"Hễ mang bầu là đẻ sinh đôi"
Một lần, Nguyễn Hoàng Phương Trâm (21 tuổi) chia sẻ trên Facebook cá nhân hình ảnh về những anh chị em sinh đôi của mình. Với cô, đây là điều rất bình thường.
Tuy nhiên, sau một thời gian ngắn, câu chuyện của cô sinh viên trường Đại học Y Dược Hải Phòng được cộng đồng mạng xôn xao bàn tán. Điều khiến cư dân mạng tò mò chính là việc Trâm đã đăng bức ảnh mình chụp cùng 3 cặp anh chị em sinh đôi.
Bức ảnh lan tỏa mạnh mẽ với nhiều bình luận bày tỏ sự thích thú. Nhiều người vào Facebook cá nhân tò mò hỏi "gia đình có bí quyết nào để sinh đôi? ", Ngọc Trâm hài hước trả lời: "Trước khi lấy ai, mọi người cứ tìm hiểu. Nếu nhà họ có sinh đôi thì nhiều khả năng lấy họ cũng sinh đôi nhé!".
Vốn là bác sĩ tương lai, những bạn học của Trâm tại Đại học Y Dược Hải Phòng đã tìm, đưa ra những chứng cứ khẳng định gia đình, dòng họ Trâm rất đặc biệt.
Theo đó, trên thế giới hiện nay tỉ lệ các cặp song sinh chỉ chiếm khoảng 1,9% dân số. Ngay cả nơi có tỉ lệ sinh đôi cao nổi tiếng nhất thế giới thì con số này cũng chỉ chiếm 10%. Vậy mà, trong gia đình Trâm có 3 cặp song sinh, cả dòng họ hiện có 10 cặp song sinh, 1 cặp vợ chồng sinh ba. Đến nỗi mọi người gọi vui gia đình của Trâm là gia đình «cứ hễ mang bầu là đẻ sinh đôi».
Đối với chuyện sinh đôi, sinh ba ở đại gia đình mình, Phương Trâm cảm thấy rất bình thường: "Mọi người thấy lạ chứ với dòng họ nhà em thì bình thường vì tính riêng nội tộc dòng họ Nguyễn Công ở thôn Nhuệ Ngự, xã Tự Cường đã có đến 10 cặp sinh đôi mà''.
Khi hỏi về câu chuyện thú vị này, ông Nguyễn Mạnh Hùng, bố của cặp sinh đôi Phương Trâm - Ngọc Trâm cho biết: "Chuyện sinh đôi, sinh ba ở dòng họ trước đây ít người để ý đến nhưng từ khi bốn cặp sinh đôi thế hệ Ngọc Trâm - Phương Trâm ra đời thì mọi người mới nhắc đến.
Ngoài hai con gái tôi thì anh họ con bác ruột là ông Nguyễn Văn Cơ cũng có hai con trai sinh đôi là Song Hồng và Song Hiệp.
Con gái cô ruột tôi là Nguyễn Cẩm Linh cũng sinh được hai cậu con trai sinh đôi là Gia Huy và An Huy. Em ruột Cẩm Linh là Cẩm Vân lại mới sinh đôi một trai, một gái là Tuệ Minh và Huệ Minh.
Trong nội tộc còn có ba cặp sinh đôi khác. Tính rộng ra nội ngoại hai bên thì còn có ba cặp sinh đôi, một cặp sinh ba nữa. Tóm lại, đến bây giờ dòng họ nhà tôi có 10 cặp sinh đôi và một cặp sinh ba".
Nhiều điểm tương đồng
Ông Nguyễn Văn Bốn, ông ngoại của hai cặp sinh đôi Gia Huy - Gia Đức, Tuệ Minh - Huệ Minh hào hứng nói: "Các cụ cho rằng đây là phúc phần của dòng họ, luôn đông con đông cháu. Các cháu sinh ra đều mạnh khỏe, ngoan ngoãn và học rất giỏi".
Đồng thời, ông Bốn cũng khẳng định, các cặp sinh đôi, sinh ba hoàn toàn tự nhiên, không ai có yếu tố can thiệp của y khoa.
Trong các cặp đinh đôi hoặc sinh ba của dòng họ trên, chị em Phương Trâm và Ngọc Trâm nổi tiếng vì xinh đẹp và học rất giỏi. Cả hai đều là cựu học sinh lớp chuyên tự nhiên, Trường THPT chuyên Trần Phú, TP Hải Phòng.
Đến khi thi đại học, hai em tự bàn bạc và phân công nhau mỗi người học một nghề rồi Phương Trâm thi đỗ Đại học Y Dược Hải Phòng, còn Ngọc Trâm đỗ Đại học Sư phạm Hà Nội.
Phương Trâm tâm sự: "Có chị em sinh đôi thì bố mẹ sẽ vất vả hơn nhưng dường như kinh nghiệm chăm sóc những cặp sinh đôi ở dòng họ nhà em đã có rất nhiều nên cũng đỡ. Có anh chị em sinh đôi thích lắm, ai có mới biết. Vừa là chị em, vừa là bạn thân!".
Phương Trâm kể thêm, ngày bé hai người giống nhau từ nếp sinh hoạt, quần áo, tóc tai đến việc... ốm đau: "Lớn lên đi học chúng em cũng có sở thích giống nhau. Thậm chí, làm bài thi sai cũng y hệt nhau.
Chúng em thường hay bị bạn học và mọi người nhầm lẫn vì ngoại hình, sở thích ăn mặc giống nhau. Lúc bé còn ngại nhưng lớn dần trở nên quen và cảm thấy thú vị".
Việc sinh đôi, sinh ba ở dòng họ Nguyễn Công tại huyện Tiên Lãng là một trường hợp đặc biệt. Hiện, nghiên cứu gen di truyền về hiện tượng sinh đôi mới được xét trên yếu tố từ mẹ sang con gái, chúng tôi chưa tiếp cận được tài liệu nào nghiên cứu về hiện tượng sinh đôi được xem xét trên yếu tố di truyền từ bố sang con.
Với dòng họ Nguyễn Công, nhiều thế hệ nội tộc có người sinh đôi như trên là một hiện tượng hiếm gặp và là dữ liệu quan trọng cho nghiên cứu khoa học.
Bác sĩ Nguyễn Thanh NgaĐâu là cơ sở khoa học?
Đánh giá về trường hợp đặc biệt khi một dòng họ có nhiều cặp sinh đôi, sinh ba, bà Nguyễn Thanh Nga, bác sĩ chuyên khoa sản tại Hải Phòng cho biết, hiện tượng sinh đôi, sinh ba và nhiều hơn nữa trên thế giới và ở cả Việt Nam không hề hiếm.
Tuy vậy, một dòng họ có tới 10 cặp sinh đôi, sinh ba như dòng họ Nguyễn Công ở thôn Nhuệ Ngự là điều hiếm thấy.
Về mặt khoa học, chưa có nghiên cứu nào khẳng định hiện tượng trên hoàn toàn do gen di truyền vì còn phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố như gia đình, điều kiện sống hoặc từ môi trường sống xung quanh tác động tới.
Tuy nhiên, theo bà Nga, cần xem xét việc các các cặp sinh đôi trên là sinh cùng trứng hay khác trứng. Nếu sinh đôi cùng trứng thì không liên quan đến yếu tố di truyền.
Bà Nga phân tích, sinh đôi cùng trứng xảy ra khi một trứng được thụ tinh bởi một tinh trùng duy nhất, sau đó hợp tách thành hai trong quá trình phát triển ở giai đoạn rất sớm, dẫn đến hình thành hai phôi riêng biệt.
Xác suất xảy ra sinh đôi cùng trứng là 3-4/1.000 ca sinh trên toàn thế giới. Các nghiên cứu khoa học cho rằng hầu hết các trường hợp sinh đôi cùng trứng không liên quan đến gen di truyền.
Cũng theo bà Nga, vẫn có một số gia đình sinh nhiều hơn một cặp song sinh cùng trứng, điều này cho thấy "gen sinh đôi" có thể đóng một vai trò nào đó.
Nhiều giả thuyết cho rằng, có thể tồn tại các gen kết dính tế bào với nhau, góp phần vào việc hình thành cặp song sinh cùng trứng nhưng vẫn chưa được xác nhận.
Trong khi đó, sinh đôi khác trứng xảy ra khi hai trứng được thụ tinh bởi hai tinh trùng khác nhau trong cùng một chu kỳ kinh nguyệt. Sinh đôi khác trứng phổ biến gấp đôi so với sinh đôi cùng trứng.
Nhìn chung, người phụ nữ có mẹ hoặc chị gái từng sinh đôi khác trứng có khả năng cũng sinh đôi khác trứng gấp hai lần người bình thường. Điển hình như ở Nghệ An có gia đình ba thế hệ là bà ngoại, mẹ và hai cô con gái đều mang thai song sinh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận