Đổi đời nhờ câu cá hố
Sau mỗi chuyến ra khơi kéo dài 10 ngày, đoàn ngư dân 6 người ở xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình trở về bờ với gần 1 tấn cá hố.
Ngư dân Cảnh Dương có nghề câu cá hố cha truyền con nối từ cách đây khoảng gần 400 năm
Anh Trần Tiến Minh, 1 trong 6 ngư dân vừa cập bờ cho biết, với sản lượng này, nếu ở thời điểm trước năm 2019, khi chưa xảy ra dịch Covid-19, cá hố được thương lái thu mua với giá 150 nghìn đồng/kg để xuất khẩu qua Trung Quốc. Như vậy, số cá sẽ cho doanh thu đạt khoảng hơn 200 triệu đồng.
Thời điểm hiện tại, thương lái chỉ thu mua cá hố với giá từ 80-90 nghìn đồng/kg, nên doanh thu giảm còn khoảng 100 triệu đồng.
“Trung bình một chuyến đi biển câu cá hố kéo dài khoảng 5 - 10 ngày tùy vào thời tiết. Thông thường, với nghề câu cá hố, tỷ lệ ăn chia là 3/7, ba phần là dành cho chủ tàu để chi phí chuyến biển, bảy phần còn lại cho những người khác tham gia. Trong chuyến đi này, trừ các chi phí, mỗi anh em cũng có được cả chục triệu đồng. Anh em sẽ nghỉ ngơi vài ngày rồi lại ra khơi”, anh Minh kể.
Dù từ sau dịch Covid-19 đến nay, giá cá hố không cao, nhưng nghề câu cá hố vẫn đem lại thu nhập ổn định cho các hộ dân ở Cảnh Dương. Ở ngôi làng biển này, không hiếm các hộ dân xây cất nhà to, đổi đời nhờ câu cá hố.
Ở Cảnh Dương, không chỉ ngư dân có thu nhập từ nghề câu cá hố, mà các cụ già, em nhỏ, phụ nữ… đều có thể tham gia các công đoạn của nghề.
“Nhờ con cá hố mà bao thế hệ lớn lên, mưu sinh, nhiều gia đình khá giả, phất lên ở Cảnh Dương này. Ngày xưa, cá hố Cảnh Dương theo thuyền thương lái vào Nam ra Bắc, sang Trung Quốc và các nước khác lân cận. Giờ cá hố xuất khẩu đi Ma Cau, Hồng Công, Thâm Quyến (Trung Quốc)…”, anh Minh cho hay.
Nghề câu cũng lắm công phu
Ngư dân vui mừng với thành quả có được sau chuyến đi biến câu cá hố
Miệng móm mém nhai trầu, đôi bàn tay đang đan lưới thoăn thoắt, ông Nguyễn Văn Bằng (trên 70 tuổi) cho biết, đã có hơn 40 năm hành nghề câu cá hố.
Ông Bằng kể: Cá hố là loài cá đặc biệt, được mệnh danh là cá biển mình rồng bởi vẻ ngoài lấp lánh ánh bạc cùng vây chạy dọc sống lưng. Cá hố trưởng thành có chiều dài trên dưới 1m, nặng từ 0,8-2kg, nhiều con có thể đạt trọng lượng 3kg.
Với giá trị dinh dưỡng cao, cá hố được xếp vào loại thực phẩm bổ dưỡng được nhiều người ưa chuộng. Đây là loài cá sống ở tầng đáy, cách mặt nước biển khoảng 150-200m. Chính vì vậy, để đánh bắt cá hố, ngư dân chủ yếu dùng nghề câu khơi, cách bờ biển hàng trăm hải lý.
Theo ông Bằng, sử sách của làng chép lại, làng biển Cảnh Dương được thành lập năm Quý Mùi (1643), tính đến nay vừa tròn 380 năm. Cư dân của làng có nguồn gốc từ Nghệ An, Thanh Hóa, di cư vào đây và bao đời nay gắn liền với nghề đi biển.
“Thuở xưa cha ông đi câu trên những con tàu nhỏ và qua kinh nghiệm để nhìn con nước, đoán hướng gió mà tìm luồng cá hố giữa biển cả mênh mông. Dần dần, đến đời con cháu đóng tàu lớn hơn, trang bị các thiết bị hiện đại giúp cho việc câu cá hố hiệu quả hơn”, ông Bằng chia sẻ.
Anh Trần Tiến Hưng, một ngư dân có hơn 20 năm kinh nghiệm câu cá hố cho biết, mỗi chuyến câu cá hố cần một số loại cá nhỏ để làm mồi. Mồi ưa chuộng của cá hố là con cá nục, khi hết cá nục mà luồng cá còn nhiều lại lấy cá hố cắt từng miếng để câu.
Giờ có máy dò luồng cá, máy định vị hỗ trợ nghề câu cá hố. Tuy nhiên, những kinh nghiệm cha ông truyền dạy lại như cần câu bằng tre già đã tôi luyện qua lửa; những cục chì 1-2kg bảo đảm cho chùm lưỡi câu chìm xuống 50-100m dụ cá hố ở tầng nước sâu và cũng là để ghì con cá hố lại… thì vẫn như xưa.
“Mỗi lần cá hố cắn câu, mất 5 phút mới thu dây bởi con cá hố dưới biển rất khỏe, nó lao vun vút như rồng lửa, vùng vẫy rất mạnh, phải lựa con nước, lựa lúc nó yếu sức vì mang theo cục chì mà đưa lên”, anh Hưng kể.
Linh thiêng ngôi miếu và nghĩa trang thờ cá
Trong nghĩa trang cá ở Cảnh Dương, mỗi ngôi mộ đều được cắm bia, đặt tên và chăm sóc chu đáo
Không chỉ nổi tiếng với nghề câu cá hố, Cảnh Dương còn nổi tiếng với tục thờ cá được lưu truyền từ hàng trăm năm.
Tại Ngư Linh Miếu ở thôn Đông Cảng, xã Cảnh Dương đang thờ 2 bộ xương cá voi khổng lồ, ước chừng nặng mấy chục tấn. Theo các chuyên gia, đây được xem là hai bộ xương cá voi lâu đời nhất và lớn nhất Việt Nam với chiều dài có thể lên đến 27m, bề rộng gần 10m.
Theo ông Bằng, người làm nghề đánh cá ở làng Cảnh Dương quanh năm đối mặt với sóng gió ngoài khơi xa. Những lúc gặp nạn, cá voi thường xuất hiện cứu giúp ngư dân thoát chết.
Vì vậy, ngư dân luôn tôn thờ và hết mực yêu quý loài cá này. Thế nên, ở Cảnh Dương, ngư dân gọi cá voi là “cá ông”,“cá bà” một cách đầy kính trọng.
Người dân Cảnh Dương đến nghĩa trang cá của làng để cầu bình an
Ngoài ngôi miếu thờ cá ông, cá bà, nghĩa trang cá voi của làng Cảnh Dương hiện tại nằm sát bờ biển, hướng mình nhìn ra khơi xa. Ở đây có 24 ngôi mộ cá, mỗi ngôi mộ đều được cắm bia, đặt tên và chăm sóc chu đáo không khác gì nghĩa trang dành cho người.
“Mỗi khi có cá voi “lụy” vào bờ, dân làng Cảnh Dương lại chung tay đưa cá về với “ngôi nhà” trước biển. Trước khi hạ táng, cá voi được tắm sạch sẽ bằng nước nấu từ nhiều loại hoa.
Tại đây, dân làng tổ chức hát chèo cạn đưa tiễn cá, rồi tùy theo kích thước của cá mà chọn ra những trai tráng khỏe mạnh, chưa có gia đình để làm lễ đưa “ngài” về nơi an nghỉ cuối cùng”, anh Minh cho hay.
Theo anh Minh, ngư dân Cảnh Dương xưa nay trước khi ra khơi vẫn hay đến Ngư Linh Miếu hoặc nghĩa trang cá voi của làng để cầu bình an, mong đánh bắt bội thu, thuyền bè đi khơi về lộng an toàn.
Ông Đồng Vinh Quang, Chủ tịch UBND xã Cảnh Dương cho biết, xã có 573 tàu đánh cá, chủ yếu đánh bắt cá hố.
Sản lượng thủy sản mỗi năm đạt hơn 4.200 tấn, với giá trị hơn 386 tỷ đồng. Nhờ nghề câu cá hố nên dịch vụ, thương mại kèm theo tạo nên tổng giá trị đạt hơn 771 tỷ đồng, hoạt động tiểu thủ công nghiệp phục vụ nhu cầu trong xã đạt hơn 102 tỷ đồng.
Do cá hố trên thị trường ngày càng có giá trị kinh tế cao nên ngư dân Cảnh Dương cũng nhờ đó mà khấm khá lên. Hiện nay, xã chỉ còn 4% hộ nghèo, nhà 2 tầng ở Cảnh Dương mọc lên san sát.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận