Lái tàu nào cũng bị khớp tâm lý mỗi khi qua đây
Những ngày gần đây, dư luận xôn xao về vụ việc hi hữu, tàu khách LP5 phải dừng để chờ khách du lịch khu vực cà phê đường tàu Phùng Hưng (Hà Nội) tránh sang bên cho tàu chạy.
Kể về giây phút thót tim, buộc phải dừng tàu, tránh tai nạn với PV Báo Giao thông, lái tàu Nguyễn Hữu Nam (Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội) cho hay: “Hôm đó là ngày Chủ nhật (6/10), tổ lái máy chúng tôi điều khiển đầu máy 641 kéo tàu khách LP5 vừa rời ga Hà Nội đi Hải Phòng. Cách km0 ga Hà Nội chỉ khoảng 400 - 500m đã thấy khách du lịch hai bên đường tàu đông lắm. Nhưng khi đến km 1+200, đoạn qua chắn đường ngang Trần Phú vào khu vực cà phê đường tàu Phùng Hưng và lên đường dẫn cầu Long Biên (đường tàu trên cao phố Phùng Hưng - PV) vào khoảng 15h23".
"Chúng tôi phát hiện từ xa có một cô gái đứng sát mép đường ray, liền bấm còi liên tục. Còi tàu inh ỏi như vậy mà cô ấy không phản ứng gì. Tôi buộc phải hãm khẩn dừng tàu. Nhân viên phụ lái tàu thò người ra khỏi cabin, thét to, nhắc ra khỏi đường tàu, cô gái mới lững thững đi ra. Tàu dừng hơn 1 phút để cô gái ra khỏi đường ray an toàn, mới tiếp tục hành trình”, lái tàu Nam thuật lại.
Cũng theo lái tàu Nguyễn Hữu Nam, mỗi khi đi qua đoạn này, các lái tàu đều rất sợ. Từ cabin đầu máy nhìn ra, người đông nghịt, lố nhố, người đứng, người quỳ chen nhau để quay phim, chụp ảnh, chỉ cần xô đẩy nhau, có người ngã ra là kiểu gì cũng bị tàu va quệt. Rất nguy hiểm.
"Nếu các cơ quan chức năng không có biện pháp quyết liệt, trước sau cũng xảy ra tai nạn”, anh Nam nói và kiến nghị, các cơ quan chức năng cần sơm giải tán tụ điểm cà phê này, cử người cảnh giới không cho người dân, du khách đi vào khu vực nguy hiểm.
Lái tàu Nam cho biết thêm, người dân đứng ở khu vực nhà dân, hàng quán đã nguy hiểm rồi; có người còn đứng sát vị trí lan can sắt trên đường dẫn cầu Long Biên. Trong khi ở đoạn này, khoảng cách tàu và lan can rất hẹp, lại là đường lên, xuống dốc nên việc xử lý hãm không đơn giản. Ngay cả phát hiện sớm, tàu chạy chậm, khi hãm tàu cũng lướt đi vài chục mét mới dừng được, không như ô tô, phanh “chết” là dừng được luôn. Ngoài ra, còn có đầu máy thoi đi sang Gia Lâm hoặc Phú Thụy, khi về sẽ chạy lùi. Lúc đó, cabin đầu máy ở phía sau, vị trí lái tàu lúc này rất khó quan sát, phát hiện chướng ngại, sự cố bất ngờ xảy ra ở khoảng cách xa hay vào đường cong.
Anh Nguyễn Giang Nam, lái tàu Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội chia sẻ thêm: “Tổ tàu tôi thường xuyên kéo tàu đi Lào Cai, Hải Phòng qua khu đoạn này, thực sự rất nguy hiểm. Ai lại tàu chạy tới đâu, khách du lịch mới rẽ ra hai bên đến đấy để tránh tàu, như kiểu rẽ sóng. Tàu lại chạy sát sạt người đứng hai bên. Chúng tôi toàn phải cho tàu chạy “non”, dưới tốc độ cho phép.”.
Cũng theo anh Nam, anh em lái tàu thường bị khớp tâm lý khi qua khu vực này. Nếu tàu xuất phát, vừa mới bắt đầu hành trình mà đã va phải người hoặc chướng ngại vật thì cả hành trình sẽ cảm thấy bất an, lo lắng. Ngược lại, giữ được an toàn cả chuyến tàu suôn sẻ, không gặp tai nạn rất khó trong tình trạng giao cắt đường bộ - đường sắt nhiều như hiện nay. Giờ chỉ còn khoảng 1km là về đến ga cuối cùng, lại thêm mệt mỏi sau cả chặng đường, không may tàu va phải người, là điều không ai lường trước được.
“Nhiều người nghĩ là đứng chỗ này, chắc tàu không va vào, nhưng không thể nói trước được. Chẳng hạn, cánh cửa bung ra, hay không may xô đẩy nhau, vấp ngã... là có thể dẫn đến tai nạn”, anh Nguyễn Giang Nam nói.
Khoảng cách tối thiểu phải cách tim đường ray 2m
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Quách Tuấn Anh, quản đốc phân xưởng vận dụng Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội cho biết, trước đây cũng có lần tàu phải dừng vì sự cố. Nhưng đây là lần đầu tiên, tàu phải dừng chờ khách du lịch ra khỏi khu vực nguy hiểm.
“Từ khi khu vực này trở nên đông đúc quá, nhất là vào những ngày cuối tuần, anh em lái tàu qua khu vực này rất căng thẳng, chỉ lo sợ tai nạn va quệt. Vì thế, anh em thường cho tàu chạy chậm, như tốc độ cho phép ở khu vực này là 25 km/h nhưng anh em chỉ cho chạy 20 km/h, để nếu có gì bất thường xảy ra còn dừng tàu được kịp thời”, ông Tuấn Anh nói.
Phân tích thêm, ông Tuấn Anh cho hay, nhìn thẳng vào tàu, người không có chuyên môn sẽ tưởng tàu đi chậm nhưng thực tế tàu đi nhanh. Hơn nữa, đường ray chỉ rộng 1 mét, nhưng đầu máy, toa xe rộng hơn 3 mét; Vì thế khoảng cách tối thiểu để đảm bảo an toàn là phải đứng cách xa tim đường ray 2m, nếu không nguy cơ tàu đâm, va rất cao.
“May là khi đó, tàu vừa rời ga nên tốc độ không cao, quán tính thấp nên dừng tàu cũng dễ, lại vào ban ngày. Nếu là chuyến tàu về ga Hà Nội, từ trên đường dẫn cầu Long Biên xuống dốc, lại vào đường cong khuất tầm nhìn sẽ rất khó dừng tàu. Nhất là tàu về buổi tối, lái tàu càng khó quan sát”, ông Tuấn Anh nói thêm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận