Xã hội

Kỳ Sơn, Hải Phòng: Thi nhau khoét trộm núi đồi lấy đất

Hàng chục ngọn núi, đồi lớn nhỏ ở xã Kỳ Sơn, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng không còn nguyên vẹn do nạn khai thác đất trái phép gây ra.

Theo người dân, các đối tượng khai thác đất hoạt động rất tinh vi, chỉ dùng các loại máy xúc nhỏ, xe công nông và xe tải nhỏ để khai thác, vận chuyển đất ra ngoài lúc đêm tối hoặc sáng sớm.

Xe ùn ùn chở đất đi tiêu thụ

Kỳ Sơn là một trong những xã miền núi của huyện Thủy Nguyên, nơi có tới 21 ngọn núi, quả đồi lớn nhỏ. 

Đến nay, mới chỉ có 2 vị trí từng được cấp phép khai thác là núi Niêm Sơn Nội và Niêm Sơn Ngoại. Tuy vậy, tới nay cả 21 ngọn núi, đồi đều không còn nguyên trạng.

Kỳ Sơn, Hải Phòng: Thi nhau khoét trộm núi đồi lấy đất- Ảnh 1.

Đất được chuyển đi tiêu thụ sau khi bạt đồi khai thác.

Bà Hoàng Thị B, xã Kỳ Sơn cho biết: "Núi nào cũng bị khai thác tan hoang hết, hàng ngày các đoàn xe vẫn ùn ùn chở đất đi san lấp và tiêu thụ nhưng chính quyền xã không có động thái quyết liệt để ngăn chặn".

Những ngày đầu tháng 4/2024, PV có mặt tại đây và ghi nhận, các quả đồi, ngọn núi trên địa bàn xã Kỳ Sơn bị tàn phá tan hoang. 

Theo người dân, các đối tượng thường xuyên khai thác trái phép đều là những người "có máu mặt". 

Vì vậy, dù rất bức xúc, họ cũng chỉ dám che kín mặt, kín đáo chỉ cho PV những khu vực bị "xẻ thịt" nham nhở.

Hướng về núi Tặc, núi Trà Vàng, một người phụ nữ ngoài 50 tuổi cho hay: "Các đối tượng khai thác đất trái phép liên hệ với các hộ dân có diện tích sát những quả đồi này, thỏa thuận để được vào khai thác. 

Giờ chúng hoạt động tinh vi lắm, chỉ dùng các loại máy xúc nhỏ, xe công nông và xe tải nhỏ để khai thác, vận chuyển đất ra ngoài lúc đêm tối hoặc sáng sớm. Mỗi lần xe ra vào đều có người canh gác".

Ồ ạt xúc đất đem bán

Theo tìm hiểu, mỗi khối đất do các đối tượng khai thác được bán với giá từ 100 - 120 nghìn đồng. 

Việc khai thác trái phép không chỉ diễn ra tại nhà dân mà còn cả trên đất của cán bộ thôn. Điển hình như nhà bà Đỗ Thị Tùy, trưởng thôn 10, diện tích khai thác lên tới hàng trăm m2. 

Nghiêm trọng hơn, sau khi đất đá được chở đi, chủ nhà đã thực hiện chia lô để bán đất nền.

Kỳ Sơn, Hải Phòng: Thi nhau khoét trộm núi đồi lấy đất- Ảnh 2.

Tình trạng khai thác đất trái phép diễn ra nhiều năm qua trên địa bàn xã Kỳ Sơn, huyện Thủy Nguyên.

Không chỉ lợi dụng việc hạ cốt nền để khai thác, vận chuyển tài nguyên đất đem đi tiêu thụ, nhiều đối tượng còn ngang nhiên sử dụng máy móc, phương tiện để khai thác kiểu "thổ phỉ". 

Điển hình như tại mỏ đất Thuận Thiên trên núi Trúc Bạch (xã Kỳ Sơn), vốn đang bị đình chỉ, nhiều đối tượng ngang nhiên mang ô tô, máy xúc vào xúc đất mang đi tiêu thụ.

Một lái xe giấu tên chia sẻ: "Lúc nào có nhu cầu san lấp, chúng tôi chỉ cần gọi điện trước cho một đối tượng được cho là đang quản lý khu đất đó. 

Sau đó, lái xe vô tư vào lấy đất chở đi, mỗi xe phải trả cho họ 100 nghìn đồng/khối. Dù không thấy ai trông coi nhưng tuyệt nhiên cánh lái xe không ai dám chở quá số lượng".

Chính quyền địa phương nói gì?

Ông Đỗ Văn Khoa, Chủ tịch UBND xã Kỳ Sơn thừa nhận có việc đào đất đi bán hoặc san lấp nhưng cho rằng đó chỉ là "chuyện cũ": "Hai năm gần đây, việc khai thác trộm đã giảm hẳn, có động thái là được xử lý ngay. 

Chúng tôi đã giao đến từng cán bộ thôn, lực lượng công an xã, địa chính xã và các đoàn thể để giám sát việc trên".

Kỳ Sơn, Hải Phòng: Thi nhau khoét trộm núi đồi lấy đất- Ảnh 3.

Sau khi bạt đồi, khai thác đất một số người đã chia lô, xây nhà trên khu vực bị san phẳng.

Trái ngược với lời vị chủ tịch xã, chỉ mới gần đây, tại nhiều khu vực, những xe xúc đất vẫn công khai hoạt động, không phải một mà nhiều xe, không phải chỉ trong vài giờ mà diễn ra nhiều ngày. Đáng nói, một số khu vực, vị trí núi bị khoét trộm sát với nhà cán bộ thôn.

Dù vậy, ông Khoa vẫn cho rằng: "Hiện chỉ có hiện tượng người dân khai thác một, hai xe đất, không có chuyện khai thác ồ ạt như những năm trước". 

Khi PV đưa ra hình ảnh thực tế và đặt câu hỏi: "Họ dùng một, hai xe để làm phương tiện vận chuyển đất hay khối lượng khai thác chỉ một hai xe?", vị chủ tịch im lặng, không nói gì.

Giải thích về việc nhiều hộ dân xin chống sạt lở để vận chuyển tài nguyên đi chỗ khác, ông Khoa cho rằng đây là "yếu tố lịch sử": "Trước kia, nhiều hộ được chia, cấp đất thổ cư trên các sườn đồi, không có điều kiện để san gạt, hạ thấp cốt nền để xây lại nhà cửa. 

Tuy nhiên, một số đối tượng đã lợi dụng tình trạng trên để khai thác đất, sử dụng với mục đích khác".

Sau khi được PV cung cấp một số hình ảnh ghi nhận được, một cán bộ Phòng Tài nguyên huyện Thủy Nguyên trả lời "sẽ cho kiểm tra". 

Tuy nhiên đến nay, sau nhiều lần gọi điện và nhắn tin, chúng tôi vẫn chưa có được thông tin phản hồi.

Cũng trong hơn một tuần qua, PV đã nhận được rất nhiều tin nhắn, cuộc gọi của người dân phản ánh tình trạng khai thác, vận chuyển đất tại địa phương vẫn diễn ra công khai, còn nỗi bức xúc của người dân vẫn chưa thể được giải quyết.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.