Hỏi - Đáp

Kiểm tra nồng độ cồn: Tài xế không chịu thổi, CSGT xử lý thế nào?

21/02/2023, 09:29

Theo quy định hiện hành, nếu tài xế không chấp hành kiểm tra nồng độ cồn sẽ bị xử phạt tương đương mức kịch khung của lỗi vi phạm nồng độ cồn.

Thời gian qua, lực lượng CSGT toàn quốc đồng loạt tăng cường công tác xử lý vi phạm về nồng độ cồn và được đại đa số người dân ủng hộ, chấp hành.

Tuy nhiên, có không ít tài xế cố tình không thổi vào thiết bị đo nồng độ cồn khi CSGT yêu cầu. Vậy trong trường hợp này, CSGT sẽ xử lý thế nào?

img

Không chấp hành hiệu lệnh kiểm tra nồng độ cồn, tài xế có thể bị phạt 40 triệu đồng khi điều khiển ô tô và 8 triệu đồng khi điều khiển xe máy

Luận bàn về nội dung này, luật sư Trần Minh Quân, Giám đốc Công ty Luật Trần Nguyên cho biết, nhiều tài xế không chịu thổi vào máy đo nồng độ cồn với ý định "không có kết quả đo nồng độ cồn thì CSGT không có căn cứ xử phạt".

Tuy nhiên, Nghị định 100/2019/NĐ-CP đã quy định chế tài xử phạt với hành vi không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ.

Theo đó, tất cả hành vi không chấp hành hiệu lệnh CSGT để né kiểm tra nồng độ cồn đều bị xử phạt hành chính, tước GPLX và bị tạm giữ phương tiện.

Mức phạt hành chính sẽ tùy thuộc vào phương tiện người điều khiển. Đối với người điều khiển ô tô thì mức phạt cao nhất có thể đến 40 triệu đồng, đối với xe máy là 8 triệu đồng.

Cụ thể, khi người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ sẽ bị phạt tiền từ 6 - 8 triệu đồng; bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 22 - 24 tháng; bị tạm giữ phương tiện tối đa đến 7 ngày.

Đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ thì mức phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng; tước Giấy phép lái xe từ 22 - 24 tháng; bị tạm giữ phương tiện tối đa đến 7 ngày.

img

Luật sư Trần Minh Quân, Giám đốc Công ty Luật Trần Nguyên

"Đây là mức cao nhất đối với vi phạm nồng độ cồn theo khung hình phạt hiện hành", luật sư Quân nói và khuyến cáo, người tham gia giao thông hãy chấp hành hiệu lệnh của lực lượng chức năng.

"Nếu chấp hành mức phạt sẽ theo mức vi phạm, nhưng nếu không chấp hành thì mức phạt sẽ tương đương với mức phạt cao nhất, kịch khung của vi phạm nồng độ cồn", luật sư Quân phân tích.

Trung tá Nguyễn Đức Huấn, Tổ trưởng Tổ công tác Y11/141, Công an TP Hà Nội cũng khẳng định, những trường hợp không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn của lực lượng chức năng đều bị xử lý nghiêm ở mức kịch khung.

Điển hình, tối 12/2, Tổ công tác Y11/141 dừng ô tô BKS 30H- 484.XX để kiểm tra, yêu cầu tài xế V.Đ.N. (SN 1995, trú tại Phú Thọ) thổi vào máy đo nồng độ cồn nhưng tài xế này không chấp hành.

img

Do tài xế không chịu thổi vào máy đo nồng độ cồn, lực lượng CSGT đã niêm phong để tạm giữ xe sau khi lập biên bản xử phạt ở mức kịch khung

Sau khi CSGT kiên trì giải thích, yêu cầu, tài xế vẫn không chịu hợp tác, nên lực lượng chức năng đã lập biên bản, niêm phong phương tiện và cẩu kéo xe về bãi tạm giữ. Toàn bộ hành vi của tài xế được lực lượng CSGT ghi lại bằng thiết bị nghiệp vụ.

Với hành vi trên, tài xế V.Đ.N. sẽ bị xử phạt từ 30 - 40 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 22 - 24 tháng và tạm giữ phương tiện đến 7 ngày với lỗi không chấp hành đo nồng độ cồn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.