Thời sự Quốc tế

Kiev vận động phương Tây bỏ Nord Stream 1, trung chuyển khí đốt qua Ukraine

Kiev đang vận động đồng minh phương Tây buộc Nga phải chuyển khí đốt vốn cung cấp bằng đường ống Nord Stream 1 sang đường ống đi qua Ukraine.

Hãng Reuters đưa tin các đại diện từ nhà vận hành đường ống khí đốt và công ty khí đốt Naftogaz của Ukraine đã có chuyến thăm kéo dài một tuần tại Washington, kêu gọi các quan chức chính quyền Mỹ, các nghị sĩ Quốc hội Mỹ thuyết phục Đức và các đồng minh châu Âu chấp nhận kế hoạch trên.

Phía Ukraine cho rằng biện pháp này sẽ khiến Nga phải trả nhiều phí trung chuyển khí đốt hơn cho Ukraine và Kiev sẽ có thêm lợi thế trong các cuộc đàm phán hòa bình với Moscow.

img

Cơ sở thuộc đường ống Nord Stream 1 tại Lubmin, Đức. Ảnh - Reuters

“Nga phụ thuộc vào chúng tôi để vận chuyển khí đốt sang châu Âu. Đây có thể là tạo đòn bẩy trong đối thoại giữa chúng tôi với họ và Liên minh châu Âu có thể hỗ trợ”, bà Olga Bielkova, Giám đốc các vấn đề quốc tế của nhà vận hành hệ thống dẫn truyền khí đốt của Ukraine, cho biết trong một phỏng vấn tại Washington.

Đồng quan điểm trên, ông Daniel Vajdich, cố vấn công ty Naftogaz, cho rằng việc chuyển toàn bộ lượng khí đốt Nga vốn cung cấp qua đường ống Nord Stream 1 sang hệ thống của Ukraine sẽ mang đến cho Kiev lợi thế đòn bẩy so với Moscow.

Phía Ukraine đề xuất, ngay lập tức, có thể chuyển lượng khí đốt tương đương 40% công suất của đường ống Nord Stream 1 sang đường ống của Ukraine và dần nâng lên tới mức 100% vào tháng 4/2023.

Nga hiện cung cấp 55 tỷ m3 khí đốt mỗi năm sang Đức qua đường ống Nord Stream 1. Nga cũng cung cấp 40 tỷ m3 khí đốt cho các nước ở châu Âu qua hệ thống vận chuyển khí đốt của Ukraine và thanh toán phí trung chuyển cho Ukraine bằng USD. Hệ thống đường ống Ukraine hiện còn thừa công suất khoảng hơn 100 tỷ m3 và có thể dễ dàng tiếp nhận khí đốt từ Nord Stream 1.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng việc chuyển khí đốt từ đường ống Nord Stream 1 sang đường ống của Ukraine không có tác dụng thúc đẩy an ninh nguồn cung năng lượng cho châu Âu.

Thậm chí, theo ông Christian Egenhofer, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách châu Âu có trụ sở tại Bỉ, cách làm đó có thể khiến các nước châu Âu vi phạm hợp đồng cung cấp khí đốt hiện hành với Nga.

Một quan chức Nhà Trắng và Bộ Kinh tế Đức từ chối bình luận. Cách đây 1 ngày, Đức cho biết sẽ dừng nhập khẩu dầu từ Nga vào cuối năm nay, tiêp sau đó sẽ là khí đốt nhưng không nêu cụ thể thời điểm.

Hiện tại, Đức đã ngừng cấp phép dự án Nord Stream 2, vốn được xây dựng để tăng gấp đôi lượng khí đốt từ Nga sang Đức, sau khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.