Cây na cao 2-8m; lá hình mũi mác, tù hay nhọn, hơi mốc mốc ở phần dưới; hoa nhỏ, màu xanh lục, mọc đối với lá, thường rũ xuống; quả mọng kép, màu xanh mốc, gần như hình cầu, đường kính 7-10cm, có từng múi, mỗi múi ứng với một lá noãn; hạt đen có vỏ cứng.
Theo y học cổ truyền, quả na có tác dụng tiêu sưng; hạt na có vị đắng, hơi hôi, tính lạnh, có tác dụng thanh can, giải nhiệt, tiêu độc, sát trùng; lá cũng có tác dụng kháng sinh tiêu viêm, sát trùng; rễ cầm ỉa chảy.
Trị sốt rét cơn lâu ngày: Vò một nắm lá na (20-30g) giã nhỏ, chế thêm nước sôi vào vắt lấy một bát nước cốt, lọc qua vải, phơi sương, sáng hôm sau thêm tí rượu quấy uống trước lúc lên cơn hai giờ. Mỗi ngày uống một lần, uống liền 5-7 ngày.
Trị mụn nhọt sưng tấy: Lá na, lá bồ công anh cùng giã đắp.
Trừ chấy, rận: Giã nhỏ hạt lấy nước gội đầu hay ngâm quần áo. Để trừ chấy, giã nhỏ hạt na trộn với rượu hoặc giấm rồi vò vào đầu, xát vào chân tóc, bịt khăn lại, giữ 15 phút rồi gội đầu. Tránh không cho bắn vào mắt vì có độc.
Chữa răng bị đau nhức: Lấy hạt na giã nhỏ ngâm rượu, rồi lấy rượu đã ngâm hạt na ngậm vào chỗ răng sưng đau, sau ngậm chừng 10 - 15 phút thì nhổ nước này đi. Ngày cần ngậm vài ba lần.
Trị viêm họng: Quả na điếc 50g, sinh địa 50g, rễ xạ can 30g, nhân hạt gấc 20g, lá bạc hà 50g, cam thảo dây 25g, lá chanh 25g, lá táo 25g. Tất cả phơi khô (riêng quả na điếc đốt tồn tính) và cùng giã nhỏ tán bột mịn, rồi trộn với 150g đường kính đã nấu thành xi rô làm thành viên, mỗi viên nặng 0,5g. Người lớn ngày uống 2 lần, mỗi lần uống 3 - 4 viên. Trẻ em tùy tuổi mà ngày uống từ 3 - 6 viên chia 2 lần. Cần uống 3 - 5 ngày.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận