Thế giới giao thông

Kỳ tích làm kênh đào gần 600km ở Mỹ

11/08/2024, 06:23

Từ một ý tưởng bị coi là điên rồ, bất khả thi, thậm chí không có kỹ sư đủ trình độ để thực hiện, kênh đào Erie đã trở thành kỳ tích, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của nước Mỹ thời kỳ đầu non trẻ.

Mở đường tới Ngũ Đại Hồ

Vào những năm đầu thế kỷ XIX, lãnh thổ nước Mỹ chủ yếu trải dài ven bờ biển và đồng bằng phía Đông với nhiều đô thị phát triển sầm uất. Nhiều người đã tiên phong tiến sâu hơn về phía Tây, vào vùng Ngũ Đại Hồ (5 hồ lớn nằm giữa biên giới Mỹ và Canada). Ở đó, họ phát hiện ra những vùng đất hoang dã giàu tài nguyên. 

Kỳ tích làm kênh đào gần 600km ở Mỹ- Ảnh 1.

Hoạt động vận tải và sản xuất diễn ra sôi động ven kênh Erie những năm đầu thế kỷ XIX.

Từ đây, ý tưởng về một phương thức vận tải an toàn hơn, nhanh hơn và đáng tin cậy hơn từ những khu vực này ra tới bờ biển đã được đề xuất.

Ngay từ năm 1800, ông Gouverneur Morris – một người tham gia soạn thảo Hiến pháp Mỹ cho rằng, phải xây dựng ngay một tuyến kênh đào quy mô lớn giúp tàu thuyền có thể đi thẳng từ châu Âu đến những khu vực rộng lớn quanh Ngũ Đại Hồ nằm sâu trong nội địa.

Theo ông, vùng đất sâu trong lãnh thổ nước Mỹ có nhiều điểm vượt trội hơn hẳn về đất đai, khí hậu so với khu vực ven biển, có thể giúp nước Mỹ phát triển vượt xa châu Âu chỉ trong 1-2 thế kỷ.

Ý tưởng của ông đã vấp phải phản đối gay gắt của phần đông dư luận. Thậm chí, vào năm 1809, Tổng thống Mỹ lúc đó là Thomas Jefferson cho rằng, việc đào một kênh dài hơn 580km qua vùng đất hoang dã là ý tưởng điên rồ.

Dù vậy, ý tưởng của ông Morris nhận được sự ủng hộ lớn từ ông DeWitt Clinton, lúc đó là Thị trưởng TP New York và sau này là Thống đốc bang New York - địa phương sở hữu cảng biển sầm uất bậc nhất nước Mỹ, có tuyến sông Hudson nằm trong kế hoạch để kết nối kênh đào tới Ngũ Đại Hồ.

Kênh đào được đề xuất kéo dài từ bờ phía Đông của hồ Erie, một trong 5 hồ lớn thuộc Ngũ Đại Hồ, đến sông Hudson, tiếp theo các phương tiện đi theo tuyến sông này về TP New York. Sau nhiều tranh cãi, cuối cùng, dự án đã được khởi công vào năm 1817.

Tự mày mò phác thảo hướng tuyến

Tuy nhiên, ngay khi vừa khởi công, dự án gặp khó khăn chồng chất. Chính phủ Mỹ đã từ chối tài trợ cho dự án khổng lồ này, vì vậy tiểu bang New York phải tự chi ngân sách.

Kỳ tích làm kênh đào gần 600km ở Mỹ- Ảnh 2.

Lễ khánh thành kênh đào Erie năm 1825.

Vấn đề không chỉ ở tài chính, địa hình hoang dã hiểm trở mà đặc biệt nhất là tại thời điểm đó, Mỹ chưa có trường kỹ thuật đào tạo công nhân, kỹ sư xây dựng kênh đào. Cho nên, những người triển khai dự án buộc phải tự mày mò khám phá.

Trong đó, ông Benjamin Wright là kỹ sư trưởng, vạch ra hướng tuyến xây dựng kênh. Trợ lý đắc lực nhất của ông là kỹ sư Canvass White. Kể từ năm 1817 đến đầu năm 1818, hai ông đi khắp châu Âu, thu thập thông tin và viết ghi chú, vẽ phác thảo chi tiết phục vụ xây dựng kênh đào.

Với các kỹ sư nghiệp dư, khó khăn lớn nhất nằm ở các công trình âu thuyền nâng hạ mực nước, đưa tàu thuyền thông qua những nơi chênh lệch địa hình, cầu dẫn nước đi qua chướng ngại vật như đường sá.

Khi ông White trở về, những nghiên cứu và phát hiện tích lũy được, kết hợp với tài năng của các kỹ sư kênh đào tài ba khác, đã giúp dự án vượt qua những thử thách nêu trên.

Theo The Epoch Times, đóng góp lớn nhất của ông White trong dự án này là phát minh ra xi măng thủy lực. Đây là loại xi măng có khả năng đông cứng dưới nước trong khi vẫn đảm bảo độ bền chắc chắn như xi măng châu Âu, vốn có giá thành đắt đỏ hơn nhiều.

Giảm thời gian giao hàng 2 tháng xuống 2 tuần

Bất chấp khó khăn chồng chất, năm 1825, kênh đào Erie đã chính thức hoàn thành với chiều dài khoảng 584km, rộng khoảng 12m, sâu hơn 1,2m, kết nối từ hồ Erie tại địa phận TP Buffalo ngày nay, chạy thẳng đến sông Hudson tại địa phận TP Albany, thủ phủ bang New York. Toàn tuyến có 83 âu tàu và 19 cầu dẫn nước.

Kỳ tích làm kênh đào gần 600km ở Mỹ- Ảnh 3.

Ngày nay kênh đào Erie chủ yếu phục vụ các hoạt động giải trí, du lịch.

Ông DeWitt Clinton đã múc một thùng nước từ hồ Erie, đi thuyền qua công trình đường thủy nhân tạo khổng lồ này rồi đổ xuống biển Đại Tây Dương khi thuyền cập bến New York. Ông gọi đây là "lễ kết hôn" giữa hồ nước và biển cả.

Chỉ sau 8 năm đi vào vận hành, doanh thu từ phí vận tải qua kênh đã đủ để bù đắp cho chi phí xây dựng. Thậm chí, lợi ích kinh tế - xã hội của những nơi kênh đào kết nối cũng như toàn nước Mỹ có thể thấy rõ từ sớm.

Trước hết, tuyến đường thủy đã thúc đẩy vận tải hàng hóa và con người trên khắp nước Mỹ, biến New York thành đô thị cảng quan trọng của Mỹ, trở thành một trung tâm công nghiệp hùng mạnh.

Hàng hóa được vận chuyển với mức phí bằng 1/10, trong khi thời gian chỉ chưa đến một nửa so với trước. Các sà lan chở nông sản và nguyên liệu thô tấp nập hướng về bờ biển phía Đông, trong khi hàng hóa sản xuất và vật tư được vận chuyển về phía Tây, sâu trong đất liền nước Mỹ.

"Trước khi có kênh đào Erie, người dân ở Rochester phải đợi đến 2 tháng chỉ để nhận một món đồ từ New York. Khi kênh đào mở cửa, người dân chỉ mất khoảng 1-2 tuần", ông Brad Utter, nhà sử học cấp cao, nhận định và so sánh kênh đào này không khác gì "mạng Internet" khi đã thu hẹp đáng kể khoảng cách không gian và thời gian.

Trong khi đó, dòng người định cư đổ xô về các vùng đất hoang dã phía Tây nằm sâu trong đất liền như New York và các bang như: Ohio, Michigan, Illinois, Wisconsin.

10 năm sau khi khánh thành, tiểu bang New York tiếp tục mở rộng kênh đào Erie lên hơn 21m bề rộng, 2,1m chiều sâu. Đến năm 1915, kênh tiếp tục mở rộng lên gần 50m chiều rộng, sâu 3,6m.

Khi đường sắt và nhiều phương thức vận tải khác phát triển mạnh, lưu thông qua tuyến kênh đào đã giảm xuống. Ngày nay, kênh đào chủ yếu phục vụ các hoạt động giải trí như chèo thuyền hay đạp xe dọc bờ kênh.

Với nhiều người, chèo thuyền trên kênh Erie không đơn thuần là hoạt động giải trí như trên những dòng kênh khác, mà đó còn là trải nghiệm đa chiều khám phá bản thân, ngược dòng lịch sử, hòa mình vào con người, cảnh quan trên quãng đường dọc kênh Erie.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.