Mòn mỏi chờ đợi
Những ngày cuối cùng của năm 2023, chị Hà Phương Thanh (trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội) - chủ sở hữu của gần 2.000 trái phiếu mã SGL- 2020.09 do Công ty TNHH Saigon Glory phát hành vẫn chưa có thêm tin tức mới về lô trái phiếu mà chị đang sở hữu.
Cuối năm 2021, qua giới thiệu của Công ty Chứng khoán Tân Việt (TVSI) về các dự án lớn của Sài Gòn Glory, tình hình tài chính, lãi suất, tài sản bảo đảm nên chị an tâm mua.
Đến cuối năm 2022, chị nhận được thông báo của Saigon Glory và TVSI với nội dung Saigon Glory cam kết sẽ mua lại tất các các lô trái phiếu trước hạn. Theo cam kết, lô trái phiếu của chị Thanh sẽ được mua trước hạn và không muộn hơn ngày 12/6/2024. Trong thời gian này, chị sẽ vẫn nhận được lãi suất trả theo kỳ 3 tháng một lần như trước đây.
"Nhưng nửa năm nay tôi không nhận được lãi như cam kết. Phía TVSI cho biết công ty phát hành gặp khó khăn tài chính nên không thu xếp được nguồn trả lãi cho nhà đầu tư", chị Thanh nói.
Theo thông tin chị Thanh dò hỏi được, hiện nay tất cả mới dừng lại ở tình trạng "đang xử lý tài sản bảo đảm". Trong khi đó, ở cuộc họp mới nhất ngày 6/10/2023, Saigon Glory, Techcombank và TVSI đã họp và thảo luận "chi tiết và thống nhất về quy trình bàn giao để xử lý tài sản bảo đảm và các bước cần thực hiện tiếp theo".
Như vậy, năm 2023 khép lại, chị Thanh và những nhà đầu tư khác của các lô trái phiếu mã SGL-2020 vẫn chưa biết số tiền mình đầu tư bao giờ được thanh toán lãi, gốc và liệu có được thanh toán đủ hay không.
Không chỉ chị Thanh, hàng nghìn nhà đầu tư vào trái phiếu của doanh nghiệp nhóm Tân Hoàng Minh, trái phiếu liên quan đến Vạn Thịnh Phát đình đám… đang mong sớm nhận lại được tiền.
"Chỉ mong vụ án sớm được xét xử và số tiền mà Tân Hoàng Minh đã nộp lại cho cơ quan chức năng sớm được trả lại cho chúng tôi", nhà đầu tư Trương L.Đ cho hay.
Trong tình cảnh tương tự, Minh H.A - nhà đầu tư trái phiếu của doanh nghiệp liên quan đến vụ Vạn Thịnh Phát cũng bức xúc: "Chúng tôi vẫn theo dõi sát thông tin và chỉ mong sớm kết thúc vụ án. Bây giờ chúng tôi chỉ mong nhận lại số tiền gốc vì đó tiền tích góp của cả gia đình".
Bán cắt lỗ tài sản để trả nợ trái phiếu
Về phía doanh nghiệp, trong bối cảnh thị trường kinh doanh ảm đạm, nhiều công ty phải đối mặt với khó khăn nhân đôi khi trái phiếu đến kỳ đáo hạn. Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp đang nỗ lực xoay xở, ưu tiên tất toán trái phiếu để chuẩn bị cho một năm 2024 vững vàng.
Lũy kế đến hết tháng 10/2023, tổng trị giá trái phiếu doanh nghiệp phát hành là 209.150 tỷ đồng, cải thiện hơn năm trước. Trong đó, nhóm ngân hàng chiếm ưu thế phát hành với với 99.023 tỷ đồng, nhóm bất động sản theo sau với 68.256 tỷ đồng.
Riêng nhóm doanh nghiệp bất động sản – nhóm chịu áp lực đáo hạn lớn nhất, đã mua lại khoảng 153.800 tỷ đồng trái phiếu. Tổng trị giá trái phiếu đáo hạn của nhóm này trong năm 2024 khá lớn với hơn 121.000 tỷ đồng.
Công ty Cổ phần Phát triển bất động sản Phát Đạt (TP.HCM) có 9 lô trái phiếu với tổng giá trị hơn 2.000 tỷ đồng, đều đáo hạn năm 2023 và 2024. Đối diện với những khó khăn của thị trường nhưng từ đầu năm 2023, lãnh đạo công ty này đã đặt mục tiêu xử lý toàn bộ dư nợ trái phiếu vào cuối năm khoảng 2.384 tỷ đồng, chỉ để lại nợ ngân hàng và vay các bên khác.
"Cho đến thời điểm này, tôi có thể tự tin nói rằng giai đoạn khó khăn nhất của Phát Đạt đã đi qua. Chúng tôi đã đưa dư nợ trái phiếu của doanh nghiệp về 0 trong năm 2023", ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch HĐQT nói.
Thời gian qua, công ty đã phải bán "cắt lỗ" tài sản cá nhân trị giá 3.000 tỷ đồng và lấy 2.000 tỷ đồng để đắp vào khoản nợ. Việc tập trung tất toán trái phiếu giúp công ty giảm áp lực tài chính, có được những cơ hội tốt hơn trong việc phát triển kinh doanh sắp tới.
Phát Đạt có ít nhất 6 dự án hội đủ điều kiện tung ra thị trường với tổng doanh thu dự kiến hơn 40.000 tỷ đồng. Dù chưa thể kỳ vọng thị trường ngay lập tức sôi động trở lại, song ông Đạt cho rằng doanh nghiệp có cơ sở để đẩy mạnh hoạt động kinh doanh và thiết lập mục tiêu kỳ vọng khả quan.
Công ty Cổ phần Câu lạc bộ bến du thuyền và nghỉ dưỡng Cam Ranh (TP Nha Trang) cũng là trường hợp tương tự. Năm 2021, doanh nghiệp này huy động thành công lô trái phiếu NCRCH2123001 trị giá 2.500 tỷ đồng. Lô trái phiếu này đáo hạn 3/12/2023. Hiện, toàn bộ lô trái phiếu này đã được tất toán trước thời hạn dù thị trường đang có nhiều khó khăn.
Đặc biệt, ngoài tất toán những khoản nợ trái phiếu, nhiều doanh nghiệp còn phát hành thành công các lô trái phiếu mới, như trường hợp của Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Long. Theo dự kiến, Nam Long sẽ bổ sung 500 tỷ đồng từ đợt chào bán trái phiếu này dùng để thực hiện đầu tư khu dân cư Nam Long 2 rộng 43ha ở quận Cái Răng, TP Cần Thơ.
Những tín hiệu tích cực
Báo cáo cập nhật thị trường trái phiếu doanh nghiệp tháng 11/2023 của FiinRatings ghi nhận phát hành trái phiếu trên thị trường sơ cấp đã bước đầu hồi phục kể từ tháng 6/2023. Trong đó, ngân hàng - nhóm có khối lượng trái phiếu phát hành lớn nhất - vẫn phát hành sôi động.
Theo FiinRatings, năm 2024, cơ hội phát hành trái phiếu cho nhóm này vẫn cao do nhu cầu vốn dài hạn lớn của các ngân hàng lớn và trong khi mặt bằng lãi suất tiền gửi hiện nay khá thấp.
Còn với nhóm bất động sản, tổng giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ của các doanh nghiệp này đã đạt 75.400 tỷ đồng trong 11 tháng năm 2023, tăng 13% so với cả năm 2022. Sang năm 2024, dù áp lực trả nợ trái phiếu của nhóm này rất lớn nhưng FiinRatings dự báo sẽ có nhiều doanh nghiệp bất động sản tiếp tục phát hành trái phiếu gọi vốn thành công.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, doanh nghiệp cần tận dụng quãng thời gian này để tái cơ cấu lại các khoản nợ. Cần nghiêm túc cân nhắc bán bớt tài sản, thậm chí chấp nhận hòa vốn hoặc lỗ để có dòng tiền trả nợ và hoàn thiện các dự án có thể thanh khoản ngay khi đưa ra thị trường.
"Nguồn vốn tín dụng bất động sản không chỉ đến trực tiếp từ ngân hàng và kênh trái phiếu doanh nghiệp, mà còn đến từ kênh vốn huy động trong xã hội qua các hình thức hợp tác kinh doanh và từ chính khách hàng", ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup kiêm Tổng giám đốc FiinRating nhìn nhận và cho rằng, minh bạch thông tin hơn nữa sẽ giúp thị trường tự chữa lành.
Còn theo nhận định của bà Nguyễn Ngọc Anh, Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ SSI, khả năng để các doanh nghiệp phát hành trái phiếu thành công trong năm 2024 vẫn lớn. Nghị định số 08 năm 2023 của Chính phủ là cơ sở pháp lý giúp doanh nghiệp và nhà đầu tư đàm phán, gia hạn thời hạn thanh toán.
Bên cạnh đó, việc vận hành thị trường trái phiếu riêng lẻ thứ cấp cũng hỗ trợ rất lớn cho thanh khoản và xây dựng lại niềm tin của nhà đầu tư. "Một năm rất khó khăn đã đi qua. Đây là cơ hội, là tiền đề để sang năm 2024 thị trường này tăng trưởng vượt bậc", bà Ngọc Anh kỳ vọng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận