Quản lý

Kinh doanh vận tải cần bộ tiêu chí đạo đức

Với sự phát triển của thị trường vận tải, bên cạnh mặt tích cực cũng có không ít hệ lụy, nhất là câu chuyện đạo đức kinh doanh. Một số ý kiến cho rằng, cần xây dựng bộ tiêu chí đạo đức trong lĩnh vực này.

Nhan nhản vi phạm kinh doanh vận tải

Cuối tháng 2/2024, mạng xã hội xôn xao thông tin một nữ hành khách tố xe khách ở Quảng Ninh thu giá vé cao, khi bị ý kiến tài xế liền giở giọng côn đồ đòi tiền và đuổi khách xuống giữa đường cao tốc. Thậm chí, phụ xe còn bóp cổ nữ hành khách.

Kinh doanh vận tải cần bộ tiêu chí đạo đức- Ảnh 1.

Nhiều ý kiến cho rằng cần xây dựng bộ tiêu chí, đạo đức kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ vận tải hàng hóa, hành khách, nhằm bảo vệ quyền lợi khách hàng. Ảnh: Tạ Hải.

Trước đó, đầu tháng 1/2024, trên tuyến quốc lộ 2 đoạn qua xã Yên Phú, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang, xe khách giường nằm của nhà xe Hạnh Quân chạy tuyến Mỹ Đình - Hà Giang đã chèn ép và liên tục đánh võng, không cho xe khách của nhà xe Hải Phú vượt, khiến nhiều hành khách bức xúc.

Cách đây chưa lâu, vụ việc lái xe của nhà xe Thành Bưởi dù đã bị tước bằng lái nhưng vẫn điều khiển xe gây tai nạn làm 5 người chết cũng đã gióng lên hồi chuông báo động về đạo đức trong kinh doanh vận tải khách. Chỉ trong 9 tháng, nhà xe này bị tước phù hiệu tới 246 lần.

Trên đây là một số ví dụ vi phạm về đạo đức kinh doanh vận tải khiến dư luận bức xúc. Không chỉ vận tải hành khách, sự bát nháo của vận tải hàng hóa cũng trong tình cảnh tương tự, đặc biệt là những trường hợp cố tình chở quá tải, tàn phá đường sá.

Nhìn nhận về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN cho rằng, bên cạnh việc nhiều thương hiệu vận tải uy tín ra đời, người dân được hưởng chất lượng dịch vụ tốt hơn, hiện tượng xe hợp đồng trá hình gây mất trật tự ATGT vẫn còn tồn tại dai dẳng. Với vận tải hàng hóa, tình trạng xe chở quá khổ, quá tải diễn biến phức tạp.

Trước thực trạng trên, vừa qua đoàn ĐBQH TP.HCM đã đề nghị Bộ GTVT nghiên cứu quy định bộ tiêu chí, đạo đức kinh doanh trong lĩnh vực vận tải để bảo vệ quyền lợi khách hàng.

Trả lời kiến nghị này, Bộ GTVT cho biết, lĩnh vực vận tải đường bộ đã có đủ các quy định của pháp luật về điều kiện kinh doanh, quyền hạn và trách nhiệm của người vận tải, người thuê vận tải, lái xe và hành khách đi xe. Để quy định của pháp luật về vận tải đường bộ đi vào cuộc sống, thực thi hiệu quả, Bộ GTVT sẽ tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chí đạo đức kinh doanh trong vận tải hàng hóa phù hợp với quy định của pháp luật và tình hình thực tế.

Xung đột về lợi ích và giá trị đạo đức

Theo số liệu thống kê của Cục Đường bộ VN, cả nước hiện có hơn 86.000 đơn vị kinh doanh vận tải (tăng 80.000 đơn vị so với năm 2013) với hơn 921.000 phương tiện (10 năm trước chỉ có hơn 121.000 xe). Trong số này, đơn vị có quy mô vừa và nhỏ có dưới 5 xe chiếm hơn 80%.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, với quy mô nhỏ lẻ, manh mún, cùng với xung đột về lợi ích và giá trị đạo đức, nhiều doanh nghiệp, lái xe kinh doanh chộp giật, bất chấp pháp luật, không coi trọng chất lượng dịch vụ, an toàn của hành khách.

Ông Nguyễn Văn Quyền cho biết, có 8 tiêu chí về đạo đức nghề nghiệp của người lái xe, nhân viên phục vụ được quy định trong tài liệu chương trình tập huấn hằng năm của doanh nghiệp vận tải. Trong đó, có các tiêu chí như: Nắm vững và tự giác chấp hành quy định của pháp luật, lái xe an toàn; Coi hành khách như người thân, coi khách hàng là đối tác tin cậy... Tuy vậy, thực tế nhiều trường hợp không tuân thủ đầy đủ 8 tiêu chí này.

Ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát (hãng xe Sao Việt) cho biết, tiêu chí về đạo đức nghề nghiệp của người lái xe được đơn vị thường xuyên phổ biến tại các chương trình tập huấn. "Dẫu đơn vị vẫn luôn nhắc nhở lái, phụ xe tôn trọng khách hàng trong mọi trường hợp, song chính khách hàng cũng cần có thái độ tôn trọng đối với những tài xế, phụ xe phục vụ mình, có như vậy mới tạo được môi trường thực sự lành mạnh", ông Bằng nhìn nhận.

Tiêu chí đạo đức cần có gì?

Ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty CP Vận tải, Thương mại và Dịch vụ Đất Cảng cho rằng, xây dựng bộ tiêu chí đạo đức trong lĩnh vực kinh doanh vận tải là cần thiết. Để nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo quyền lợi hành khách trong kinh doanh vận tải, cần hệ thống lại các mô hình hoạt động vận tải, loại trừ, đào thải những mô hình hoạt động manh mún, tự phát.

Cùng quan điểm, ông Lê Văn Tiến, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa Hải Phòng cho rằng, bộ quy tắc đạo đức cần phải cụ thể hóa những vấn đề thường gặp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Bộ tiêu chí này cần bao hàm các nội dung như: Tạo giá trị cho xã hội; Tuân thủ pháp luật, các quy trình, quy chế, quy định của doanh nghiệp; Đảm bảo năng lực chuyên môn và tính cẩn trọng; Có trách nhiệm với xã hội và gia đình. Từng nội dung trong các tiêu chí sẽ được cụ thể hóa trên cơ sở phù hợp với điều kiện thực tế của từng doanh nghiệp.

Theo GS.TS Từ Sỹ Sùa, giảng viên cao cấp trường Đại học GTVT Hà Nội, việc tuân thủ pháp luật trong vận chuyển hành khách và hàng hóa cũng là đạo đức trong kinh doanh. Đó là ràng buộc căn bản nhất về trách nhiệm tối thiểu mà các doanh nghiệp vận tải phải tuân thủ.

"Doanh nghiệp vận tải cần theo đuổi tiêu chuẩn an toàn như một giá trị đạo đức kinh doanh mà không cần phải đợi pháp luật ràng buộc hay chế tài. Không thứ lợi nhuận nào có thể đánh đổi được với an toàn sức khỏe và tính mạng con người. Có những thứ không pháp luật nào có thể điều chỉnh, đó là lối suy nghĩ và cách hành xử hằng ngày, hằng giờ của doanh nghiệp với cộng đồng", ông Sùa nói.

Theo ông Lương Duyên Thống, Trưởng phòng Quản lý vận tải phương tiện và người lái, Cục Đường bộ VN cho biết, tại các cơ sở đào tạo, việc giáo dục đạo đức học viên áp dụng theo quy định của Cục Đường bộ VN. Chương trình đào tạo giấy phép lái xe ô tô biên chế môn đạo đức thành 20 tiết học. Tuy nhiên, nội dung và thời lượng đào tạo cũng chỉ mang tính chất giới thiệu. "Đạo đức kinh doanh chủ yếu phụ thuộc vào ý thức của tài xế và doanh nghiệp, không trường dạy lái nào có thể dạy hết", ông Thống nói.

Trong khi đó, lãnh đạo Vụ Vận tải, Bộ GTVT cho biết, văn hóa tham gia giao thông là giống nhau, không phân biệt lái xe bình thường hay lái xe kinh doanh vận tải. "Các văn bản quy phạm pháp luật đã quy định rõ quyền và trách nhiệm của doanh nghiệp, lái xe phải làm gì trong quá trình kinh doanh vận tải. Xét đến cùng, chấp hành đúng các quy định pháp luật chính là đạo đức", lãnh đạo Vụ Vận tải cho biết.

Ông Dương Hồng Anh, Phó cục trưởng Cục Đường sắt VN cho rằng, đạo đức kinh doanh, đạo đức nghề nghiệp thuộc quy chế của doanh nghiệp. Cục quản lý chuyên ngành không ban hành một văn bản quy phạm pháp luật như quyết định, quy định.

Bộ GTVT cũng đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định tiêu chuẩn, điều kiện các nhân viên trực tiếp phục vụ chạy tàu, lái tàu về trình độ, nghiệp vụ... Nhưng với các chức danh khác như khách vận, hóa vận, bán vé, doanh nghiệp vận tải quy định tiêu chuẩn, nhiệm vụ.

"Nếu có tiêu chí đạo đức của lái tàu hay các chức danh trực tiếp phục vụ chạy tàu có thể đưa vào chương trình đào tạo. Góc độ quản lý ngành, có thể ban hành một văn bản quy định về tiêu chuẩn, điều kiện, còn về quản lý con người phải do doanh nghiệp. Có thể đưa tiêu chí đạo đức thành cuộc vận động hoặc phong trào để triển khai", ông Hồng Anh nói.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.