Là người duy nhất rơi vào hôn mê nhưng thoát chết ngoạn mục trong “trận chiến” SARS cách đây 17 năm, nữ y tá Nguyễn Thị Mến (Bệnh viện Việt Pháp, Hà Nội) càng thấu hiểu sự hy sinh, nỗi vất vả của những người đã và đang cùng chiến tuyến trên mặt trận phòng chống dịch Covid-19.
Ngày “định mệnh” và cuộc chiến sinh tử
Dù trải qua gần 20 năm nhưng cái tên dịch SARS vẫn là nỗi ám ảnh bởi sự xuất hiện đột ngột và độc tính cao khiến nhiều người tử vong, trong đó có nhiều y,. bác sĩ do lây nhiễm từ bệnh nhân. Với y tá Nguyễn Thị Mến, người vẫn được truyền thông thế giới chia sẻ “Ca bệnh SARS phải dùng đến ống thở duy nhất còn sống sót”, đó là những chuỗi ngày “không muốn nhớ” đầy khắc nghiệt.
Ngày 26/2/2003, một ngày định mệnh với nhân viên y tế của Bệnh viện (BV) Việt Pháp Hà Nội khi có một bệnh nhân là doanh nhân người Mỹ gốc Hoa tên Johnny Chong Chen nhập viện với triệu chứng của bệnh cúm.
Bà Mến nhớ như in vào đêm 1/3/2003, ông Chong Chen dồn dập vừa ho, vừa nôn ra cả xô đờm lẫn máu suốt 45 phút rồi nhanh chóng suy hô hấp buộc phải đặt nội khí quản. Sau đó tình hình bệnh ngày càng nặng hơn, ông Chong Chen được người thân thuê chuyên cơ đưa về nước, nhưng để lại sau lưng một “ổ dịch” ở BV Việt Pháp đe dọa sinh mạng nhiều người.
“Khi ấy, vì chưa có thông tin về bệnh dịch mới nên các cán bộ y tế không mang trang phục bảo hộ. Không ngờ đêm ông Chong Chen ho mạnh đã phát tán lượng virus khủng khiếp ra khắp phòng bệnh, tạo nên ổ dịch ngay tại cơ sở y tế. Những người chăm sóc trực tiếp cho bệnh nhân như y tá Nguyễn Thị Lượng, Phạm Thị Uyên cùng tôi và bác sĩ Nguyễn Thế Phương (trực ở khoa sản nhưng cùng tầng với khu vực đa khoa) nhiễm bệnh ngay đêm đó. Sau ít ngày là hàng loạt cán bộ y tế khác của bệnh viện cũng nhiễm bệnh”, bà Mến nhớ lại.
Nữ y tá khi đó đang tuổi sung sức, bỗng xuất hiện các triệu chứng giống cúm, người đau, sốt, tiêu chảy. Ở nhà tự xông lá, rồi uống thuốc nhưng không đỡ, linh tính điều không lành, bà Mến bảo chồng chở vào nhập viện. Cũng từ giây phút chia tay đó, bà Mến cũng không ngờ phải rất lâu sau bà mới được gặp lại chồng và gia đình. “Với tôi, cuộc tái ngộ với gia đình là sự may mắn khôn cùng, bởi nhiều đồng nghiệp của tôi đã không có được cơ hội đó”, bà Mến khẽ thở dài.
Ngày bà Mến vào viện, đã thấy có y tá Lượng, y tá Sinh có triệu chứng sốt cao, đau đầu, đau nhức người. Còn y tá Uyên cũng bắt đầu ủ rũ, mệt mỏi. Dù không biết chắc chắn về căn bệnh đang mắc phải nhưng với kinh nghiệm nghề nghiệp, đội ngũ y bác sĩ nhanh chóng kêu gọi toàn bộ cán bộ ai có dấu hiệu sốt đều phải quay trở lại viện, rồi phân loại, cách ly và chuyển các bệnh nhân đang nằm viện sang khu an toàn.
Bà Mến nhớ lại: “Hồi đó chưa có nhiều thông tin, chúng tôi vào viện với triệu chứng sợ hãi vô cùng là đầu đau như búa bổ, khắp cơ thể mệt rã, cứ từng chặp sốt rét đến run nảy người trên giường rồi lại sốt nóng kịch khung 42 độ C. Chúng tôi thì thào với nhau rằng chắc bị lây nhiễm cúm gà Hong Kong. Thậm chí, Uyên còn gọi cho khoa Dược liên tục xin viện trợ thuốc từ Pháp để tiêm phòng cúm cho nhân viên bệnh viện và người nhà. Kịch bản lúc đó ai cũng nghĩ là cúm gà vì căn bệnh SARS chưa được đặt tên”.
Đến 7/3, cơn sốt bắt đầu hành hạ bà Mến, khó thở, cơ thể hừng hực nóng như quả bom chờ nổ. Sáng hôm đó, bà Mến còn gặp bác sĩ Carlo Urbani, chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới đã sang BV Việt Pháp. Ông là người đầu tiên cảnh báo với WHO về dịch SARS (bác sĩ này sau đó tử vong ở Thái Lan do bệnh SARS cũng do lây nhiễm khi khám cho bệnh nhân Chong Chen lúc đến BV Việt Pháp).
“Lúc ấy, ở trong phòng cách ly chỉ nhìn qua cửa sổ, chúng tôi lờ mờ hiểu rằng dịch bệnh mình đang mắc phải rất nghiệt ngã. Chỉ 3 ngày có 39 người mắc, toàn bộ là y tá, bác sĩ của BV Việt Pháp. Ngay lập tức bệnh viện bị phong toả, di tản hết bệnh nhân ra khỏi viện”, bà Mến kể lại.
Những cơn sốt nóng, lạnh và đau đầu cứ liên tục dồn đến, khiến y tá Mến lịm dần và rơi vào hôn mê. “Chỉ biết trong giây phút lúc tỉnh lúc lịm đi, là người trong nghề, tôi cảm nhận được quanh mặt mũi mình đang chằng chịt ống xông, ống thở. Và rồi, lờ mờ trong cơn tỉnh, mình thấy rõ tiếng rủ rỉ của y tá Thủy “Mến ơi, cố lên nhé bọn tớ cũng đang cố gắng lắm đây”. Hay cái ôm thật chặt vào đầu và lời thì thầm bập bõm bằng tiếng Anh “Mến ơi! Cái đầu của mày đâu rồi! Con mày đâu rồi! Có nghĩ tới con không?” của vợ giám đốc bệnh viện khi mình đuối quá muốn buông xuôi. Từ những lời thì thầm đó, tôi thầm hiểu những người chăm sóc mình cũng đang cố gắng rất nhiều và mình không được phụ công họ”, bà Mến hồi tưởng.
Nỗ lực vì được sống
Thông tin các y, bác sĩ ngã xuống vì Covid-19 đang bùng phát, những ký ức buồn tưởng chôn vùi 17 năm trước lại ùa về, thấy bất lực vì không thể giúp gì. 17 năm trước chúng tôi biết mình mắc bệnh và đã tự cách ly, chấp nhận tất cả để tránh lây ra cộng đồng. Tôi vẫn luôn day dứt sau sự ra đi của chị Uyên, Lượng, BS. Paul Dirosier, BS. Phương và BS. Bội. Họ là những con người dũng cảm hết lòng chăm sóc bệnh nhân, rồi chống chọi với căn bệnh SARS đến giây phút cuối cuộc đời. Sự hy sinh đó rất cần được ghi nhận để an ủi cho người còn sống và khích lệ với những người khoác trên mình chiếc áo blouse trắng...
Y tá Nguyễn Thị Mến (Bệnh viện Việt Pháp, Hà Nội)
Nhắc lại giờ phút sinh tử ấy, bà Mến bảo rằng, sau này, đồng nghiệp có kể lại, trong cơn nửa tỉnh, nửa mê ấy, cứ thấy mình động đậy, giãy giụa là y tá Thuỷ nhanh chóng hút đờm, đều đặn suốt đêm. Là điều dưỡng, bà Mến cũng ý thức nếu mình không tự thở phối hợp cùng máy thở rất có thể sẽ bị phù phổi cấp, dễ dẫn tới vỡ hết phế nang phổi và ra đi trong tích tắc.
Sự hồi tỉnh của y tá Mến thời điểm đó được coi là kỳ tích bởi không ca bệnh nào nhiễm SARS-CoV, hôn mê phải dùng đến máy thở mà thoát khỏi cửa tử. Nhưng với nhiều vết thương trên cơ thể sau gần 1 tháng điều trị, cùng thông tin các đồng nghiệp tử vong sau lây nhiễm SARS, bà Mến sốc và rơi vào trầm cảm cực độ. Bà được quyết định cho ra viện nhằm giải tỏa tâm lý vào ngày 2/4 khi vẫn phải sử dụng bình oxy để thở và ngồi xe lăn vì liệt một bên chân.
Nhớ về những ngày đầu ra viện, nhìn cảnh gia đình bị xa lánh, kỳ thị từ hàng xóm láng giềng, con cái không được đến trường, còn bản thân thì quá yếu, bà tự nhủ “phải đi được trên chính đôi chân của mình”.
“Được nửa tháng, chiếc chân của tôi không có tín hiệu hồi phục. Bác sĩ châm cứu khuyên tôi nên đi khám chuyên khoa thần kinh. Lúc này tôi nhấc máy gọi vào BV Việt Pháp và được hỗ trợ nhân viên vật lý trị liệu tới nhà. Tập khoảng hơn 1 tháng, ngón chân tôi bắt đầu hơi động đậy. Tôi nghĩ phải cố bằng được không thể tàn phế suốt đời. Tôi đã tự dùng thuốc tiêm vào tĩnh mạch theo chỉ dẫn của các bác sĩ người Pháp và tự mình tập đi. Ban đầu men tường, rồi lần từ khu tập thể ra tận Bách thảo, cứ ngã lại tự đứng dậy với lời tự nhủ “phải đi lại được”. Giai đoạn phục hồi cũng kinh khủng không kém giai đoạn điều trị trong bệnh viện, đau đớn và mất ngủ triền miên”, bà Mến kể lại.
Giờ đây, ở tuổi 62, bà Mến thoăn thoắt đi lại, nước da trắng hồng khỏe mạnh và vẫn đang công tác tại Khoa Sản, BV Việt Pháp. Gặp bà ở thời điểm này, không ai biết rằng bà từng trải qua biến cố quá lớn của cuộc đời. Trong suốt câu chuyện về những chuỗi ngày “không muốn nhớ tới” của mình, bà Mến tâm niệm “mình được sống, thế nên luôn trân trọng và nỗ lực”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận