Đèo Phước Tượng và đường dẫn Nam hầm Phước Tượng |
Lợi ích dự án hầm đường bộ đưa vào khai thác (giai đoạn 1 hầm Hải Vân, Phước Tượng - Phú Gia, Đèo Ngang)… càng thêm minh chứng hiệu quả của các công trình này mang lại. Đường hầm mở tới đâu là cách trở khơi thông và mở ra biết bao cơ hội phát triển KT-XH.
Những “điểm nghẽn” cuối cùng
Tài xế Nguyễn Minh Phong (38 tuổi, Đông Hà, Quảng Trị) điều khiển xe khách BKS 74B-005.77 (nhà xe Tư Mỹ, tuyến Đông Hà - Vũng Tàu) cẩn thận căn từng mét đường qua các khúc cua đổ đèo Cả (Phú Yên). “Xe giờ nối đuôi nhau chạy, không chú ý quan sát rất nguy hiểm, sợ nhất là mấy đoạn cua Hoàng Long và Đá Đen, TNGT như chơi”, anh Phong nói.
"Ngoài ý nghĩa đảm bảo ATGT, hầm đường bộ Hải Vân còn là “nút mở” phá thế “độc đạo” trên QL1 khi qua đèo Hải Vân. “Hầm Hải Vân đã làm cho TP Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên - Huế “xích” lại gần nhau hơn về không gian và tạo điều kiện cho việc phát triển KT-XH của TP Đà Nẵng, tỉnh Thừa Thiên - Huế, khai thác được lợi thế du lịch các địa phương”. Ông Nguyễn Ngọc Tuấn |
Khi dự án hầm Đèo Cả đang trong giai đoạn triển khai, đường đèo này trở thành tuyến độc đạo, nằm giữa 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa, với chiều dài hơn 12 km. Ghi nhận của PV Báo Giao thông, những chiếc xe tải nặng như nhích từng bước, ì ạch trèo đèo. Tương tự, đèo Cù Mông, phía Bắc từ chân đèo lên đỉnh dốc dài 6km, với nhiều đoạn dốc cao, quanh co, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ra TNGT. Không phải ngẫu nhiên, người dân đặt tên đoạn từ Km 1241 đến Km 1242 thuộc phường Bùi Thị Xuân, TP Quy Nhơn (Bình Định) là “khúc cua tử thần”, vì có nhiều khúc ngoặt nguy hiểm.
Theo đoàn xe tải đổ dốc đèo Cù Mông, đèo Cả, cánh tài xế phải về số thấp, gằn máy nhả khói đen mù mịt. Anh Nguyễn Văn Tân, tài xế xe tải BKS 43C-006.58 (chuyên chở hoa quả từ đầu mối TP.HCM về Đà Nẵng) bảo, chỉ mong hai tuyến hầm cuối cùng này sớm thông, cánh tài xế bớt khổ. Không riêng TNGT, chỉ cần một xe sự cố trên đèo, các xe khác hầu như phải đứng bánh. Các tài xế phân tích: Đặc thù đường đèo, độ dốc lớn, ôm cua nhiều cả khi lên và đổ dốc đều rất vất vả, tiêu hao nhiên liệu lớn và độ hao mòn phương tiện nhiều hơn…
Lãnh đạo Phòng CSGT (Công an tỉnh Phú Yên) đánh giá: Giai đoạn 1 hầm Hải Vân, Phước Tượng - Phú Gia đưa vào khai thác, Đèo Cả là tuyến hầm nguy hiểm nhất. Do đường hẹp, mỗi vụ tai nạn nếu xử lý chậm 15 phút sẽ xảy ra ùn tắc hàng cây số mỗi chiều. Trung bình, mỗi vụ TNGT xảy ra trên đèo Cả phải mất một ngày để giải phóng hiện trường. Ban ATGT Bình Định, Phú Yên cho rằng: Mỗi dịp cao điểm lễ, Tết, ngành chức năng phải căng sức TTKS, đảm bảo ATGT trên những cung đường đèo.
Lợi ích kinh tế khó đong đếm hết
Còn nhớ ngày lấy ý kiến địa phương lập dự án HĐB Đèo Cả, Cù Mông, lãnh đạo tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa đều đồng thuận tối đa. Nhu cầu phát triển KT-XH, áp lực lưu thông và vấn nạn đường đèo đòi hỏi cần phải thông hầm, mở nút thắt trên tuyến đường thiên lý Bắc - Nam này. Thực tế, nhìn vào hiệu quả của dự án hầm Hải Vân tiên phong cả nước, các đơn vị chức năng, quản lý, địa phương và người dân càng thêm kỳ vọng “ánh sáng” khơi mở trên những dự án khác khi đưa vào khai thác, sử dụng.
Ông Cao Bá Giang, Giám đốc Xí nghiệp Quản lý vận hành hầm (gọi tắt Xí nghiệp HHV, thuộc Chi nhánh Công ty CP Đèo Cả tại khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên) cho hay, công tác giám sát, đảm bảo an toàn cho phương tiện qua hầm luôn được đặt lên hàng đầu, triển khai 24/24h. Do đó, các vụ tai nạn trong hầm xảy ra rất ít và được kịp thời xử lý (trung bình 10-15 phút), giảm tối đa thiệt hại. Ông Nguyễn Văn Cường, trú tại Thanh Khê (Đà Nẵng), người lái xe khách Đà Nẵng - Huế lâu năm cho rằng, nếu tai nạn xảy ra trên đường đèo Hải Vân, nơi không có phương tiện cứu hộ, chữa cháy tại chỗ thì hậu quả sẽ vô cùng nghiêm trọng.
Theo ông Nguyễn Trần Minh Hiếu, Giám đốc Công ty TNHH Hiếu Minh Sơn (Đà Nẵng - nhà xe Hiếu Hoa với hơn chục đầu xe chạy tuyến Đà Nẵng ra Vinh, Nghệ An, Lào Cai, Nam Định, Thái Bình), mỗi ngày đơn vị có khoảng 6 xe qua lại hầm Hải Vân, hầm Phước Tượng - Phú Gia, hưởng lợi rõ rệt do rút ngắn thời gian hành trình, giảm tiêu hao nhiên liệu, hao mòn phương tiện, đặc biệt không còn cảnh ùn tắc, mất ATGT.
Ông Đoàn Văn Tiến, nguyên Cục phó Cục Đường bộ VN (nay là Tổng cục Đường bộ VN) phân tích, chỉ tính riêng Hải Vân, nếu đi qua đèo như trước đây mỗi lượt mất hơn 30 phút, nay chỉ còn khoảng 10-15 phút; Tiêu hao nhiên liệu 1,5 lít, nay chỉ còn 0,5 lít… Cứ thế nhân lên 6.500 lượt mỗi ngày mới thấy lợi ích cho xã hội từ hầm đường bộ Hải Vân là rất lớn, cùng một loạt lợi ích thiết thực khác: Độ an toàn, chi phí kinh tế.
Chủ tịch UBND thị trấn Lăng Cô (Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế) Trần Văn Giảng khẳng định, không chỉ xóa “điểm đen” TNGT, ùn tắc giao thông, hầm Hải Vân, hầm Phú Gia, Phước Tượng mang lại hiệu quả KT-XH trên nhiều mặt, hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây, đưa khu vực miền Trung - Tây Nguyên Việt Nam xích lại gần hơn với khu vực Đông Nam Á cũng như hội nhập quốc tế.
“Trước đây chưa có hầm, từ Lăng Cô vào Sân bay quốc tế Đà Nẵng mất hơn cả tiếng đồng hồ, Sân bay Phú Bài mất khoảng tiếng rưỡi. Giờ có hầm rồi, từ Lăng Cô vào Sân bay quốc tế Đà Nẵng chỉ mất khoảng 30 phút, thời gian từ Lăng Cô lên Sân bay Phú Bài còn chưa đầy tiếng”, ông Giảng so sánh. Cùng đó, dịch vụ vận chuyển hàng hóa, ngành nghề kinh doanh dịch vụ - du lịch từ khi có hầm cũng phát triển mạnh, góp phần giải quyết công ăn việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận