Hạ tầng

Kích hoạt 120 ngày đêm đưa 4 dự án cao tốc cán đích

Các ban quản lý dự án, nhà thầu đều bày tỏ quyết tâm cao nhất, thậm chí có nhà thầu khẳng định sẽ không cần đến 120 ngày.

Sau khi Bộ GTVT tổ chức phát động thi đua “120 ngày đêm thông xe kỹ thuật 4 dự án đường bộ cao tốc Mai Sơn - QL45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây”, không khí thi công trên công trường thêm khẩn trương, hối hả.

img

Không khí hối hả, khẩn trương trên công trường thi công cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - QL45. Ảnh: Tạ Hải

Tăng ca kíp, làm xuyên đêm

Ghi nhận thực tế trên đoạn tuyến Mai Sơn - QL45, tại gói thầu xây lắp XL10, XL11 và XL14, các nhà thầu đang tích cực thi công đẩy nhanh tiến độ. Ở gói thầu XL10, phần hầm Tam Điệp đã cơ bản hoàn thành, đường nối 2 bên hầm đang được thảm nhựa, gia cố mái ta luy dương hai bên đường.

img

Phó thủ tướng Lê Văn Thành và lãnh đạo Bộ GTVT chứng kiến lễ ký kết giao ước thi đua tại buổi lễ phát động thi đua 120 ngày “nước rút” (Ảnh: TTXVN)

Ông Đỗ Mạnh Hà, Chỉ huy gói thầu XL10 (thuộc Văn phòng điều hành dự án Mai Sơn - QL45, thuộc Ban QLDA Thăng Long) cho biết, gói thầu có chiều dài 15,388km.

Hiện nay đường hai bên hầm Tam Điệp đã thảm xong 2 lớp nhựa với chiều dài 1,5km. Giá trị sản lượng thi công đạt 1.196,860/ 1.720,250 tỷ đồng tương đương 69,57%, đáp ứng yêu cầu.

Tại gói thầu XL14 do liên danh Vinaconex và Công ty Trung Nam E&C thi công, ông Dương Mạnh Tuấn, Phó giám đốc Ban điều hành liên danh gói thầu cho hay, tổng chiều dài của gói thầu là 19,47km, trên tuyến có 14 cầu. Hiện đơn vị đang nỗ lực hoàn thiện các cầu, riêng phần đường làm kiểu “cuốn chiếu”, có 19 mũi thi công ngày đêm. Hiện tại, tổng sản lượng đạt 66,6%, bám sát tiến độ cam kết.

img

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Danh Huy phát biểu tại buổi lễ phát động thi đua 120 ngày “nước rút”

Theo Ban QLDA Thăng Long, dự án Mai Sơn - QL45 dài 63,37km, hiện đã hoàn thành toàn bộ công tác GPMB. Giá trị sản lượng thực hiện từ khi khởi công đến ngày 5/9 vừa qua đạt 69,5%.

“Cầu đã cơ bản hoàn thành kết cấu phần dưới, đang thi công kết cấu phần trên, tổng sản lượng đạt 84,2% hợp đồng. Phần hầm đạt 83,1% hợp đồng, trong đó hầm Tam Điệp đang hoàn thiện hệ thống chiếu sáng, hầm Thung Thi đang đúc bê tông vỏ hầm”, đại diện Ban QLDA Thăng Long thông tin và cho biết thêm, dự án phấn đấu thông xe kỹ thuật trước 31/12/2022.

Tăng tốc giải ngân, tiếp thêm nguồn lực

Tương tự, trên công trường dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn qua Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, tranh thủ thời tiết thuận lợi, việc thi công được các nhà thầu triển khai đồng loạt tại các gói thầu.

Dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 có tổng chiều dài 652,86km được chia thành 11 dự án thành phần (3 dự án đầu tư PPP và 8 dự án đầu tư công).
Đầu năm 2022, dự án thành phần Cao Bồ - Mai Sơn dài 15,2km đã đưa vào khai thác, 10 dự án còn lại đang tiếp tục triển khai theo kế hoạch.
Dự kiến, trong năm 2022 có 4 dự án hoàn thành: Mai Sơn - QL45 (dài 63,4km), khởi công tháng 9/2020, kế hoạch hoàn thành tháng 12/2022; Cam Lộ - La Sơn, dài 98,3km, khởi công tháng 9/2019, kế hoạch đưa vào khai thác đồng bộ toàn dự án trong năm 2022; Vĩnh Hảo - Phan Thiết, dài 100,8km, khởi công tháng 9/2020, kế hoạch hoàn thành tháng 12/2022; Phan Thiết - Dầu Giây dài 99km, khởi công tháng 9/2020, kế hoạch hoàn thành tháng 12/2022.

22h tối 11/9, đoạn tuyến Km 59+800-Km 60+400 (gói thầu XL06) vẫn rền vang tiếng máy. Dưới ánh đèn, từng mũi thi công của nhà thầu Thành Phát nối nhau hoàn thiện dứt điểm nền móng đoạn tuyến này.

Theo ông Nguyễn Dương Ngọc, Chỉ huy trưởng nhà thầu, chỉ cần 4 ngày nắng ráo, những mét nền đất cuối cùng này sẽ hoàn thiện. Thành Phát tăng cường thêm 1 máy thảm cấp phối đá dăm và tập trung 4 mũi thi công, tăng ca, làm xuyên đêm để sẵn sàng công địa cho các mũi thảm bê tông nhựa từ ngày 20/9 tới.

Chỉ vài tháng trước, gói thầu XL06, XL05 được đưa vào danh sách “báo động tiến độ” do khan hiếm vật liệu đất đắp, mưa kéo dài, nguy cơ “vỡ trận”. Nhưng đến nay, nhà thầu tập kết vật liệu đạt 80%, việc cán đích cuối tháng 10/2022 là rất khả thi.

Theo ông Nguyễn Vũ Quý, Giám đốc Ban QLDA đường Hồ Chí Minh, đến nay toàn dự án đạt gần 95% tiến độ. Hầu hết các nhà thầu đang tăng ca, kíp, nỗ lực tối đa cho mục tiêu đưa dự án vào khai thác từ tháng 11/2022, trở thành dự án tiên phong trong “chiến dịch 120 ngày đêm”.

“Không chỉ đẩy tiến độ, Ban tăng cường các cán bộ chuyên trách đôn đốc, hỗ trợ nhà thầu đẩy nhanh khâu giải ngân”, ông Quý thông tin.

“Có thể không cần đến 120 ngày!”

Không khí khẩn trương, hối hả cũng đang diễn ra tại công trường cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết.

Theo ghi nhận sáng 12/9, đoạn cuối tuyến, ngay nút giao giữa đường cao tốc với ĐT718, nhà thầu đã huy động thiết bị, máy móc để thi công thảm bê tông nhựa cho một đoạn dài gần 2km. Những chiếc xe lu rầm rập chạy qua lại, mặt đường bóng lên, đen nhánh bởi những lớp nhựa đường vừa thảm.

Anh Nguyễn Văn Thức, Chỉ huy trưởng nhà thầu Tự Lập (gói XL01) cho biết, đã thảm bê tông nhựa được 3km, ngày 13/9 sẽ thảm tiếp 1km nữa.

“Tinh thần anh em rất quyết tâm, có thể không cần đến 120 ngày mà chỉ cần 90 ngày nữa là chúng tôi hoàn thành thảm bê tông nhựa”, anh Thức nói.

Cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết dài 100,8km, sản lượng thực đến nay đạt 50,18% giá trị hợp đồng, dù có chậm so với kế hoạch nhưng nhìn chung vẫn trong tầm kiểm soát.

Ông Phạm Quốc Huy, Giám đốc điều hành dự án cho hay, thời gian qua Ban QLDA 7 đã thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt để đốc thúc sản lượng thi công.

“Thi công đến đâu là chúng tôi yêu cầu nhà thầu hoàn thành các thủ tục để nghiệm thu, thanh toán đến đó, tạo điều kiện để doanh nghiệp có dòng tiền huy động thêm máy móc, vật tư, nhân công”, ông Huy nói.

Trong khi đó, tại cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, hiện sản lượng đạt 55,72% giá trị hợp đồng. Ông Đặng Hùng Thái, Giám đốc Ban điều hành dự án cho biết, đến ngày 12/9 tiến độ đạt 56,7%. Những ngày tới, thời tiết thuận lợi hay không sẽ là yếu tố quyết định tiến độ dự án.

“Chỉ còn 120 ngày, không còn đường lùi nên Ban đã yêu cầu các nhà thầu dồn lực để hoàn thành dứt điểm các hạng mục. Hiện trên tuyến còn vướng hệ thống điện tại gói thầu XL02. Hy vọng “vật cản” này sẽ được di dời xong trước ngày 15/9”, ông Thái nói.

Sớm tháo gỡ vật liệu đất đắp

img

Công nhân thi công tại nút giao QL55 qua huyện Hàm Tân (Bình Thuận) Ảnh: Vĩnh Phú

Ông Nguyễn Công Ý, Giám đốc điều hành gói thầu XL04, cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết cho biết, nhà thầu đã thể hiện quyết tâm rất lớn, quán triệt tinh thần “120 ngày đêm” đến từng tổ đội, công nhân trên công trường.

Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay là nguồn vật liệu đất đắp chưa được giải quyết triệt để. Nhà thầu đang làm việc với địa phương để giải quyết trong tháng 9 này.

Tại cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, ông Nguyễn Quang Hải, Giám đốc điều hành gói thầu XL03 (Liên danh Vinaconex - Trung Chính) cho biết, đến nay sản lượng gói thầu đạt gần 56%.

Khó khăn thời gian qua là thời tiết qua Đồng Nai mưa liên tục. Nhà thầu phải thường xuyên thay đổi kế hoạch sản xuất, mưa nhiều thì làm hạng mục phụ trợ.

Hết mưa thi công ngay các hạng mục đang dang dở. Đến nay gói thầu còn thiếu khoảng 500.000m3 đất đắp, nhà thầu đang phối hợp chặt với địa phương, Bộ TN&MT để tìm nguồn.

Cũng theo ông Hải phần còn lại của gói thầu chủ yếu thi công lớp mặt đường và thảm nhựa, cần nguồn lực tài chính rất lớn.

“Chúng tôi sẽ bố trí 3 ca, 4 kíp thi công liên tục, phấn đấu đảm bảo thông xe kỹ thuật gói thầu cuối tháng 12/2022”, ông Hải khẳng định.

Chiến dịch lớn của ngành GTVT

Ngày 10/9, tại tỉnh Bình Thuận, Bộ GTVT tổ chức phát động thi đua “120 ngày đêm thông xe kỹ thuật 4 dự án đường bộ cao tốc: Mai Sơn - QL45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây”.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đánh giá cao các ban quản lý dự án, nhà thầu đã nỗ lực trong thi công, khắc phục các khó khăn. Các địa phương cũng vào cuộc quyết liệt giải quyết các vướng mắc về GPMB, nguồn cung vật liệu, đến nay các dự án đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, khối lượng công việc còn lại là rất lớn, trong khi thời gian thi công chỉ còn gần 4 tháng. Do đó đòi hỏi các đơn vị liên quan phải nỗ lực tối đa để hoàn thành công trình theo tiến độ đề ra.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy khẳng định, kế hoạch thi đua 120 ngày đêm thông xe kỹ thuật 4 dự án đường bộ cao tốc được xem như chiến dịch lớn trong năm 2022 của ngành GTVT.

Mục tiêu của đợt thi đua này nhằm kêu gọi, động viên, khích lệ toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; các Ban quản lý dự án; tư vấn giám sát; các nhà thầu thi công của 4 dự án nêu trên tranh thủ thời gian, nỗ lực vượt khó, phấn đấu hoàn thành các dự án theo tiến độ mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề ra. Thời gian thi đua được tính từ ngày 10/9/2022 đến hết ngày 31/12/2022.

Kịp giải quyết mọi khó khăn, vướng mắc

Theo Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (Cục QLXD&CLCTGT - Bộ GTVT), tính đến hết tháng 8/2022, 4 dự án hoàn thành năm 2022 đạt sản lượng trung bình 67,5% giá trị hợp đồng, chậm 1,25% so với kế hoạch.

Trong đó, sản lượng thực hiện dự án thành phần Mai Sơn - QL45 đạt 69,5% giá trị hợp đồng, chậm 1,5%; Dự án Cam Lộ - La Sơn đạt khoảng 94,5%, chậm 0,8%; Dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết đạt 50,18%, chậm 2,96% và dự án Phan Thiết - Dầu Giây đạt 55,72% giá trị hợp đồng, chậm 1,19%.

Với tinh thần của phong trào thi đua “120 ngày đêm”, quán triệt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 là tập trung thực hiện “4 ổn định”, “3 tăng cường”, “2 đẩy mạnh”, “1 tiết giảm” và “kiên quyết không”, Bộ GTVT đặt ra yêu cầu với các chủ đầu tư, ban QLDA, nhà thầu là quyết tâm thực hiện đồng bộ các giải pháp để hoàn thành thông xe toàn tuyến 4 dự án vào cuối năm nay.

Cụ thể, yêu cầu các Ban QLDA kiểm tra, rà soát tiến độ thực hiện của từng nhà thầu, từng gói thầu và toàn dự án, chỉ đạo các nhà thầu điều chỉnh tiến độ thi công, tăng cường nhân lực, thiết bị, tài chính… tổ chức thi công “3 ca, 4 kíp”, bù lại phần khối lượng đã bị chậm và ký cam kết về tiến độ, tổ chức thực hiện, đảm bảo hoàn thành theo các mốc tiến độ của từng hạng mục.

Kiên quyết xử lý các nhà thầu vi phạm như: Cắt chuyển khối lượng; bổ sung nhà thầu phụ; xem xét chấm dứt hợp đồng và cấm tham gia các dự án do Bộ GTVT quản lý từ 3 - 5 năm đối với các nhà thầu vi phạm.

Đại diện Cục QLXD & CLCTGT khẳng định, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc tại hiện trường, kịp thời tiếp nhận, giải quyết khó khăn, vướng mắc. Cục đang tham mưu lãnh đạo Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét một số cơ chế, chính sách, hỗ trợ nhà thầu thi công có đủ nguồn lực thi công, đưa dự án cao tốc Bắc - Nam về đích đúng hạn, trước mắt là 4 dự án thành phần phải về đích trong năm 2022.

“Các đơn vị hoàn thành tiến độ sẽ được xem xét ưu tiên tham gia thực hiện các dự án xây dựng tuyến đường bộ cao tốc giai đoạn 2”, đại diện đơn vị này chia sẻ.

Nam Khánh

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.