Xã hội

Làng chạm bạc Đồng Xâm rộn ràng ngày cận Tết dù giá bán tăng

14/01/2023, 07:00

Những ngày giáp Tết, các hộ sản xuất ở làng bạc Đồng Xâm (xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) luôn tấp nập, đắt hàng.

Tấp nập để kịp trả đơn hàng trước Tết

Cách TP Thái Bình chừng 20 km về phía đông, làng Đồng Xâm từ lâu đã nổi tiếng với nghề truyền thống chạm bạc. Những ngày cuối năm, khắp làng tiếng đục, tiếng mài, tiếng cưa máy, tiếng máy ép đồng, ép bạc trên khuôn thô... Trên con đường chính của làng, những chiếc ô tô tải đang chờ bốc hàng đưa đi tiêu thụ.

"Càng về cuối năm, đơn hàng càng nhiều, hầu hết các hộ sản xuất đều phải huy động tối đa nhân lực để kịp hoàn thành đơn hàng trước Tết", Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Hoàn (thôn Văn Hanh, xã Lê Lợi, huyện Kiến Xương) cho hay.

img

Làng nghề chạm bạc Đồng Xâm

Ông Hoàn chia sẻ, sản phẩm của Đồng Xâm bao gồm 3 loại: đồ thờ cúng, mỹ nghệ và trang sức.

Đồ trang sức gồm rất nhiều loại như: dây chuyền, xà tích, nhẫn, hoa tai, lắc, vòng, trâm, khánh, thánh giá… bằng bạc. Đồ thờ cúng gồm các loại đỉnh, vạc, lư hương, đĩa quả, chân đèn, ngai, mũ thờ, long lân quy phụng…

Theo ông Hoàn, những ngày cận Tết, đơn hàng rất nhiều, các xưởng bạc Đồng Xâm làm cả 3 ca. Năm nay nguyên liệu làm hàng từ đồng, bạc cũng tăng nên giá thành sản phẩm cũng cao hơn, tuy nhiên nhờ uy tín và thương hiệu bạc Đồng Xâm, hàng sản xuất ra vẫn không kịp bán.

"Ngày thường, làng Đồng Xâm sản xuất đa dạng từ đồ thờ cúng, mỹ nghệ và trang sức. Nhưng những tháng cuối năm, hầu hết các hộ sản xuất ở đây đều chuyển sang làm hàng Tết như tranh đồng, chữ Hán bằng đồng, đồ thờ... Các xưởng phải huy động lực lượng lao động tối đa, ai giàu kinh nghiệm và khéo léo sẽ thực hiện chạm trổ, còn những lao động nông nhàn, chưa lành nghề đảm nhận công việc như phụ máy ép, mài, đánh bóng sản phẩm", ông Hoàng Thế Nghiêm, một thợ giàu tay nghề ở Đồng Xâm cho hay.

Gìn giữ nghề chạm bạc

Theo các nghệ nhân ở Đồng Xâm, nghề chạm bạc đòi hỏi sự kiên trì, nhẫn nại và chỉn chu đến từng tiểu tiết của nghệ nhân. Do đó, người thợ luôn nhẫn nại, cần cù, tỉ mỉ chạm, khắc lên từng hoa văn trang trí từ những công cụ thô sơ như dùi, đinh, búa… Mỗi người một phần việc, người tạo hình tạo dáng, người tạo nét tạo hoa.

img

Những người giữ gìn truyền thống cho làng nghề chạm bạc Đồng Xâm

Với nghề chạm bạc, chạm là công đoạn đòi hỏi sự tập trung nhất, đòi hỏi nghệ nhân phải hết sức khéo léo, không được phép cho mình sai dù chỉ một chi tiết nhỏ, nếu không, toàn bộ sản phẩm đó coi như đã bỏ, phải làm lại từ đầu.

Ông Hoàn chia sẻ, nghề chạm bạc, chạm đồng đòi hỏi cao nhưng bao đời nay đã giúp người dân nơi đây cải thiện đời sống. Ngày nay nghề chạm bạc vẫn lưu truyền và phát triển ngày một rộng rãi hơn. Các sản phẩm của Đồng Xâm ngày nay xoay quanh chất liệu đồng rồi mạ bạc sáng rất ưa nhìn và giá cả phải chăng.

img

Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Hoàn người được Chủ tịch nước phong tặng nghệ nhân ưu tú vì đã có nhiều thành tích trong việc đóng góp và gìn giữ truyền thống của làng nghề

"Chúng tôi sinh ra, lớn lên ở làng nghề này, đôi bàn tay đã quen việc, nghe tiếng chạm, đục đã quen tai. Bây giờ, nếu một ngày ngưng tay là nhớ lắm. Từ những tấm đồng thô kệch, sau khi định hình thành bát, ấm, chén, chuôi dao… chúng được đặt lên xi (khuôn) để chạm. Các họa tiết khi khắc chìm chạm nổi, lúc giản đơn, tinh tế, nhẹ nhàng, lúc lại cầu kỳ, chi tiết", ông Hoàn trải lòng.

Được biết, sau này, nguyên liệu làm các sản phẩm cũng trở nên phong phú hơn, không chỉ đơn thuần lấy nguyên liệu từ bạc hay đồng nữa, nhiều món đồ mỹ nghệ như lược, đũa, cốc, chén… còn kết hợp với các chất liệu khác như ngà, gốm, sứ, thủy tinh, và chỉ sử dụng đồng, bạc như họa tiết trang trí, tạo điểm nhấn cho sản phẩm.img

Một góc trưng bày sản phẩm làng nghề chạm bạc Đồng Xâm

Mỗi năm, vào ngày 1 đến ngày 5/4 âm lịch, nơi đây lại tổ chức lễ hội rất lớn tiếp đón du khách thập phương đến thăm quan. Người người, nhà nhà trong làng và những người làm nghề chạm bạc ở khắp nơi sẽ mang những sản phẩm đã chạm bạc đến bày bán.

Bên cạnh đó, vào ngày này, người ta còn tổ chức nghi lễ rước, tế linh đình, các trò chơi dân gian phong phú. Đây là dịp tưởng nhớ công ơn của ông tổ nghề chạm bạc Nguyễn Kim Lâu của những người thợ Đồng Xâm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.