Từ xăng dầu, vận tải đến y tế, bất động sản
Bên cạnh ngành nghề chính kinh doanh xăng dầu, Hải Hà Petro còn được nhóm các doanh nghiệp thuộc sở hữu của vợ chồng ông Tô Ngọc Tùng (con trai bà Mai) hậu thuẫn.
Trước hết, đó là Công ty TNHH Hải Hà An Bình (thành lập tháng 6/2012), hoạt động chính trong lĩnh vực vận tải đường bộ. Tính đến tháng 3/2017, vốn điều lệ của An Bình là 8 tỷ đồng với Hải Hà Petro nắm 37,5%, ông Tô Ngọc Tùng nắm 37,5% và bà Nguyễn Thị Thùy Linh nắm 25%.
Tính đến tháng 3/2023, vốn điều lệ công ty là 15 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông gồm: Ông Tô Ngọc Tùng (56,667%) và bà Nguyễn Thị Thùy Linh (43,333%).
Được biết, Hải Hà An Bình sở hữu nhiều chi nhánh tại Đồng Nai, Đắk Lắk, Đắk Nông… hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ nhiên liệu động cơ trong các cửa hàng chuyên doanh, vận tải, dịch vụ lưu trú ngắn ngày...
Không chỉ vậy, vợ chồng ông Tô Ngọc Tùng còn nắm chi phối Công ty TNHH Vận tải biển Tùng Linh (vốn 120 tỷ đồng – cập nhật đến tháng 5/2023) với tỷ lệ là 73%. Đáng chú ý, ông Vũ Hồng Khoa (tân Chủ tịch HĐQT Pharbaco) cũng là cổ đông sở hữu 9% vốn tại Tùng Linh.
Trước đó, Tùng Linh và Hải Hà Petro cũng từng ký thỏa thuận mua bán tàu thương mại Hải Hà 588, Hải Hà 668, Hải Hà 618. Đây là 3 trong số 16 tàu chuyên dụng vận tải xăng dầu của Hải Hà Petro.
Một cái tên khác cũng liên quan đến nhóm này là doanh nhân Tô Thành Phú - người đứng tên của Hải Hà An Bình chi nhánh Hưng Yên, Ninh Bình; chi nhánh Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Vận tải Hải Minh Hưng tại Hưng Yên và một số pháp nhân như: Công ty Mỹ Long Thành, Công ty TNHH MTV Nghĩa Hải, Công ty Thương mại Phát Lộc…
Ngoài xăng dầu, Hải Hà Petro còn mở rộng sang lĩnh vực y tế khi sở hữu 80,49% vốn Công ty Cổ phần Dược phẩm Trung ương I – Pharbaco (PBC) thông qua: Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Vận tải Hải Minh Hưng (12,31%), Công ty TNHH MTV Đại Hải Hà Petro (13,64%), Công ty Cổ phần Vật tư Nông nghiệp Pháp Vân (18,18%), Hải Hà Petro (36,36%).
Không chỉ vậy, Hải Hà Petro còn lấn sân sang lĩnh vực bất động sản với việc đầu tư nghiên cứu quy hoạch dự án Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng vui chơi giải trí, khu cảng dịch vụ cảng, khu công nghiệp xã Thái Thượng có quy mô diện tích 993ha vào tháng 3/2020; đầu tư dự án tòa nhà TM Hải Hà Petro tại đường Nguyễn Đức Cảnh, thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.
Mối tâm giao giữa Hải Hà Petro và Pharbaco
Như đã đề cập, ngoài lĩnh vực xăng dầu, Hải Hà Petro còn mở rộng sang lĩnh vực y tế khi sở hữu 80,49% vốn Công ty Cổ phần Dược phẩm Trung ương I – Pharbaco.
Theo tìm hiểu, từ sau khi có liên quan tới vụ án VN Pharma, nhóm chủ của ông Ngô Nhật Phương đã dần rút khỏi Pharbaco.
Khi đó, nhóm chủ mới thay thế từ nửa cuối năm 2020 là Hải Hà Petro của bà Trần Tuyết Mai.
Trước đó, vị trí Tổng giám đốc Pharbaco đầu tháng 7/2020 cũng đã được chuyển giao từ ông Ngô Nhật Phương sang cho ông Tô Thành Hưng (con trai của bà Mai).
Đặc biệt, kể từ khi về tay Hải Hà, Pharbaco cũng đang trở thành đối tác quen mặt với hệ sinh thái của bà Mai.
Được biết, trong bối cảnh hoạt động còn nhiều khó khăn, nhưng Pharbaco vẫn liên tục phát sinh các giao dịch mua/bán hàng với Hải Hà Petro và các pháp nhân có liên hệ.
Năm 2020, Pharbaco bán gần 53,3 tỷ đồng tiền hàng với Hải Hà Petro. Năm 2021, PBC bán 40,68 tỷ đồng cho Hải Hà Petro và mua 33 tỷ đồng từ chính công ty này. Năm 2022, PBC bán 102 tỷ đồng cho Vật tư nông nghiệp Pháp Vân, mua 87,7 tỷ đồng Hải Minh Hưng, đồng thời bán 43,9 tỷ đồng cho chính đơn vị này. Cũng trong năm 2022, Pharbaco đã vay và tất toán 235,66 tỷ đồng tiền nợ với Hải Minh Hưng.
Không chỉ vậy, Pharbaco còn là nguồn cấp vốn cho chính nhóm Hải Hà Petro. Theo đó, công ty này vào đầu năm 2023 đã phát sinh khoản phải thu dài hạn 137,4 tỷ đồng với Hải Hà Petro.
Đây là số tiền mà Pharbaco đã ủy thác Hải Hà Petro góp vốn đầu tư dự án xây dựng tòa nhà TM Hải Hà Petro tại đường Nguyễn Đức Cảnh, thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Lợi nhuận Pharbaco được hưởng tương ứng với số vốn góp vào dự án sau khi dự án đi vào hoạt động và có doanh thu.
Đáng chú ý, tòa nhà TM Hải Hà Petro còn có cả sự tham gia của một pháp nhân liên hệ Hải Hà Petro, đó là Công ty Cổ phần Sản xuất Thương mại Dịch vụ Vận tải Ngọc Mai với vai trò đầu tư, kinh doanh, khai thác, quản lý và phát triển dự án.
Ngọc Mai thành lập vào năm 2008 với các cổ đông sáng lập gồm: Chủ tịch HĐTV Hải Hà Petro Trần Tuyết Mai và con trai bà là ông Tô Ngọc Tùng, cùng cá nhân trong hệ sinh thái là ông Nguyễn Đình Hưng, bà Nguyễn Thị Thùy Linh.
Đến tháng 6/2018, các cổ đông trên phần lớn đã thoái hết vốn, ngoại trừ ông Nguyễn Đình Hưng vẫn nắm 7,5%. Cập nhật đến tháng 10/2022, bà Lê Thị Thu – thể nhân nắm gần 74,64% vốn Hải Minh Hưng (cổ đông lớn tại Pharbaco), cũng góp vốn tại Ngọc Mai với giá trị vốn góp 21,5 tỷ đồng.
Không chỉ Hải Hà Petro, Pharbaco còn có khoản phải thu 198 tỷ đồng với Nông Nghiệp Pháp Vân.
Tuy nhiên, tính đến cuối năm 2023, tổng giá trị khoản phải thu mà Pharbaco phát sinh với Hải Hà Petro và Nông Nghiệp Pháp Vân còn khoảng 160 tỷ đồng.
Tính đến quý II/2024, Pharbaco ghi nhận doanh thu bán hàng đạt 263 tỷ đồng, giảm 15,7% so với cùng kỳ năm 2023. Cùng với đó, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp đạt 8,5 tỷ đồng.
Về tài sản, tại 30/6/2024, Dược phẩm Trung ương I – Pharbaco sở hữu tổng tài sản hơn 3.219 tỷ đồng. Trong đó, chiếm phần lớn là chi phí xây dựng nhà máy sản xuất dược phẩm tại huyện Sóc Sơn gồm 2 giai đoạn với tổng chi phí tính đến cuối tháng 6/2024 là hơn 2.000 tỷ đồng. Dược phẩm Trung ương I – Pharbaco có nợ phải trả hơn 1.949 tỷ đồng, gấp 1,53 lần vốn chủ sở hữu.
Trong danh mục nợ phải trả chiếm phần lớn là nợ vay ngắn hạn, dài hạn với gần 1.600 tỷ đồng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận