP HCM)

Ca nhiễm tăng nhanh, làm gì để tránh quá tải?

Hơn 10 ngày sau khi TP.HCM thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, số ca nhiễm Covid-19 vẫn lên đến hàng nghìn ca/ngày. Tính đến 20/7, TP.HCM đã ghi nhận hơn 36 nghìn ca nhiễm.

Chia sẻ với PV Báo Giao thông, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhận định: Số ca mắc mới ở “điểm nóng” TP.HCM tăng cao cho thấy ngành y tế đang kiểm soát được dịch Covid-19, bởi đã thực hiện đồng bộ công tác xét nghiệm, phát hiện sớm ca nhiễm. Tuy nhiên, số lượng bệnh nhân tăng nhanh mỗi ngày khiến TP.HCM thực sự quá tải!

“Với quy định về cách ly F1 tại nhà và giảm thời gian điều trị cho bệnh nhân Covid-19 do Bộ Y tế mới ban hành không chỉ áp dụng cho các vùng dịch như TP.HCM mà thực hiện ở tất cả các địa phương. Nếu áp dụng sẽ giúp giảm tải được 1/3 trường hợp cách ly điều trị trong cơ sở y tế, nhường chỗ cho các bệnh nhân mới”, ông Sơn nói.

Còn PGS.TS. Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi T.Ư cho rằng, TP.HCM quá tải hệ thống bệnh viện, bị động trong việc quản lý, sử dụng nguồn lực y tế thể hiện rõ khi nhiều trường hợp F0 có biến chứng nặng chưa được chuyển đến bệnh viện để điều trị kịp thời.

Chính vì vậy, các địa phương, trong đó có Hà Nội cần phải rút ra bài học kinh nghiệm trong việc sử dụng, điều phối nguồn lực y tế một cách hợp lý nhất, tránh bị động.

“Cần phải đặc biệt chú trọng vai trò của hệ thống y tế dự phòng, tức là CDC các tuyến. Thực tiễn cho thấy, có thể giao cho đội ngũ y tế dự phòng, y tế cơ sở, y tế tư nhân cùng chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể kết hợp nguồn lực sẵn có của người dân để quản lý và theo dõi ngoài bệnh viện (tại nhà, khu cách ly tập trung, khách sạn, bệnh viện dã chiến…) khoảng 84% số người nhiễm không triệu chứng hoặc rất nhẹ.

Còn hệ thống bệnh viện chỉ cần chịu trách nhiệm cho khoảng 16% bệnh nhân mức độ trung bình, nặng và nguy kịch thì mới đáp ứng được yêu cầu giảm biến chứng, giảm tử vong. Việc thực hiện cách ly F1, F0 tại nhà cần có sự hỗ trợ của ứng dụng CNTT, bản đồ hóa, kết nối dữ liệu điều phối trung tâm... “, ông Nhung nhận định.

Chia sẻ bài học từ công tác phòng chống dịch tại TP.HCM, PGS.TS. Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng: Bài học quan trọng đặt ra là phải phát hiện sớm nguy cơ, ca bệnh Covid-19, tránh để dịch lan rộng. Tiếp đến là thực hiện nghiêm giãn cách cộng đồng.

Trong quá trình giãn cách, các hoạt động khác cần đảm bảo, tránh gây ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân như không để ách tắc hàng hóa, thiếu thốn lương thực, thực phẩm; hoặc tránh tụ tập đông đúc tại các điểm lấy mẫu xét nghiệm, tiêm phòng vaccine…

“Các địa phương diễn biến dịch chưa phức tạp nên thực hiện cách ly F1 tại nhà nhằm đảm bảo giảm tải cho ngành y tế, vừa giảm chi phí, tạo tâm lý tốt cho người cách ly và ngăn lây nhiễm chéo tại các khu cách ly tập trung. Hơn nữa, cũng dự phòng cho tình huống xấu có thể xảy ra như tại TP.HCM”, ông Phu nhấn mạnh.

Sẵn sàng cho kịch bản “xấu và xấu hơn”

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, dịch Covid-19 lần này diễn biến vô cùng phức tạp, nhất là khu vực phía Nam. Riêng tại TP.HCM, số ca mắc trung bình trong 7 ngày qua khoảng 1.500 ca/ngày, có xu hướng gia tăng từng ngày. Các ca mắc được phát hiện tại tất cả các quận, huyện và 309/312 phường.

Tỉnh Bình Dương, trong 7 ngày gần đây số ca mắc vẫn ở mức cao, trung bình khoảng 140 ca/ngày. Tỉnh có 9 chuỗi lây nhiễm với 11 ổ dịch liên quan đến TP.HCM và 7 ổ dịch được phát hiện qua giám sát cộng đồng.

Hơn bao giờ hết, sự cộng tác của mỗi người dân là chìa khóa quan trọng trong phòng, chống dịch Covid-19. Ngay lúc này, người dân không đi các tỉnh, không tập trung đi chợ, tới chỗ đông người không cần thiết; đặc biệt là với người già, người có bệnh lý nền.
Bên cạnh đó, tiêm vaccine phòng Covid-19 vừa là quyền lợi và trách nhiệm của mỗi người, khi có điều kiện nên sẵn sàng tiêm vaccine.
PGS.TS. Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế)


Tỉnh Long An có 29 chuỗi lây nhiễm, trong đó 17 chuỗi cơ bản được kiểm soát. Trong 7 ngày gần đây, số ca mắc mới có xu hướng gia tăng, xuất hiện các ổ dịch mới.

Tỉnh Đồng Nai có 9 chuỗi lây nhiễm, trong đó ghi nhận nhiều ca mắc nhất là chuỗi lây nhiễm liên quan đến TP.HCM như chợ đầu mối Hóc Môn và chợ Bình Điền.

“Thời gian tới, đặc biệt là 5 - 7 ngày nữa, tình hình diễn biến phức tạp, số bệnh nhân nặng có thể gia tăng”, ông Long nhận định.

Theo chia sẻ của lãnh đạo Bộ Y tế, về hậu cần cho phòng chống dịch, Bộ Y tế đã thành lập kho dã chiến trang thiết bị, vật tư tiêu hao tại TP.HCM với khoảng 2.000 máy thở cùng nhiều trang thiết bị, dụng cụ phòng hộ đối với nhân viên y tế.

Bộ Y tế cũng đã báo cáo và xin ý kiến Chính phủ ban hành nghị quyết về mua sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị phòng chống dịch Covid-19.

Quán triệt phương châm “4 tại chỗ”, Bộ Y tế đề nghị các địa phương phải chủ động công tác hậu cần đối với trang thiết bị, đặc biệt trang thiết bị xét nghiệm, điều trị (theo hướng dẫn của Bộ Y tế) trong tình huống dịch có mức nguy cơ cao hơn để sẵn sàng đáp ứng.

Đồng thời, yêu cầu tất cả các bệnh viện hạng 2, hạng 3 (tuyến huyện và tương đương) phải thiết lập hệ thống oxy trung tâm, kiểm soát lại toàn bộ quá trình thiết lập, chuẩn bị các giường hồi sức tại các bệnh viện này.

Các bệnh viện tuyến tỉnh thiết lập tối thiểu 50 giường cấp cứu, hồi sức tích cực để điều trị bệnh nhân nặng theo phân tầng điều trị.

Ngoài ra, Bộ Y tế thành lập các trung tâm hồi sức tích cực tại các khu vực, do Bộ Y tế trực tiếp chỉ đạo, đồng thời, thành lập 25 xe xét nghiệm lưu động với công suất khoảng 2.000 mẫu đơn RT-PCR/ngày để hỗ trợ không chỉ cho các địa phương nguy cơ cao mà tiến hành sàng lọc, tầm soát tại những khu vực an toàn.

“Đợt dịch này không như các lần trước, Bộ Y tế đã báo cáo Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, đang chuẩn bị cho kịch bản “xấu và xấu hơn”, ông Long nhấn mạnh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.